Tin Việt Nam – 31/05/2017
Nổ lớn tại nhà máy thép Formosa
Một vụ nổ đã làm rung chuyển nhà máy mới của tập đoàn Đài Loan Formosa ở Hà Tĩnh vào cuối ngày thứ Ba (30/5), một ngày sau khi nhà máy bắt đầu vận hành thử nghiệm lần đầu, sau khi gây ra thảm họa môi trường tồi tệ nhất ở Việt Nam hồi năm ngoái.
Ông Chang Fu-ning, Phó Chủ tịch điều hành Công ty Formosa Hà Tĩnh, nói với Reuters rằng vụ nổ là do thiết bị lọc bụi bị vỡ vì trục trặc kỹ thuật.
Ngày 31/5, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay đã xác định nguyên nhân ban đầu của vụ nổ là do bụi phát sinh trong quá trình đưa đá vôi vào lò, kết hợp với hơi nước bay lên từ quá trình sấy, đốt lò, nung vôi đã bám dính vào thành của thiết bị lọc bụi túi vải, gây tắc nghẽn quá trình lưu thông khí, bụi, gây chênh lệnh áp suất dẫn đến làm bục thiết bị lọc bụi tại Lò vôi số 1.
Sự cố này làm tăng thêm mối lo ngại về độ an toàn của nhà máy trị giá 11 tỷ USD, cho dù ông Chang khẳng định với Reuters rằng vụ nổ không gây thương vong và không ảnh hưởng gì đến tiến trình chuẩn bị sản xuất.
Phó Chủ tịch Formosa cho Reuters biết “Hoạt động thử nghiệm vẫn tiếp tục tiến hành”.
Năm ngoái, nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh đã đổ chất thải độc hại, gây ô nhiễm hàng trăm km bờ biển miền Trung, tàn phá nền kinh tế địa phương vốn phụ thuộc chủ yếu vào ngư nghiệp và du lịch, làm ảnh hưởng nặng nề tới sinh kế của người dân.
Nhà máy của Formosa vừa được chính phủ Việt Nam cho phép khởi động lại vào ngày 29/5, sau thời gian đình trệ vì thảm họa môi trường.
Mặc dù đã bồi thường 500 triệu đôla để khắc phục thảm họa môi trường, nhưng nhiều người dân không đồng ý với khoản bồi thường của Formosa. Họ nêu lên quan ngại về những tác động xấu của nhà máy đối với môi trường về lâu dài.
Hồi tháng 3, tập đoàn Formosa cho biết sẽ đẩy mạnh đầu tư, chi ra thêm khoảng 350 triệu đôla vào dự án thép, trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối Formosa vẫn tiếp diễn.
Được biết, khoản đầu tư mới sẽ được dùng để nâng cao các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường, tăng vốn lưu động, mua vật liệu và xây dựng hệ thống dập cốc khô.
Ngày 31/5, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh ra hạn trong vòng 7 ngày, Formosa phải thông báo cho cơ quan chức năng biết nguyên nhân của vụ nổ, và trong vòng 15 ngày phải khắc phục các trục trặc kỹ thuật của Lò vôi số 1 để đảm bảo an toàn trong lúc vận hành thử nghiệm.
Nguyên nhân vụ nổ tại Formosa
Bụi phát sinh từ quá trình nhập nguyên liệu vào lò, kết hợp với hơi nước bay lên từ quá trình sấy gây tắc nghẽn lưu thông không khí là nguyên nhân vụ nổ thiết bị lọc bụi lò vôi mà công ty Formosa cho vận hành thử trong 24 tiếng.
Đó là kết luận ban đầu của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh sau vụ nổ xảy ra lúc 8 giờ 45 phút tối ngày 30 tháng Năm vừa qua, vào khi công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa được phép vận hành thử nghiệm lò cao số 1 cũng như những công trình phụ trợ khác.
Tin trong nước cho biết sau khi kiểm tra hiện trường thì Ủy ban Nhân dân tỉnh cho rằng sự cố kỹ thuật này không gây thiệt hại về người và vật chất, không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến quá trình vận hành thử nghiệm lò cao số 1 khởi sự hoạt động từ ngày 29.
Ông Lê Đình Sơn, bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, người trực tiếp chỉ đạo cuộc điều tra vụ nổ, cho rằng dù là trục trặc kỹ thuật nhưng Formosa cần rút kinh ngiệm và phải đánh giá nghiên túc sự việc trong thời hạn 7 ngày hầu có thể thông tin chính xác cho người dân biết.
Ông Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường, Trần Hồng Hà, khi được báo giới chất vấn bên lề Quốc hội về vụ nổ ở Formosa hôm tối 30 tháng 5 cho rằng đó là sự cố đáng tiếc nhưng không nguy hiểm.
Nhà máy Formosa ‘sẽ vẫn vận hành’ sau vụ nổ lò
Vụ nổ lớn tại nhà máy Formosa Hà Tĩnh ngay sau 24 giờ vận hành thử “gây thêm lo lắng”, theo ý kiến một nhà hoạt động môi trường nhưng quan chức tập đoàn Đài Loan nói nhà máy sẽ “vẫn vận hành”.
Vụ nổ xảy ra vào khoảng 21:00 hôm 30/5 được truyền thông Việt Nam tường thuật:
“Cách hiện trường vụ nổ khoảng một km, công nhân làm việc trong công trường Formosa mô tả tiếng nổ lớn inh tai, rung chuyển mặt đất, vài phút sau thì khói bốc lên kèm theo mùi khét.”
Lò vôi phát nổ dùng để luyện vôi cục thành vôi bột, phục vụ quá trình khử lưu huỳnh trong nhà máy nhiệt điện.
Phó chủ tịch Formosa Hà Tĩnh, ông Trương Phục Ninh được Reuters hôm 31/5 dẫn lời:
“Thiết bị lọc bụi lò vôi trong nhà máy của chúng tôi đã bị nổ. Chúng tôi ngay lập tức cắt nguồn điện để kiểm tra an toàn. Chúng tôi đang cố gắng tìm nguyên nhân sự cố.”
Ông nói: “Vụ việc không gây cháy, thiệt hại hay thương vong.”
Việc vận hành thử lò cao luyện thép, lò luyện thép vẫn diễn ra bình thườngÔng Trương Phục Ninh
“Việc vận hành thử lò cao luyện thép, lò luyện thép vẫn diễn ra bình thường.”
Ông Lê Hồng Tịnh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội, cho biết sẽ yêu cầu Hà Tĩnh báo cáo về sự cố, theo báo Tuổi Trẻ hôm 31/5.
“Chúng tôi đã vào giám sát tận nơi. Những yêu cầu đưa ra phía họ làm cũng rất tích cực, hợp tác tốt để khắc phục các lỗi còn tồn tại,” báo này dẫn lời ông Tịnh.
“Các đoàn của Quốc hội vào giám sát thì Formosa rất tạo điều kiện, cởi mở để đoàn nắm được quy trình vận hành của nhà máy.”
