Châu Phi : “Bị cáo thường trực” của Tòa Hình Sự Quốc Tế?

media
Lối vào Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC/CPI) tại La Haye, Hà Lan. Ảnh chụp ngày 03/03/2011.REUTERS/Jerry Lampen
Trong vòng hai tuần tháng 10/2016, ba nước châu Phi liên tiếp bày tỏ ý định rút khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI hay ICC). Bắt đầu với Burundi ngày 18/10/2016, sau kết quả bỏ phiếu áp đảo tại Nghị Viện nước này ngày 12/10, đến lượt Nam Phi ngày 21/10 và cuối cùng là Gambia ngày 25/10. Theo quy định, việc rút khỏi Quy chế Roma, cơ sở thành lập Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, sẽ có hiệu lực vào năm 2017, đúng một năm sau khi Liên Hiệp Quốc nhận được thư thông báo của ba nước trên.
Theo nhận định của nhật báo Le Monde (22/10/2016), đây là sự kiện chưa từng có trong 14 năm hoạt động của thiết chế thường trực này. Một ngày sau thông báo của chính phủ Nam Phi, ông Sidiki Kaba, chủ tịch Hội đồng các nước tham gia Quy chế Roma, đã kêu gọi Burundi và Nam Phi “cân nhắc lại quan điểm của họ. Dù lựa chọn rút khỏi một hiệp định thuộc quyền tối cao của Nhà Nước, nhưng tôi lấy làm tiếc về những quyết định này”.
Ông cũng lo ngại “làn sóng rút khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế của hàng loạt các nước châu Phi sẽ làm suy yếu định chế tài phán quốc tế duy nhất chịu trách nhiệm xét xử các tội ác chiến tranh, tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội xâm lược”.
Việc tổng thống Pierre Nkurunziza bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng nhân quyền từ tháng 04/2015 có thể giải thích được quyết định rút khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế của Burundi. Còn theo La Croix (27/10), Gambia tố cáo “những ngược đãi nhắm vào các nước châu Phi, đặc biệt là giới lãnh đạo” trong khi “không một tội phạm phương Tây nào” bị truy tố. Thế nhưng, ý định rút khỏi Quy chế Roma của Nam Phi, nền kinh tế mạnh nhất châu Phi có lẽ gây tiếng vang lớn tại lục địa này, nơi CPI thường xuyên bị chỉ trích. 
Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến quyết định rút khỏi Tòa CPI của Gambia, Burundi và Nam Phi? 
Tòa Án Hình Sự Quốc Tế “thiên vị”
Theo nguyệt san Le Monde diplomatique (tháng 04/2016), Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, được cho là bổ trợ các định chế tài phán quốc gia, chỉ có thẩm quyền nếu việc truy tố không thể tiến hành được ở nước liên quan, hoặc do chính quyền không công minh trong vụ việc, hoặc do hệ thống tư pháp quốc gia không có khả năng thi hành công lý một cách hiệu quả. Chỉ cần quốc gia, nơi xảy ra các tội ác, công nhận Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, hay bị cáo mang quốc tịch của nước thành viên, thì Tòa có thẩm quyền xét xử. 
Thế nhưng, chính mục đích bổ trợ này thường xuyên bị coi là một nguyên tắc mang tính phân biệt đối xử: Các nước bị nhắm tới thường là những quốc gia nghèo, yếu về mặt quản lý hành chính, trong đó có nhiều nước châu Phi. Đây cũng là nhận định ngày 21/10 của bộ trưởng Tư Pháp Nam Phi, Michael Masutha, khi ông cho rằng CPI “thích nhắm đến các nhà lãnh đạo tại châu Phi mà không xét xử những nhân vật khác cũng phạm tội ác ở một nơi nào đó”.
Trong quá khứ, tổng thống Nam Phi Jacob Zuma từng lên án việc Tòa Hình Sự Quốc Tế không truy tố Hoa Kỳ, bị cáo buộc tấn công Irak mà không chứng minh được sự tồn tại của vũ khí huỷ diệt hàng loạt ; hay truy tố Israel vì các tội ác chống lại người Palestin.
Ý định rời CPI của Pretoria được củng cố hơn sau chuyến công du gây nhiều tranh cãi vào tháng 06/2015 của tổng thống Sudan, Omar Al Bachir, nhân thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Phi được tổ chức tại thành phố Johannesburg. Chính quyền Nam Phi từ chối bắt giữ nhà lãnh đạo Sudan bị CPI truy tố vì tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh ở Darfour. Bộ trưởng Tư Pháp Masutha giải thích : Tòa Án “cản trở khả năng đáp ứng các nghĩa vụ của Nam Phi về việc tôn trọng quyền miễn trừ ngoại giao”
Vẫn theo Le Monde (21/10), Burundi quyết định rời cơ quan tài phán quốc tế vì cho rằng Tòa Án Hình Sự Quốc Tế chỉ phục vụ các cường quốc, trong đó thậm chí có một số nước không phê chuẩn Quy chế Roma, nhằm ám chỉ đến ba nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Israel cũng không công nhận thẩm quyền của Tòa.
