Ts Trần Công Trục - "Trung Quốc luôn sẵn kẹo trong túi"
Sunday, October 30, 2016 | 30.10.16
Bắc Kinh không thể "bao đồng" các nước mãi, nên đằng sau những thỏa thuận cho vay hoành tráng rất có thể là những công nghệ lạc hậu và ô nhiễm...
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông xung quanh cục diện Biển Đông và khu vực, trước vấn đề một số nhà phân tích tin rằng, Philippines và Malaysia đang "xoay trục" sang Trung Quốc. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Trái với dự đoán ban đầu của một số nhà phân tích quốc tế rằng, Biển Đông sẽ căng thẳng hơn, nguy cơ nổ ra xung đột tăng cao sau Phán quyết Trọng tài 12/7, cục diện trên Biển Đông từ đó tới nay tương đối ổn định sau khi Trung Quốc đã tạo được một "trạng thái bình thường mới".
Xu thế ổn định tạm thời này sẽ vẫn còn tiếp tục với sự xuất hiện của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và chiến lược đối thoại trực tiếp với Trung Quốc. Và mới đây nhất, thông tin Malaysia có thể mua tàu chiến gần bờ của Trung Quốc sẽ góp phần củng cố thêm xu hướng này.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã rất tinh tế và chuẩn xác khi đưa ra nhận xét về cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông, cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương:
"...Trung Quốc đi quanh khu vực này với kẹo trong túi họ....Đối với Trung Quốc, thương mại là một phần mở rộng trong chính sách đối ngoại của họ..."
Còn với vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực, ông Lý Hiển Long nhận định:
"...Nói Mỹ không có lợi ích quan trọng trong khu vực, hay khu vực này không còn quan trọng đối với Mỹ trong 10 năm tới là không chính xác. Bà Hillary Clinton biết rõ điều này.
Điều đó không có nghĩa là mong muốn Mỹ hiện diện ở đây với chiến hạm, mà là sự có mặt thân thiện, lành tính và hỗ trợ..."
Đặc biệt với ông Rodrigo Duterte, ông Lý Hiển Long đánh giá: "Lập trường riêng của ông Duterte theo tôi nghĩ là có chiều sâu. Tôi không nghĩ rằng ông ấy đang đóng kịch."
Mặc dù vị Thủ tướng của Singapore vừa giữ phép ngoại giao cần thiết khi bình luận về lãnh đạo nước khác, vừa thể hiện thái độ và ứng xử của một chính khách đẳng cấp quốc tế khi quả quyết, ông không muốn suy đoán về những gì chưa xảy ra, nhưng đánh giá này của ông cho thấy một tầm nhìn sáng suốt. [1]
Bình luận của Thủ tướng Singapore cho thấy một sự đánh giá rất sát, rất phù hợp với những gì đã, đang và sẽ diễn ra trên Biển Đông. Nó cũng phù hợp với cách Singapore ứng xử trước những biến động của thời cuộc.
Ông Duterte khéo tháo ngòi nổ Scarborough
Một trong những lo ngại của không ít nhà phân tích quốc tế là, sau Phán quyết Trọng tài 12/7, Trung Quốc có thể tiếp tục xây đảo nhân tạo ở Scarborough sau khi chiếm quyền kiểm soát từ Philippines trong cuộc khủng hoảng tháng Tư 2012.
Tất nhiên điều này có thể xảy ra nếu Manila đắc thắng và dồn Bắc Kinh vào chân tường bằng áp lực dư luận. Chính Hoa Kỳ nhận ra nguy cơ này, và đã chủ động "lái" Philippines và các nước liên quan không làm mất mặt Trung Quốc.
Khi lên nắm quyền, ông Rodrigo Duterte đã có một cách tiếp cận khác với người tiền nhiệm, tìm cách khôi phục quan hệ và đối thoại với Trung Quốc.
Kết quả bước đầu là, nhiều khả năng Trung Quốc đã âm thầm rút tàu tuần tra khỏi bãi cạn Scarborough, không ngăn cản ngư dân Philippines vào đánh bắt như trước.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken đang ở Bắc Kinh cũng nhận định, nếu quả thực đúng như vậy thì đây là một động thái đáng hoan nghênh. Cho dù ông Duterte đạt được nó trong bối cảnh tuyên bố "chia tay" Mỹ.