‘Không thấy bên thứ ba’
Hôm 31/5, nhà hoạt động môi trường Nguyễn Anh Tuấn, nói với BBC: “Nếu là người dân địa phương sống gần nhà máy Formosa, chắc tôi sẽ không thể an tâm sau sự cố hôm qua.”
“Sau thảm họa môi trường năm ngoái, rất nhiều phái đoàn kiểm tra của chính phủ đã tuyên bố xem xét toàn diện nhà máy này và quyết định cho Formosa được vận hành thử nghiệm.”
“Nhưng rồi lại xảy ra vụ nổ như mọi người đã biết ngay hôm sau thời điểm này.”
“Tôi nghĩ nhiều người sẽ khó tin được những cam kết không để tái diễn các sự cố liên quan đến nhà máy này.”
Ông Tuấn cũng cho biết thêm: “Vấn đề ở đây là mọi sự giám sát Formosa dường như chỉ là việc giữa chính quyền và công ty này.”
“Người ta không thấy có sự tham gia của một bên thứ ba là các chuyên viên môi trường độc lập, nhóm xã hội dân sự, đại diện quốc tế.”
“Mọi diễn biến liên quan đến sự cố cũng không được minh bạch. Những gì chúng ta biết được trên mặt báo Việt Nam cũng chỉ là do Formosa và chính quyền cung cấp.”
“Do vậy, sau vụ nổ mới nhất, chắc chắn còn nhiều lo lắng, bất ổn ở phía trước.”
Dự án Formosa Hà Tĩnh có vốn đầu tư 11 tỷ.
Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh được kết luận là thủ phạm gây thảm họa cá chết năm 2016, gây thiệt hại cho kinh tế miền Trung vốn phụ thuộc vào nghề cá và du lịch biển.
Tái khởi động
Nhà máy được khởi động lại hôm 29/5 sau một thời gian bị đình chỉ hoạt động.
Formosa đã chi bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam và hồi tháng 3/2017 nói rằng họ sẽ đẩy mạnh đầu tư khoảng 350 triệu đôla vào dự án thép trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối, khiếu kiện về bồi thường vẫn diễn ra âm ỉ tại miền Trung trong thời gian qua.
Vào trung tuần tháng 5/2017, một phái đoàn gồm các chức sắc Công giáo và linh mục đã có chuyến đi châu u nhằm gặp gỡ các tổ chức quốc tế để vận động và trao thỉnh nguyện thư về thảm họa môi trường Formosa.
Thành phần gồm sáu vị giáo sỹ thuộc giáo phận Vinh do Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp dẫn đầu, trong hành trình tới Na Uy, Bỉ, Đức, Thụy Sĩ và Bồ Đào Nha, phái đoàn đã gặp gỡ Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp châu Âu, một số bộ ngoại giao cũng như một số tổ chức thuộc Giáo hội Công giáo và các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế.
Mang theo thỉnh nguyện thư với gần hai trăm ngàn chữ ký, phái đoàn muốn tìm trợ giúp và giải pháp cho thảm họa môi trường xảy ra từ hơn một năm qua.
Thủ tướng: ‘VN rất muốn làm ăn với nhà đầu tư Mỹ’
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi 15 tập đoàn lớn của Mỹ gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Tại một diễn đàn ở New York hôm 30/5 về đầu tư vào Việt Nam, ông Phúc quảng bá về một Việt Nam “với chính sách thông thoáng, hấp dẫn và trên hết có nhiều tiềm năng con người”.
Tham gia diễn đàn là đại diện các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn như ACDL, Dow Chemical, Harbinger Capital, Kasowitz, KKR, OneWeb và Warburg Pincus.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam chia sẻ rằng người dân và các doanh nghiệp Việt Nam “rất muốn, rất thích làm ăn” với các tập đoàn đầu tư Hoa Kỳ. Ông bình luận rằng “đó là tình cảm rất tuyệt vời”.
Nói về nguyên nhân có tình cảm như vậy, Thủ tướng Phúc giải thích “vì Hoa Kỳ có sự minh bạch, Hoa Kỳ có sự chống tiêu cực, tham nhũng”, những điều đó trùng hợp với tinh thần của chính phủ liêm chính được ông thúc đẩy kể từ khi nhậm chức.
Chúng tôi muốn đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Chúng tôi đã đầu tư vào tập đoàn Masan hơn nửa tỉ đôla. Tôi muốn chuyển lời đến thủ tướng là chúng tôi rất lạc quan và nhiệt tình về triển vọng kinh tế Việt Nam. Đất nước này có những cơ hội đáng kể, với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, người tiêu dùng chi tiêu ngày càng nhiều. Một số hãng quản lý danh mục đầu tư ở các nước khác trên thế giới đang hoạt động tích cực hơn ở Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi thấy có cơ hội ngày càng lớn ở Việt Nam cho những hãng đầu tư như KKR.
cựu tướng David Petraeus, chủ tịch quỹ đầu tư KKR
Các nhà đầu tư Mỹ một mặt đánh giá cao các cơ hội và tiềm năng đầu tư vào Việt Nam. Cựu tướng David Petraeus, hiện là chủ tịch quỹ đầu tư KKR, nói với các phóng viên ít phút trước khi diễn đàn bắt đầu:
“Chúng tôi muốn đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Chúng tôi đã đầu tư vào tập đoàn Masan hơn nửa tỉ đôla. Tôi muốn chuyển lời đến thủ tướng là chúng tôi rất lạc quan và nhiệt tình về triển vọng kinh tế Việt Nam. Đất nước này có những cơ hội đáng kể, với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, người tiêu dùng chi tiêu ngày càng nhiều. Một số hãng quản lý danh mục đầu tư ở các nước khác trên thế giới đang hoạt động tích cực hơn ở Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi thấy có cơ hội ngày càng lớn ở Việt Nam cho những hãng đầu tư như KKR”.
Mặt khác, giới đầu tư Mỹ cũng nêu ra những quan ngại, thắc mắc về một số vấn đề quan trọng còn tồn tại ở Việt Nam, xoay quanh các lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, luật đấu thầu, cổ phần hóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, thị trường vốn, trái phiếu, quản trị tốt và minh bạch.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Mỹ còn lưu ý đến những rủi ro, thách thức do những biến động ở tầm quốc tế như nạn tin tặc hay sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo.
Thủ tướng Phúc và các bộ trưởng kế hoạch đầu tư, công thương và nông nghiệp đáp lại rằng họ lắng nghe các ý kiến của các nhà đầu tư Mỹ, và chính phủ Việt Nam đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của đất nước.
Ông Phúc nhấn mạnh rằng tôn chỉ của chính phủ kiến tạo dưới thời ông là xây dựng “môi trường đầu tư minh bạch hơn, thân thiện doanh nghiệp, có độ mở cao”. Ông nói môi trường như vậy cũng “tạo điều kiện thuận lợi nhất” cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ “được tiếp cận những cơ hội, tiềm năng, hoạt động kinh doanh bình đẳng ở Việt Nam theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi”.
Thủ tướng Việt Nam khẳng định đây là “thời điểm chín muồi, có tính chất quyết định” để Hoa Kỳ – với thế mạnh về kinh nghiệm, công nghệ và nguồn tài chính – tham gia tích cực hơn vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng không quên trấn an các nhà đầu tư Mỹ rằng “đầu tư vào Việt Nam không có rủi ro lớn” vì Việt Nam không có các vấn đề về Hồi giáo, khủng bố, tin tặc.
Tính đến nay, các con số chính thức cho thấy Hoa Kỳ chưa phải là nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam. Trong 11 tháng của năm 2016, đầu tư của Mỹ là 238 triệu đôla. Nếu tính lũy kế qua nhiều năm, tới nay, các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam trên 10 tỉ đôla.
Với con số này Mỹ xếp hạng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, xếp sau Hàn Quốc (51,5 tỉ đôla), Nhật Bản (42 tỉ đôla), Singapore (gần 38 tỉ đôla), Đài Loan (31,2 tỉ đôla), và một số nước khác.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích lưu ý rằng nếu tính cả các khoản đầu tư của các tập đoàn Mỹ vào Việt Nam thông qua các chi nhánh ở các nước thứ ba, thì tổng đầu tư của Hoa Kỳ sẽ lớn hơn con số 10 tỉ đôla gấp nhiều lần.
Biểu tình phản đối chuyến thăm Mỹ của Thủ Tướng Phúc
Hàng trăm người Việt sẽ tham gia biểu tình phản đối chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại thủ đô Washington vào ngày 31/5.
Theo tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc vào lúc 3:20 giờ chiều ngày 31/5 tại Tòa Bạch Ốc.
Cuộc biểu tình sẽ bắt đầu lúc 1 giờ trưa tại Công Viên Lafayette Square trước Tòa Bạch Ốc.
Trưởng ban tổ chức cuộc biểu tình Đinh Hùng Cường, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Washington DC, Maryland và Virginia, cho VOA – Việt ngữ biết mục đích của cuộc biểu tình là “để phản đối sự có mặt của ông Nguyễn Xuân Phúc; tố cáo chính quyền Việt Nam liên tục chà đạp nhân quyền, tự do tôn giáo, đàn áp, tù đày và giết hại đồng bào vô tội.”
Ông Cường nêu mục đích của cuộc biểu tình:
“Đòi hỏi nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam; phản đối việc đàn áp, đánh đập người dân vô tội đi biểu tình; đòi những quyền chính đáng như Formosa. Việc đánh đập tạo nên hình ảnh vô cùng dã man, hành động đó phải chấm dứt.”
Theo ông Cường, cuộc biểu tình cũng nhằm bày tỏ quyết tâm của người Việt hải ngoại ủng hộ các cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền của đồng bào tại quê nhà.
Trong cuộc trao đổi với VOA-Việt ngữ, Bác sĩ Võ Đình Hữu, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Hoa Kỳ, nói thông qua cuộc biểu tình, cộng đồng muốn gửi đi một thông điệp cho thế giới về hiện tình Việt Nam:
“Nói cho thế giới biết tình trạng vi phạm nhân quyền Việt Nam, vấn đề môi sinh bị ô nhiểm mà chính quyền Việt Nam đã làm lơ; vấn đề biển Đông – Việt Nam nhường hải đảo cho Trung Cộng mà Việt Nam không dám lên tiếng. Một điều nữa là cho người dân trong nước biết cộng đồng hải ngoại luôn luôn nhớ về quê hương, và ủng hộ đồng hành với phong trào tranh đấu tại quê nhà. Lòng dân đã tới lúc chín mùi rồi, đây là những bước đầu, những cơ hội tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền của người dân Việt Nam.”
Nói cho thế giới biết tình trạng vi phạm nhân quyền Việt Nam, vấn đề môi sinh bị ô nhiểm mà chính quyền Việt Nam đã làm lơ; vấn đề biển Đông – Việt Nam nhường hải đảo cho Trung Cộng mà Việt Nam không dám lên tiếng.
Bác sĩ Võ Đình Hữu
Ông Hữu cho biết các cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ cùng phối hợp với Hội đồng Liên tôn Quốc nội và Hải ngoại, đã gửi thư ngỏ đến Tổng thống Donald Trump:
“Thư ngỏ đã gửi đến Tổng thống Trump và Quốc hội Hoa Kỳ – khi thương thuyết vấn đề thương mại với Việt Nam phải đặt nhân quyền lên trên hết, bởi vì chỉ có một Việt Nam tự do dân chủ thì mới đem lại sự thành công trong phát triển kinh tế và mậu dịch giữa hai nước. Kêu gọi ông Trump gây áp lực buộc Việt Nam thả tất cả tù nhân lương tâm.”
Thư ngỏ gửi ông Trump trước chuyến thăm Mỹ của ông Phúc có đoạn viết:
“Việt Nam tiếp tục áp đặt một chế độ độc tài toàn trị, tước bỏ các quyền tự do căn bản của người dân, khủng bố những công dân tranh đấu một cách ôn hòa cho dân quyền, nhân quyền, và cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Hiện nay nhà cầm quyền còn giam giữ hàng trăm tù nhân chính trị và tôn giáo bị gán cho nhãn hiệu ‘chống phá nhà nước’ bằng những bản án bất công.”
Việt Nam sẽ ký hợp đồng 15 tỉ đôla mua hàng hóa, dịch vụ Mỹ
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tối thứ Ba cho biết ông sẽ ký những hợp đồng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trị giá gần 15 tỉ đôla trong chuyến thăm của ông tới thủ đô Washington.
“Đặc biệt Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều thiết bị và các dịch vụ từ Hoa Kỳ. Ngay dịp này chúng tôi sẽ ký hợp đồng gần 15 tỉ đôla chủ yếu là từ nhập khẩu các thiết bị, dịch vụ từ Hoa Kỳ,” ông Phúc nói vào cuối bài phát biểu trong một sự kiện do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức.
Ông Phúc, người sẽ hội kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thứ Tư trong ngày cuối cùng của chuyến thăm ba ngày đến Mỹ, không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về những thương vụ này.
Giám đốc điều hành General Electric Steve Bolze phát biểu tại bữa tối rằng công ty của ông sẽ ký hợp đồng kinh doanh mới trị giá khoảng 6 tỉ đôla với Việt Nam, nhưng cũng không nêu rõ chi tiết.
Phát biểu của ông Phúc được đưa ra sau khi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer bày tỏ lo ngại về tốc độ gia tăng thâm hụt thương mại nhanh chóng của Mỹ với Việt Nam, nói rằng đây là một thách thức mới cho cả hai nước và ông trông chờ ông Phúc giúp giải quyết vấn đề này.