Bộ trưởng Tư Pháp Burundi, Aimée Laurentine Kanyana, giải thích : “Burundi cho rằng, đối với các nước châu Phi, đã đến lúc không tham gia Quy chế (Roma) này nữa. Với tư cách là một quốc gia, Burundi chịu trách nhiệm bảo vệ quyền tối cao của mình và rút khỏi Quy chế (mà nước này ký vào tháng 01/1999 và phê chuẩn vào tháng 09/2004)”. Ông cũng lên án “một công cụ gây sức ép đối với chính phủ các nước nghèo và là một phương tiện gây bất ổn ở các nước này”.
Bỏ CPI để khẳng định chủ quyền quốc gia và tình đoàn kết với các nước châu Phi
Trong 14 năm hoạt động (từ năm 2002), các thẩm phán ở La Haye đã mở 10 cuộc điều tra tại 9 nước, thế nhưng trong đó có đến 8 nước châu Phi. Chính trong bối cảnh này, tại thượng đỉnh ngày 31/01/2016, Liên Hiệp Châu Phi đã đồng thuận nghiên cứu khả năng rút tập thể ra khỏi Quy ước Roma về Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.
Về quyết định rút khỏi CPI của Nam Phi, theo giáo sư David Hornsby, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại đại học Witwatersand ở Johannesburg, đây là “dấu hiệu của Nam Phi đi theo quan điểm của các nước đối tác châu Phi”.
Đầu tháng 10/2016, ông Zuma đã công du Kenya. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Nam Phi tới thăm nước này. Trong khi đó, tổng thống và phó tổng thống Kenya, Uhuru Kenyatta và William Ruto, bị cáo buộc gây bạo lực trong đợt bầu cử năm 2007, nhưng cuối cùng Tòa CPI từ bỏ việc truy tố hai quan chức này. Tuy nhiên, trong suốt thời gian đó, hai nhà lãnh đạo Kenya đã tiến hành chiến dịch tẩy chay Tòa Án với sự ủng hộ của Liên Hiệp Châu Phi.
Nếu như Nam Phi luôn đề cao việc bảo vệ nhân quyền, thì nước này cũng nhấn mạnh đến chủ quyền của mỗi nước. Pretoria nhiều lần khó chịu về sự can thiệp của một số cường quốc phương Tây vào nội bộ châu Phi, như Pháp tại Bờ Biển Ngà (Côte d'Ivoire) vào năm 2010 hay vào Libya năm 2011. Các tổng thống Nam Phi cũng thường tỏ thái độ hòa dịu với tổng thống Robert Mugabe của nước láng giềng Zimbabwe, bất chấp vai trò của nhà lãnh đạo này trong việc đàn áp đối lập.
Tuy nhiên, quyết định của Pretoria lại bị nhiều tổ chức dân sự Nam Phi phản đối kịch liệt. Liên Minh Dân Chủ (DA), đảng đối lập chính, quyết định đưa vụ việc ra tòa với hy vọng hủy quyết định trên, bị đánh giá là “vi hiến và vô lý”, dù cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Thực vậy, theo một chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu An Ninh (ISS) ở Pretoria, “chính phủ đã gửi quyết định (rút khỏi CPI) lên Liên Hiệp Quốc trước khi tham khảo Nghị Viện. Việc này không tuân theo tiến trình dân chủ thông thường”.
CPI : Cơ chế hoạt động yếu ớt
Theo nguyệt san Le Monde diplomatique, CPI không thể tiến hành một phiên xử nếu không có sự hiện diện của bị cáo. Thế nhưng, Tòa không thể trông cậy vào lực lượng cảnh sát quốc tế. Rất nhiều “hồ sơ” của Tòa vẫn bị treo vì thiếu sự hợp tác của các nước liên quan. Một số vụ còn chưa khép lại vì thiếu tài liệu quan trọng mà các nước phải cung cấp. 
Ngày 21/03/2016, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế kết án phó tổng thống Congo, Jean-Pierre Bemba, tội chống nhân loại và tội ác chiến tranh tại nước Trung Phi. Thế nhưng, đây chỉ là bản án thứ 4 trong vòng 14 năm hoạt động của Tòa, trong đó có một vụ xử trắng án. Trên tổng số 18 nghi can bị xét xử, 6 người được tha bổng. Bản thành tích không được vẻ vang cho lắm, trong khi hàng năm, Tòa nhận được từ 100 đến 130 triệu euro trợ cấp từ các nước thành viên.
Tờ Le Monde diplomatique kết luận, phải từ bỏ mọi thái độ chần chừ tránh né và trì trệ về thủ tục mới giúp Tòa CPI lấy lại chút tín nhiệm và công minh, nếu không sẽ chỉ là một tòa án quốc tế hoàn toàn mang tính tượng trưng và xét xử một bộ phận rất nhỏ. - RFI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện