ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 31/03 /2016

Người Miến Điện và ước vọng thay đổi thực sự

Theo RFI

 

> Người bán báo rong trên đường phố Rangun, 17/03/2016.REUTERS/Soe Zeya Tun
> Nhiều tờ báo chính của Pháp (31/03/2016) đều hướng về Miến Điện, nơi ngày hôm qua đã diễn ra một sự kiện trọng đại của đất nước Đông Nam Á này : Tân tổng thống Miến Điện, ông Htin Kyaw, tuyên thệ nhậm chức. Như vậy là lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 1962, chức vụ lãnh đạo đất nước cao nhất được trao cho một nhân vật dân sự thuần túy và xuất thân từ phe đối lập dưới chế độ độc tài quân sự.
> Sau nửa thế kỷ dưới chế độ độc tài quân sự, sự kiện này quả thực đang mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, và người dân Miến Điện. Nhật báo La Croix có bài « Người Miến Điện mơ ước về các cải cách ».Thông tín viên của tờ báo tại Rangun đã tìm hiểu về những mong ước, hy vọng của nhiều tầng lớp người dân Miến Điện trước một viễn cảnh rộng mở của đất nước dưới chính quyền dân sự thực sự. Tuyệt đại đa số người dân Miến Điện đều đang hy vọng chính quyền mới sẽ tiến hành những cải cách kinh tế lớn và họ được sống trong tự do hơn.
> Tuy nhiên La Croix ghi nhận : « Sau một nửa thế kỷ dưới chế độ độc tài quân sự ( 1962-2011) và mặc dù chính phủ chuyển tiếp đã thực thi một số cải cách trong 5 năm qua, đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (LND) nay lên nắm quyền, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn ».
> Trước tiên là nạn tham nhũng. Ở Miến Điện, trước đây làm gì từ việc nhỏ đến lớn dính đến chính quyền, từ làm chiếc thẻ căn cước hay muốn có một chỗ bán hàng hoa quả bên hè phố, tất cả đều phải có tiền lót tay, hối lộ mới xong việc. Giới trẻ thì hy vọng chính phủ mới thu hút thêm nhiều đầu tư nước ngoài để tạo công ăn việc làm.
> Thách thức lớn nữa đối với chính phủ mới là vực dậy nền giáo dục đang trong tình trạng thê thảm. Tác giả bài báo cho biết : Năm nay, Nhà nước dự trù 7% ngân sách quốc gia dành cho giáo dục, chỉ bằng một nửa tiền chi cho quân đội. Cũng vì sự bất công trong giáo dục mà sinh viên học sinh đã nổi dậy biểu tình bất chấp bị phạt tù.
> Giờ đây giới sinh viên và đại học Miến Điện mong muốn chính quyền phải dành cho giáo dục sự quan tâm gấp bội và để cho họ được tự chủ quyết định chương trình giảng dạy. Phyo Phyo Aung, tổng thư ký hội sinh viên lớn nhất Miến Điện hy vọng : « Đảng LND là một đảng cách mạng ra đời trong phong trào nổi dậy của sinh viên 1988. Tôi tin chắc những con người ưu tú mới sẽ hiểu những đòi hỏi và nỗi khổ cực của chúng tôi ».
> Theo La Croix, trong một báo cáo công bố tháng này, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ( Amnesty international) đã thống kê khoảng hơn chục bộ luật mơ hồ cho phép chính quyền Miến Điện bỏ tù đối lập. Người Miến Điện hy vọng chính phủ mới sẽ nhanh chóng hủy bỏ các điều luật đó hoặc ít ra là cho hoãn áp dụng một số luật.