“Trong thập kỷ qua, thâm hụt thương mại song phương của chúng ta đã tăng từ khoảng 7 tỉ đôla lên gần 32 tỉ đôla,” ông Lighthizer nói. “Sự tăng trưởng đáng lo ngại này về thâm hụt thương mại của chúng ta đề ra những thách thức mới và cho chúng ta thấy rằng có tiềm năng đáng kể để cải thiện hơn nữa mối quan hệ thương mại quan trọng của chúng ta.”
Ông Lighthizer và các quan chức thương mại khác của chính quyền Trump đã cam kết nỗ lực giảm thiểu thâm hụt thương mại song phương của Mỹ với các đối tác thương mại lớn. Thâm hụt thương mại 32 tỉ đôla của Mỹ với Việt Nam vào năm ngoái – mức thâm hụt thương mại lớn thứ sáu của Mỹ – cho thấy khối lượng nhập khẩu ngày càng tăng những chất bán dẫn và những sản phẩm điện tử khác từ Việt Nam, ngoài những mặt hàng truyền thống như giày dép, đồ may mặc và đồ nội thất.
Vấn đề thương mại đã trở thành điều có thể gây khó xử trong một mối quan hệ mà cả Washington và Hà Nội đều đã tăng cường hợp tác an ninh trong những năm gần đây vì cùng lo ngại về hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Đông Á.
Ông Phúc sẽ là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Nhà Trắng dưới chính quyền mới.
Thượng đỉnh Việt-Mỹ, ngổn ngang quan ngại
WASHINGTON DC —
Ngày 31/5 tại Washington DC, Tổng thống Donald Trump sẽ có cuộc gặp chính thức với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc vội vàng đi Mỹ lần này là do những sức ép rất lớn từ nền kinh tế Việt Nam vốn đang lâm vào khủng hoảng. Chính quyền cộng sản hy vọng những hiệp định thương mại với Hoa Kỳ sẽ là cứu cánh chính cho chế độ. Chính vì thế, cộng đồng người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ kỳ vọng trong cuộc gặp lần này, chính quyền tổng thống Trump sẽ có những yêu cầu cụ thể và cứng rắn hơn đối với Hà Nội về vấn đề nhân quyền, trước khi trao cho họ những quyền lợi thương mại.
Ông Nguyễn Xuân Phúc là nguyên thủ quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Hoa Kỳ, kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Động thái ‘sốt sắng’ này, theo nhận định chung của giới chuyên gia, bắt nguồn từ những khó khăn kinh tế trong nước khi Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc trên 50 tỉ USD mỗi năm và ngân sách đang trống rỗng do các dự án đầu tư thiếu hiệu quả tràn lan, nguồn thu từ thuế đang bị thu hẹp do các hiệp định thương mại đã ký. Nhiệm vụ sống còn của ông Phúc trong chuyến thăm lần này là phải đạt được những thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ để duy trì con số xuất siêu trên 30 tỉ USD/năm vào thị trường này. Có được như vậy, mới mong không có những biến động xã hội lớn và duy trì được chế độ cộng sản, theo dự báo của giới phân tích.
Tuy vậy, trước chuyến thăm của ông Phúc là một loạt vụ bắt bớ, truy nã những nhà hoạt động nhân quyền, những người lên tiếng bảo vệ quyền lợi của ngư dân miền Trung, nạn nhân trong thảm họa ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Hàng triệu cư dân dọc bờ biển miền Trung Việt Nam đang sống lay lất do mất nguồn sống từ biển mà chưa nhận được đền bù từ chính quyền. Nhiều người tự hỏi không biết cuộc sống của họ sẽ ra sao khi biển miền Trung tiếp tục chịu ô nhiễm trong nhiều thập kỷ nữa. Có thể nói Việt Nam thực sự không chỉ rơi vào một cuộc khủng hoảng về nhân quyền, mà cả một cuộc khủng hoảng về nhân đạo nữa. Đây là nội dung mà cộng đồng người Việt tại Mỹ muốn chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa vào nội dung nghị sự trong cuộc gặp với ông Phúc tới đây.
Từ Arizona chị Thu Phạm chia sẻ: “Tôi thấy thật đáng thương cho những người dân miền Trung Việt Nam. Bây giờ biển thì ô nhiễm, hải sản không ai dám ăn, trong khi cuộc sống của họ dựa hoàn toàn vào nghề đi biển. Vậy họ sống bằng gì đây? Cái này thật ra hơi cụ thể so với một cuộc gặp cấp cao giữa 2 nguyên thủ thế này nhưng rõ ràng phải đề cập tới vì nó còn liên quan tới một loạt vụ bắt bớ các nhà hoạt động nhân quyền nữa. Không thể cho họ những quyền lợi thương mại, rồi họ lại ậm ờ, lờ đi những việc họ phải làm đối với vấn đề nhân quyền và cả nhân đạo đối với ngư dân miền Trung.”
Chị Loan Nguyễn, một Việt kiều từ bang California, kêu gọi: “Ô nhiễm biển miền Trung thì quá nặng nề rồi. Hàng triệu người không có nguồn sống nữa. Trong khi đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng thì bị bỏ tù. Những vấn đề này rõ ràng cần được đặt lên bàn đàm phán và có những hành động cụ thể, cứng rắn với chính quyền cộng sản Việt Nam. Họ muốn có quyền lợi về thương mại với Hoa Kỳ thì phải đáp ứng những yêu cầu căn bản về nhân quyền tại Việt Nam”.
Chưa bao giờ, kể từ khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995 tới nay, một cuộc gặp cấp cao giữa nguyên thủ hai nước lại có nhiều vấn đề căng thẳng, cấp bách cần đàm phán như vậy. Ông Phúc được cử đi để ‘chạy vạy’ cho một chế độ cộng sản đang có nhiều vấn đề, còn ông Trump đang đứng trước chuyện nhân quyền-nhân đạo mà Hoa Kỳ không thể làm ngơ tại Việt Nam. Vì thế, nhiều người cho rằng đây là một cơ hội thuận lợi để chính quyền Tổng thống Trump đặt những điều kiện cứng rắn cho chính quyền cộng sản Việt Nam. Tuy vậy, theo ý kiến của không ít người Việt sinh sống lâu năm tại Hoa Kỳ, những thỏa thuận tích cực đạt được sau cuộc gặp này vẫn còn rất mơ hồ.
Từ California, anh Trần Ngọc Bảo bày tỏ lo lắng: “Rõ ràng nếu những vấn đề về ô nhiễm biển miền Trung và nhân quyền được đưa vào nội dung đàm phán lần này thì không chỉ tốt cho cộng động người Việt tại hải ngoại mà còn rất tốt cho cộng đồng người Việt trong nước. Nhưng tôi thấy thật sự thì những vấn đề tại Đông Nam Á nói chung và Biển Đông hay Việt Nam không nhận được nhiều sự quan tâm từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Vì thế cũng khó nói được là những vấn đề này có được đem ra thảo luận và giải quyết rốt ráo hay không.”
Ông Lưu Vũ Diệp từ Kansas nghi ngại: “Tôi thấy ông Trump là một doanh nhân nên ông ý đầu tiên phải chú trọng tới những lợi ích trước đã, chứ không thực sự quan tâm đến những vụ việc cụ thể tại Việt Nam đâu. Nên cuộc khủng hoảng nhân quyền và nhân đạo tại Việt Nam hiện nay chưa chắc đã thực sự được quan tâm đầy đủ trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Phúc lần này”.
Để tiếng nói của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ có thể đến với chính quyền Tổng thống Donald Trump, ngoài những chiến dịch vận động thông qua Ủy Ban Nhân quyền Toàn cầu tại Hạ viện Mỹ, cộng đồng người Việt tại Mỹ sẽ tiến hành một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc ngay trong buổi gặp giữa ông Trump và ông Phúc vào ngày 31/5.
Từ Virginia, anh Lý Ngọc Bảo, một Việt kiều có nhiều hoạt động trong cộng đồng người Việt, nói với VOA Việt ngữ: “Thật ra bây giờ đi biểu tình, bày tỏ chính kiến về các vấn đề của Việt Nam chủ yếu là mấy bác thuộc thế hệ đầu sang đây. Trong khi chúng ta có 3 thế hệ đang ở đây. Chúng ta phải nói chuyện, giáo dục cho thế hệ trẻ biết những vấn đề tại Việt Nam để các em cùng tham gia. Hơn thế, chúng ta cũng phải đoàn kết với các cộng đồng sắc tộc khác để mỗi lần tham gia biểu tình thế này không chỉ các cơ quan báo chí tiếng Việt đến đưa tin mà cả báo chí của Mỹ, của các cộng đồng khác nữa. Từ đó, tiếng nói của cộng đồng người Việt sẽ mạnh mẽ, tạo ra một sức ép lớn đến những quyết định của chính quyền trong các vấn đề liên quan đến Việt Nam.”
Theo các chuyên gia, ngoài mục tiêu tối quan trọng là duy trì thặng dư thương mại 30 tỉ USD/năm với Hoa Kỳ, chuyến đi này của ông Phúc cũng nhằm thăm dò quan điểm của tân Tổng thống Donald Trump và chính quyền mới về các vấn đề liên quan tới Đông Nam Á và Biển Đông, bởi từ khi nhậm chức tới nay, ông Trump tỏ ra chưa mấy mặn mà với khu vực này.
Liệu Hoa Kỳ có thực sự cần đến Việt Nam trong chiến lược kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc, sau khi Philippines, một đồng minh lâu năm của Mỹ ở khu vực, đang xích lại gần hơn với Trung Quốc? Đó cũng là điều mà chính quyền cộng sản Việt Nam muốn biết trong chuyến thăm này. Còn đối với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, việc Tổng thống Donald Trump tỏ thái độ dứt khoát và đặt những điều kiện cụ thể đối với thảm họa nhân quyền-nhân đạo đang diễn ra tại Việt Nam là kỳ vọng lớn nhất của tất cả mọi người.
Linh mục Nguyễn Đình Thục bị bao vây, đe dọa
Linh mục Nguyễn Đình Thục đêm 30/5 cho biết nhiều người từ các xóm lân cận đánh kẻng và kéo tới chặn đường ông trở về giáo xứ sau khi dâng lễ ở Giáo họ Văn Thai.
Sự việc xảy ra vào lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến thăm Mỹ và nhiều tổ chức xã hội, dân biểu Mỹ đang nêu lên quan ngại về cuộc ‘khủng hoảng nhân quyền’ tại Việt Nam.
Theo lời kể của Lm. Nguyễn Đình Thục, khi ông đang trên đường trở về giáo xứ Song Ngọc sau khi dâng lễ ở Giáo họ Văn Thai, cách đó khoảng 3 km, thì được báo có nhiều người đang kéo đến chặn đường về của ông.
Một số người cho biết lương dân ở các xóm lân cận đang đánh kẻng báo động để kéo tới bao vây vị linh mục đang tham gia tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân thảm họa môi trường Formosa.
Lm Nguyễn Đình Thục nói việc ông bị bao vây chỉ vì đi dâng lễ là hành động “sai trái và độc ác”, xúc phạm tự do tín ngưỡng.
“Tôi đang đứng ở giữa vòng vây có cả mấy ngàn người mà tôi nghĩ đó là côn đồ mà chính quyền đang dùng để đàn áp tôi. Có thể buổi tối hôm nay tôi bị đánh đập. Cũng có thể tối hôm nay tôi bị giết. Nhưng tôi nghĩ vấn đề đó không quan trọng. Vấn đề ở đây mà tôi thấy là một chính quyền mà lại đi dung dưỡng bạo lực, kích động bạo lực để tấn công giáo dân và tấn công cả một linh mục đi dâng lễ. Tôi không làm gì sai trái. Tôi đi dâng lễ. Vậy thì tấn công tôi hóa ra là chính quyền này đang xúc phạm niềm tin tôn giáo, xúc phạm tự do tín ngưỡng của tôi”.
Có thể buổi tối hôm nay tôi bị đánh đập. Cũng có thể tối hôm nay tôi bị giết. Nhưng tôi nghĩ vấn đề đó không quan trọng. Vấn đề ở đây mà tôi thấy là một chính quyền mà lại đi dung dưỡng bạo lực, kích động bạo lực để tấn công giáo dân và tấn công cả một linh mục đi dâng lễ.
Linh mục Nguyễn Đình Thục.
Lm. Nguyễn Đình Thục cho biết có nhiều công an có mặt tại nơi ông bị bao vây.
“Ở đây công an rất đông, mà công an không ngăn chặn hành vi này thì điều đó chứng tỏ công an đồng lõa hay chính công an kích động bạo lực?”
Trước đó 2 ngày, ngày 28/5, mạng xã hội lan truyền tin cho hay giáo họ Văn Thai xảy ra vụ bắn đạn vào nhà thờ của giáo họ trong cuộc diễn tập mà “dân phòng thì cầm súng bắn đạn, người dân thì cầm gậy gộc, sắt típ và đá”.
Các đoạn video đăng trên mạng cho thấy một vài người dân bị thương tích với nhiều vết máu trên quần áo.
Trong khi đó, Đài phát thanh truyền hình Nghệ An đưa tin đây là cuộc “diễn tập chiến đấu phòng thủ năm 2017”.
Một nội dung trong cuộc diễn tập bao gồm “trung đội dân quân cơ động xã thực hành tình huống giả định là giải tán một cuộc kích động, biểu tình của bà con giáo dân về sự cố gây ô nhiễm môi trường biển của Formosa tại trụ sở UBND xã”.
“Sau đó, chủ tịch UBND xã đã đối thoại trực tiếp với một số đối tượng cầm đầu việc biểu tình và đồng thời tuyên truyền, vận động bà con không nên gây rối trật tự công cộng. Bên cạnh đó, công an, quân sự dùng đạn khói để giải tán đám đông và tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng chức năng trà trộn vào bắt một số đối tượng quá khích nhằm giữ vững ổn định địa bàn”, theo Đài phát thanh truyền hình Nghệ An.