> Báo chí hy vọng nhưng vẫn dè dặt

>
> Nhật báo Le Monde đề cập đến « Hy vọng mở cửa của các nhà báo Miến Điện ». Tờ báo ghi nhận, cùng với việc tân tổng thống dân sự nhậm chức, các nhà báo Miến Điện hy vọng chính quyền mới sẽ có những quyết sách ngay để bảo đảm quyền tự do báo chí, đã có nhiều cải thiện trong những năm qua. Chính phủ của tổng thống mãn nhiệm Thein Sein từ năm 2011 đến nay đã xóa bỏ một số quy định cơ bản nhằm kiểm soát báo chí và các nhà báo. Điều này đã được chính những người trong giới truyền thông của Miến Điện xác nhận.
> Một trong những hệ quả trong chính sách cởi mở với báo chí đó là sự bùng nổ về các xuất bản phẩm báo chí, đặc biệt trong các bang dân tộc thiểu số. Chỉ tính riêng trong bang Chin, một vùng nghèo nhất nước, nay cũng có tới ba chục tờ nhật báo và tuần báo. Nhưng mặc dù có những chuyển biến tích cực, chính phủ cũ vẫn chưa chịu xóa hẳn các điều luật cũ mà họ vẫn có thể áp dụng để trấn áp báo chí khi cần thiết.
> Trong khi đó, đa số các nhà báo Miến Điện vẫn còn non về nghiệp vụ thiếu chuyên nghiệp, thi thoảng vẫn mắc lỗi nhưng một lỗi nhỏ có thể dẫn đến hình phạt rất nặng do việc áp dụng các điều luật cũ. Một vấn đề đặt ra hiện nay là : Chính phủ mới sẽ có quyết định gì ? Bà Aung San Suu Kyi, giờ nắm trong tay các bộ Ngoại Giao, Giáo Dục, Năng Lượng và vốn là người không ưa gì bị chỉ trích, sẽ ứng xử ra sao với báo chí ?
> Le Monde trích dẫn ông Zayar Hlaing, tổng biên tập nguyệt san Mawkun chuyên về phóng sự điều tra quả quyết chính phủ mới cho biết sẽ xóa bỏ dần truyền thông Nhà nước và ông cũng nói thêm là : « một vấn đề khác có thể nảy sinh là : công chúng có chịu để chúng tôi phê bình bà Aung San Suu Kyi, thần tượng của họ ? »

> Pháp : Tổng thống François Hollande lùi bước

>
> Thất bại, tai họa, phí phạm, tháo lui… những từ ngữ nặng nề như vậy xuất hiện khắp các báo Pháp ra hôm nay để đánh giá sự kiện hôm qua 30/03/2016, tổng thống Pháp François Hollande quyết định rút đề xuất sửa đổi Hiến pháp theo hướng tước quốc tịch những tội phạm khủng bố tại Pháp. Đề xuất này được đưa ra ngay sau các vụ khủng bố tại Paris hôm 13/11 và đã được đem ra thảo luận suốt nhiều tháng trời, nhưng qua hai viện Quốc Hội không thông thống nhất được sửa đổi nội dung câu chữ luật. Dư luận chính giới trong đó đặc biệt trong đảng Xã Hội, đa số cầm quyền, tiếp tục chia rẽ về đề xuất sửa đổi luật, cuối cùng tổng thống Pháp đành phải rút lui.
> Xã luận nhật báo La Croix với tựa đề « phí phạm » viết , sự kiện này quả là hiếm hoi trong lịch sử nền Cộng Hòa Pháp, quá nhiều tuyên bố, bày tỏ lập trường, tranh luận trên báo chí, đấu khẩu ở nghị trường, tất cả dẫn đến kết quả là không có gì. Tỏ phẫn nộ với việc làm vô ích , La Croix chỉ rõ bây giờ là lúc chính phủ Hollande chuyển sang chuyện khác và « nói ít đi, hành động cụ thể hơn ».
> Nhật báo Libération cũng nhấn thêm đây là một tai họa : « chưa bao giờ trong lịch sử chính trị Pháp, sáng kiến của một vị tổng thống lại đạt được một kết quả quá xa so với mục tiêu đề ra đến như vậy. Sau loạt vụ khủng bố 13/11, tổng thống François Hollande hy vọng đoàn kết quốc gia được đặt trên các đảng phái chính trị để hàn gắn lại một nước Pháp bị tổn thương », nhưng cuối cùng ông đã thất bại hoàn toàn bởi đã vấp phải « quá nhiều tư tưởng lạc hậu và các toan tính chính trị ». Chưa hết, hôm nay chính Phủ Pháp lại phải đối mặt với làn sóng phản đối dự thảo cải cách luật lao động vẫn quen gọi là luật El Khomeri.
> Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất « Luật El Khomeri chống chọi với đường phố ». Hôm nay, các công đoàn kêu gọi tổng đình công, biểu tình phản đối dự luật lao động cải cách. Quy mô huy động dự kiến lớn hơn lần diễn ra hồi đầu tháng 3 này rất nhiều lần. Theo Le Figaro, sẽ có khoảng 250 cuộc biểu tình với gần nửa triệu người tham gia trong cả nước. Phong trào được hưởng ứng rộng rãi trong các ngành giao thông công cộng, đường sắt, hàng không, truyền hình Nhà nước, trường học, nhà trẻ tại Paris và các tỉnh… 
> Tờ báo nhắc lại, dự luật lao động sửa đổi đã được thủ tướng điều chỉnh nội dung lần đầu để cho phù hợp với đòi hỏi của một số công đoàn, cân đối quyền lợi nghiêng về người lao động hơn là giới chủ. Mặc dù vậy, nội dung mới vẫn không làm phe chống đối hài lòng bởi theo họ phần cốt lõi của luật sửa đổi vẫn giữ.

> Brazil : Khủng hoảng chính trị không lối thoát

>
> Tiếp tục với nhật báo Le Monde với chủ đề quốc tế. Tờ báo dành chú ý nhiều đến cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở đất nước Nam Mỹ, Brazil với sự kiện liên minh cầm quyền chính thức tan rã, đẩy bà tổng thống Dilma Rousseff đến gần hơn nữa với khả năng bị phế truất.
> Xã luận tờ báo viết : « Tầng lớp bình dân nổi dậy, suy thoái kinh tế, lạm phát quay trở lại, đảng cầm quyền mục ruỗng vì tham nhũng, bà tổng thống bị đe dọa phế truất, đến mức phải hủy chuyến đi Mỹ. Sau thời gian đầu thế kỷ đầy huy hoàng, Brazil đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có ».
> Bà tổng thống trong những ngày qua có nói đến việc đất nước Brazil bị đẩy vào cuộc khủng hoảng chính trị như hiện nay là bởi đối lập và bà đánh giá như là một mưu đồ đảo chính.
> Tuy nhiên Le Monde nhận định : Nói đến đảo chính ở một đất nước đã thoát khỏi chế độ độc tài quân sự từ ba chục năm qua là nói bừa. Sự thực các thể chế Nhà nước Brazil không bị nguy hiểm gì, nhưng tham nhũng chính là liều thuốc độc chết người.
> Mặc dù tái đắc cử năm 2014, nhưng bà Dilma Rousseff sẽ phải kết thúc nhiệm kỳ một cách rất khó khăn. Giữa cuộc khủng hoảng lúc này, cũng không có nhiều giải pháp cho bà ; thủ tục phế truất không phải là giải pháp tốt nhất, nhưng từ chức cũng không phải là hay. Chỉ có tổ chức bầu cử trước thời hạn là khả dĩ hơn. Cuộc khủng hoảng tăng trưởng kinh tế cũng như khủng hoảng niềm tin hiện nay ở Brazil cũng là điều thường gặp ở nhiều quốc gia đang trỗi dậy khác mà thôi.

> Khủng bố : Ngành du lịch Địa Trung Hải thiệt hại nặng nề

>
> Phần cuối của bài điểm báo hôm nay xin được đề cập đến bài phóng sự trên Le Monde về Những thách thức mới của ngành du lịch tại khu vực Địa Trung Hải với ghi nhận : « Sau khi bỏ Ai Cập và Tunisia, các du khách châu Âu giờ đây quay lưng lại với Thổ Nhĩ Kỳ ». Tờ báo cho biết thêm : Từ một năm nay, làn sóng khủng bố liên quan đến cuộc chiến tại Syria và sự bùng nổ trở lại xung đột với người Kurdistan đã khiến công việc làm ăn của ngành du lịch trong khu vực Địa Trung Hải trở nên phức tạp rất nhiều…. Tháng 2, số khách nước ngoài đến Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 10% so với năm 2015. Trong khi đó tại Tunisia còn thê thảm hơn, lượng du khách đã giảm 50% trong năm 2015 khiến cho ngành công nghiệp không khói của nước này bị mất 35% doanh thu.
> Còn với nước Pháp, Paris cũng không khá hơn, lượng du khách cũng giảm nghiêm trọng, nhất là khách Trung Quốc. Số lượng xin visa vào Pháp du lịch đã giảm hơn 30%.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?