Cách đây mấy hôm họ mua kẻng. Mỗi xóm một cái kẻng. Cái kẻng này không phải là cái kẻng của xóm, mà là kẻng của những người kích động bạo lực. Tức là mỗi khi họ muốn tấn công chúng tôi thì họ đánh cái kẻng đó và họ sẽ kéo đến để tấn công chúng tôi.
Linh mục Nguyễn Đình Thục.
Trong lúc bị bao vây đêm 30/5, Lm. Nguyễn Đình Thục cho VOA biết:
“Cách đây mấy hôm họ mua kẻng. Mỗi xóm một cái kẻng. Cái kẻng này không phải là cái kẻng của xóm, mà là kẻng của những người kích động bạo lực. Tức là mỗi khi họ muốn tấn công chúng tôi thì họ đánh cái kẻng đó và họ sẽ kéo đến để tấn công chúng tôi”.
Các cuộc tấn công liên tiếp nhắm vào các linh mục và những người khiếu kiện Formosa xảy ra giữa lúc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ, với mục tiêu tiếp cận tân chính quyền Donald Trump và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.
Ngay trước chuyến thăm của ông Phúc, tại Quốc hội Mỹ hôm 25/5 có buổi điều trần về “cuộc khủng hoảng nhân quyền” tại Việt Nam. Trong đó, các dân biểu Mỹ cho rằng nhân quyền ở Việt Nam đang biến mất và kêu gọi chính phủ Mỹ không tách rời nhân quyền ra khỏi mối quan hệ kinh tế, thương mại.
HRW kêu gọi Mỹ không trải thảm đỏ lãnh đạo độc tài Việt Nam
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể không quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam; thế nhưng Quốc hội Mỹ thì lại không như thế.
Đó là nhận định mà giám đốc hỗ trợ Châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, John Sifton, đưa ra và được loan đi vào ngày 30 tháng 5, ngay trước khi ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam được tổng thống Donald Trump tiếp tại Nhà Trắng vào chiều 31 tháng 5.
Theo ông John Sifton thì người mà tổng thống Trump tiếp vào chiều ngày 31 tháng 5 là nhân vật độc tài mới nhất trong danh sách mà người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ đón chào, thăm hỏi hay điện đàm.
Về mặt chính sách ngoại giao, tổng thống nước Mỹ đề ra đường lối; nhưng Quốc hội với vai trò cố vấn và chuẩn thuận có thể can thiệp nếu có những thực tế mà theo họ không thể chấp nhận. Quốc hội Hoa Kỳ phải chuẩn y các thỏa thuận thương mại ký kết và có thể chặn những thỏa thuận về mua bán vũ khí.
Theo giám đốc John Sifton của Human Rights Watch thì quan ngại lớn của lưỡng đảng Quốc hội Hoa Kỳ là thành tích nhân quyền của Việt Nam.Theo vị giám đốc hỗ trợ Châu Á của Human Rights Watch thì đó là vấn đề đoàn kết những thành viên của cả hai đảng.
Ông John Sifton nêu rõ đó là một thực tế mà chính quyền của tổng thống Donald Trump phải đối mặt: có thể tân chính quyền Mỹ không muốn cổ xúy cho nhân quyền, nhưng thực tế chính trị đòi hỏi họ phải thực thi điều đó.
Giám đốc Hỗ trợ Châu Á của Human Rights Watch nêu ra những trường hợp các tù nhân lương tâm gồm Trần Huỳnh Duy Thức, hiện phải thụ án 16 năm tù do có những bài viết và nỗ lực lập nên nhóm cổ xúy cho dân chủ tại Việt Nam; trường hợp của tù nhân Ngô Hào, mục sư Nguyễn Công Chính, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, các bloggers Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Đình Ngọc tức Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh- Mẹ Nấm, Hồ Văn Hải- Hồ Hải, cũng như các ông Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng từng nhiều năm lên tiếng cho nhân quyền.
Tác động của việc lãnh đạo Hoa Kỳ công khai nêu những tên tuổi tù nhân lương tâm đó ra có thể giúp biện pháp đối xử với họ trong tù được nới lỏng tốt hơn và thậm chí được trả tự do sớm hơn.
Biện pháp hiện nay của chính quyền Hà Nội dùng tay côn đồ để sách nhiễu, tấn công bằng bạo lực đối với các tiếng nói bất đồng cũng được ông John Sifton nêu ra và nói rõ Human Rights Watch thu thập tài liệu về những trường hợp trong năm ngoái về tình trạng này.
Giám đốc Hỗ trợ Châu Á John Sifton của Human Right Watch kêu gọi Quốc Hội Hoa Kỳ cần chuyển cho ông Nguyễn Xuân Phúc khi đến Washington biết rằng vấn đề nhân quyền vẫn là một đề tài lớn ở thủ đô nước Mỹ. Đây được cho là một kết quả tích cực của chuyến đi sau khi ông Phúc về lại Hà Nội và báo cáo cho Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kê khai tài sản: Chống tham nhũng hay kiểm soát quyền lực?
Lan Hương, phóng viên RFA
Ngày 23/5 Bộ Chính trị đã ban hành quy định kiểm tra, giám sát kê khai tài sản khoảng 1000 cán bộ và cơ quan giám sát chính là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra trung ương. Chuyện kê khai tài sản công chức đã được thực hiện nhiều năm nay nhưng đa số ý kiến cho rằng chưa hiệu quả.
Không chỉ là chống tham nhũng
Ngay sau khi quy định kiểm tra, giám sát kê khai tài sản khoảng 1000 cán bộ được Bộ chính trị đưa ra, một số nhà quan sát đã nhận thấy chiến dịch năm nay khác với các năm khác ở chỗ không chỉ chú trọng đến chống tham nhũng mà còn là kiểm soát quyền lực.
Nói với đài RFA, Nhà báo Phạm Chí Dũng – TS. Kinh tế ở Sài Gòn cho rằng những chiến dịch kiểm tra tài sản trước đây được nói là nhằm chống tham nhũng nhưng chỉ mang tính hình thức vì số vụ bị phanh phui thiếu trung thực rất nhỏ nhoi. Ông phân tích yếu tố kiểm soát quyền lực trong chiến dịch lần này:
Sau đại hôi XII, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành nhân vật số 1 của Việt Nam và vấn đề kiểm soát quyền lực được đặt lên gần như hàng đầu và cực kỳ quan trọng. Vừa rồi chuyện ông Nguyễn Phú Trọng loại ông Đinh La Thăng ra khỏi bộ Chính trị đã cho thấy ông Trọng tiến được một bước không nhỏ trong việc kiểm soát quyền lực. Mà kiểm soát quyền lực của phe đối trọng có nghĩa là gia tăng quyền lực về phe mình.
Sau đại hôi XII, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành nhân vật số 1 của Việt Nam và vấn đề kiểm soát quyền lực được đặt lên gần như hàng đầu và cực kỳ quan trọng.
- Nhà báo Phạm Chí Dũng
Đầu tháng 5 vừa rồi, ông Đinh La Thăng, nguyên bí thư thành ủy TP.HCM, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã bị kỷ luật và cho thôi chức ủy viên bộ Chính trị vì những sai phạm ông này mắc phải khi còn lãnh đạo PVN, làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước.
Truyền thông trong nước ngày 29/5 trích dẫn lời bà Lê Thị Thủy, Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ nói rằng việc kê khai tài sản cán bộ từ trước đến nay chưa được làm đầy đủ, bài bản. Bà khẳng định rằng quy định mới của Bộ Chính trị sẽ được làm một cách nghiêm túc, không ngoại trừ ai.
Quy định mới này đưa ra 3 căn cứ để kiểm tra đó là khi cơ quan có thẩm quyền yều cầu, khi có phản ánh đơn thư tố cáo và khi có dấu hiệu vi pham quy định về kê khai tài sản.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định thêm một số điểm khác biệt trong chiến dịch kiểm tra kê khai tài sản lần này so với những lần trước:
Lần này chiến dịch kê khai kiểm tra tài sản cán bộ được tung ra ngay sau khi xử lý kỷ luật ông Đinh La Thăng, ủy viên bộ Chính trị. Thứ hai là có con số cụ thể. Theo bà Lê Thị Thủy, phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng thì con số đó lên tới khoảng 1000 quan chức. Tôi hiểu số này bao gồm 200 ủy viên trung ương, gồm cả bộ Chính trị và ban bí thư. 800 còn lại là ủy viên thường vụ các tỉnh ủy và thành ủy. Một điểm quan trọng nữa đó là sau khi kiểm tra xong phát hiện sai phạm thì sẽ công khai lên báo đài. Chuyện này trước đây không có.
Còn theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Qúy Thọ, chuyên gia phân tích chính sách của Bộ kế hoạch và đầu tư, những chiến dịch kê khai tài sản lần trước chưa thành công là do các vấn đề về khủng hoảng kinh tế:
Đặc biệt là nhiệm kỳ trước của Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải đối phó với những khó khăn như lạm phát, nợ xấu, doanh nghiệp phá sản nên người ta tập trung vào làm chuyện đó nhiều hơn. Gần đây người ta cho rằng kinh tế dần đi vào quỹ đạo. Tuy nhiên những sai lầm về kinh tế giai đoạn trước để lại hậu quả nghiêm trọng trong đó có sự suy thoái của nhiều cán bộ. Cho nên việc này là một giải pháp để kiểm tra sự minh bạch tài sản của các cán bộ.
Đồng tình với quan điểm Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, ông Phạm Qúy Thọ cũng cho rằng đây là một giải pháp kiểm soát quyền lực đang được dư luận đề xuất là một trong những biện pháp chủ yếu để tiến tới cải cách thể chế thực chất hơn.
Từ nói đến làm…
Việc kê khai tài sản, thu nhập được chính thức thực hiện từ tháng 12/2013 theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ, nhưng nhiều ý kiến nói rằng việc thực hiện chưa hiệu quả, dẫn đến những lo ngại về chiến dịch lần này. Tiến sĩ Phạm Qúy Thọ nhận định:
Tất nhiên khi nhìn vào quá khứ người ta vẫn nghi ngờ tính khả thi của giải pháp này. Tuy nhiên công chúng vẫn hy vọng rằng nếu thực hiện tốt sẽ mang lại những chuyển biến về thể chế. Thậm chí người ta cho rằng việc này phải làm và làm từ trên xuống dưới, phải làm từ cấp cao nhất xuống.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nghĩ rằng không ai có thể nói trước là chiến dịch lần này có khả thi hay không. Theo ông, muốn làm được trước hết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải huy động được lực lượng lớn người làm công tác nghiệp vụ kiểm tra kê khai, đặc biệt những người trong hệ thống điều tra pháp luật.
Bây giờ trong tay ông Nguyễn Phú Trọng có Uỷ ban kiểm tra Trung ương. Nhưng ông ấy nên nhớ là ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Trung Quốc muốn làm được thành công chiến dịch kiểm tra tài sản cán bộ thì Tập Cận Bình đã phải nắm được cả hai Bộ quốc phòng và Bộ Công an. Còn ông Trọng, mặc dù ông ấy phụ trách quân ủy trung ương và ông ấy nằm trong thường vụ đảng ủy công an trung ương nhưng nhiều ý kiến nói rằng ông Trọng chưa nắm được cả hai bộ quốc phòng và công an, đặc biệt là bộ công an. Nếu chưa nắm được bộ Công an thì lấy đâu hồ sơ để kiểm tra cán bộ.
Tuy nhiên công chúng vẫn hy vọng rằng nếu thực hiện tốt sẽ mang lại những chuyển biến về thể chế.
- Tiến sĩ Phạm Qúy Thọ
- Tiến sĩ Phạm Qúy Thọ
Một thách thức khác Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu ra đó là việc các quan chức liên kết với nhau chống đối lại chiến dịch này để bảo vệ tài sản của họ. Ông cho rằng đây sẽ là một trở ngại lớn cho ông Nguyễn Phú Trọng vì quân số cán bộ rất đông.
Mới hôm 16/3 vừa qua, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục chống tham nhũng nói tại Hội nghị tổng kết dự án đánh giá công tác phòng chống tham nhũng rằng thời gian qua nhiều địa phương không phát hiện ra trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực và không xử lý trường hợp nào về tham nhũng.
Còn theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015 số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên một triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực.
Trong khi đó báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ cho thấy trong số 1 triệu bản kê khai, các cơ quan chức năng xác minh 414 người nhưng lại chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Việt Nam đã bắt đầu thực thi Luật phòng chống tham nhũng từ năm 2006 và Nghị định 78 của Chính phủ về minh bạch, tài sản thu nhập từ năm 2013. Tuy nhiên, Báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế hồi đầu năm nay cho thấy Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong châu Á về tỷ lệ tham nhũng, chỉ sau Ấn Độ, và đứng thứ 113/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu về tham nhũng.
Nhà thầu Trung Quốc ‘bao vây’ các công trình ở Việt Nam
Cát Linh, phóng viên RFA
Bộ Kế hoạch đầu tư hôm thứ Sáu 26 tháng 5 thừa nhận việc rất nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng các dự án lớn và quan trọng ở Việt Nam. Tuy nhiên thực tế cho thấy những dự án do Trung Quốc trúng thầu sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng một thời gian ngắn không đảm bảo chất lượng, mau xuống cấp.
Những lý do do Bộ Kế hoạch- Đầu tư đưa ra có được xem là hợp lý hay không? Qui trình đấu thầu ở Việt Nam hiện tại có đúng luật hay không?
Thực trạng của vay vốn
Một trong những nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là Việt Nam phải sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Theo cách giải thích, để vay vốn của Trung Quốc thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay.
Bình luận về điều này, trước tiên Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về ngân hàng hiện đang làm việc tại Việt Nam cho biết, ông nhìn nhận đấy là “một thực trạng”. Để nói về sự hợp lý hay không trong nguyên nhân do Bộ kế hoạch đầu tư đưa ra, ông nhắc đến những gói tài trợ giúp chính phủ Việt Nam phát triển gọi là ODA
“Những gói và chương trình ODA như thế thường đi kèm với lợi ích của quốc gia đó. Chẳng hạn như những nhà thầu Nhật Bản có những gói tài trợ cho những công trình về hạ tầng cơ sở, cầu cống… họ cũng có những điều kiện là chúng ta phải tuyển dụng, dùng kỹ sư của họ hoặc dùng những nguyên vật liệu mà họ đề nghị.
Chúng ta không thể loại trừ lợi ích quốc gia của các nước cung cấp ODA và các nước đầu tư trong chương trình hỗ trợ Việt Nam.”
Ông nói rằng nguyên tắc này cũng đúng với Trung Quốc khi họ đưa ra những gói hỗ trợ Việt Nam ở hạ tầng cơ sở cũng như những lĩnh vực kinh tế khác.
“Họ kèm theo điều kiện chẳng hạn như phải cho họ trúng thầu, phải tuyển dụng lao động của họ, phải mua nguyên vật liệu của họ.
Đây là điều xảy ra thông thường.Vấn đề là chúng ta chấp nhận được đến đâu.”
Họ kèm theo điều kiện chẳng hạn như phải cho họ trúng thầu, phải tuyển dụng lao động của họ, phải mua nguyên vật liệu của họ.
- Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Một chi tiết đáng chú ý trong nhận định của tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, ông đề cập đến vấn đề mua nguyên vật liệu. Vào đầu tháng 5 vừa qua, báo trong nước dẫn lời của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội – VEPR) cho biết số vốn đầu tư của Trung Quốc là bước đi nằm trong kế hoạch chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và máy móc cũ sang các nước nhận đầu tư. Một trong những nước đó là Việt Nam.
Riêng về vấn đề đấu thầu, chính Bộ KH-ĐT cũng khẳng định trong thông tin mới nhất rằng Việt Nam nên tự chủ về vốn, tránh việc vay vốn Trung Quốc quá nhiều.
“Trong một nền kinh tế quốc gia, chính phủ phải đưa ra những tiêu chí để phân bổ đầu tư và làm sao tránh được tập trung quá nhiều vào 1 nhà cung cấp hoặc 1 nhà tài trợ. Có lẽ Trung Quốc là một thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.”
Theo Trang thông tin điện tử Đầu Tư Nước Ngoài, trong Quý I năm 2017 có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 823,6 triệu USD, chiếm 10,68% tổng vốn đầu tư.
Với những thống kê trên, cùng với báo cáo do Bộ KH-ĐT đưa ra, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc trong những lĩnh vực tài chính, đầu tư, thương mại mậu dịch ngày càng cao.
Mặc dù cũng không phủ nhận rằng Việt Nam cần nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài trong lúc này, nhưng Tiến sĩ Vũ Quang Việt, kinh tế gia của Liên Hiệp quốc đồng thời nhấn mạnh:
“Có thể Việt Nam vẫn cần nhưng cần là cần cái tốt chứ không phải cái xấu.”
Quy trình và chất lượng
Ba yếu tố khác mà theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư là nguyên nhân dẫn đến lý do vì sao nhà thầu Trung Quốc trúng nhiều công trình dự án quan trọng có giá trị cao, đó là chất lượng lập, phê duyệt dự án chưa chính xác, thứ ba là phê duyệt tổng mức đầu tư thấp; và cuối cùng là chất lượng công tác lập hồ sơ mời thầu còn yếu kém, chưa đưa ra được rào cản về kỹ thuật để có thể chọn những nhà thầu khác ngoài Trung Quốc.
Liên quan đến việc lựa chọn những nhà thầu nước ngoài cho các công trình dự án trong nước, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích dựa trên hai yếu tố mà ông cho là tối cần thiết, đó là yếu tố minh bạch và yếu tố công bằng.
“Tất cả những nhà thầu thông thường đều phải qua tiến trình đấu thầu. Nguyên tắc của đấu thầu là phải đấu thầu minh bạch, tức là những tiêu chí, yêu cầu, điều kiện, trúng thầu phải đưa ra rất rõ ràng cho tất cả các bên. Rồi ngày mở thầu, mở tất cả những gói thầu và chủ đầu tư, trong trường hợp này là chính phủ Việt Nam sẽ lựa chọn nhà thầu nào thích hợp nhất với tiêu chí của mình đưa ra với giá hợp lý nhất.”
Về chất lượng, theo ông đây là một vấn đề rất quan trọng trong những công trình, đặc biệt là hạ tầng cơ sở, vốn là những công trình đòi hỏi chất lượng cao. Với quan điểm của ông, điều này là trách nhiệm của Chính phủ.
Nói về Luật Đấu thầu, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đấu thầu không quy định chọn thầu theo giá rẻ mà chỉ quy định những nhà thầu đã được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật mới được xem xét, xác định giá đánh giá, đề nghị trúng thầu.
Thế nhưng, cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, hiện các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án trọng điểm nhưng triển khai chậm, thi công kém chất lượng như dự án sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Như đề cập, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được khởi công tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư trên 18.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Tuyến đường dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Theo kế hoạch, tháng 10/2017 dự án sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống và dự kiến quý II/2018 dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Theo báo Dân trí trong nước đưa tin ngày 23 tháng 5, nhà ga La Khê thuộc dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có những hiện tượng kính cường lực bị nứt, kẽ ga quá rộng, thiếu bu lông, đinh ốc… Ghi nhận của phóng viên báo Dân trí cho biết những hình ảnh này gây tâm lý e ngại cho người dân về sự an toàn của công trình.
Đưa ra ý kiến về chất lượng của những dự án đấu thầu, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết cần phải có những quy trình tuyển chọn nhà thầu rất chặt chẽ, mà trong đó, Chính phủ Việt Nam có một trách nhiệm rất lớn.
“Nếu hiểu rằng đây là những công trình mang tầm mức quan trọng không những cho thế hệ này mà còn cho những thế hệ sau, nó đóng góp một phần rất lớn trong phát triển quốc gia, thì phải đưa ra những gói thầu với tiêu chí rất chặt chẽ. Và chọn lựa những nhà thầu đáp ứng được những tiêu chí đó. Đây là vấn đề của chính phủ.”
Bên cạnh bức xúc của người dân ngày càng tăng đối với các công trình dự án của nhà thầu Trung Quốc, là câu hỏi của một bài báo trong nước phải chăng 12 dự án thua lỗ, yếu kém đều do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận?
Đó cũng là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khi ví von rằng “Hãy tránh tình trạng bỏ quá nhiều quả trứng vào một rổ”.
Nhận xét
Đăng nhận xét