Mặc dù ông Đỗ Kế Phong, một chuyên gia về Đông Nam Á từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc được South China Morning Post ngày 29/10 dẫn lời bình luận:
"Mở lại quyền truy cập và đánh bắt cá (ở Scarborough cho ngư dân Philippines) không thể là một động thái vĩnh viễn và mang tính chính thức.
Vẫn còn quá sớm để nói quan hệ song phương (Philippines - Trung Quốc) sẽ phát triển như thế nào trong tương lai, vì đây mới chỉ là bước khởi đầu." [2]
Cá nhân người viết cho rằng ông Phong đang nói thật những gì ông nghĩ, và đó cũng có thể là suy nghĩ chung của các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc.
Nhưng một thực tế rõ ràng là, ông Rodrigo Duterte đã thay đổi hẳn trạng thái quan hệ Philippines - Trung Quốc sau chuyến thăm vừa qua.
Đó chính là chiếc lạt mềm buộc Trung Quốc không có các hành vi leo thang tiếp tục quân sự hóa Biển Đông ở Scarborough, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn.
Cá nhân tôi nhận thấy, rất có thể đây mới là mục đích sâu xa của ông Rodrigo Duterte, một việc mà chỉ ông mới làm được, chứ không phải Hoa Kỳ hay bất kỳ ai khác ngoài Trung Quốc, cho dù Obama đã vạch giới hạn đỏ với Tập Cận Bình ở Scarborough.
Vì vậy Mỹ nên phối hợp với ông ấy để bảo vệ thành quả này.
Tìm kiếm đầu tư từ Trung Quốc là nhu cầu, thực tế khách quan
Lo ngại của The Straits Times không phải ngẫu nhiên khi đặt câu hỏi, sau Philippines liệu có phải Malaysia cũng "xoay trục" sang Trung Quốc, đề cập đến chuyến thăm chính thức Trung Quốc 1 tuần bắt đầu từ hôm nay 30/10 của Thủ tướng Najib Razak.
Bởi lẽ một nước có yêu sách ở Biển Đông bị đường lưỡi bò Trung Quốc lấn vào sát bờ biển như Malaysia mà lại quyết định mua tàu chiến tác chiến gần bờ do Trung Quốc chế tạo thì quả thực là một lựa chọn "không bình thường".
Ngoài nguyên nhân mà Reuters suy đoán liên quan đến vụ bê bối quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia được Trung Quốc ra tay "cứu", cái gọi là "xoay trục sang Bắc Kinh" của ông Najib Razak còn xuất phát từ nhu cầu nội tại của nền kinh tế Malaysia.
Malaysia dự báo tăng trưởng kinh tế nước này năm 2017 khoảng 4% đến 5%, trong khi mức dự báo năm 2016 từ 4% đến 4,5%. Dự kiến thâm hụt ngân sách năm 2017 là 3% GDP so với 3,1% GDP năm 2016.
Tuy nhiên tổ chức xếp hạng quốc tế Moody lưu ý rằng, không có cải cách lớn nào mới để giải quyết điểm yếu tài chính của Malaysia.
Wan Wan Saiful Jan, Giám đốc điều hành Viện Dân chủ và kinh tế nhận định:
"Malaysia đang phải vật lộn tìm nguồn đầu tư và chính phủ cần tìm nhà đầu tư mới. Trung Quốc là một mục tiêu quan trọng.
Chuyến thăm này là rất quan trọng với Najib, vì ông cần phải chắc chắn rằng, dòng FDI đổ vào Malaysia phải được tiếp tục."
Theo ông, Najib Razak đi Trung Quốc là bắt buộc chứ không phải lựa chọn. Malaysia cần tiền mặt cho nền kinh tế, còn Trung Quốc thì sẵn "kẹo" trong túi. [3]
Người viết cho rằng, điều này đúng với cả Philippines và nhiều nước khác trong khu vực. Thủ tướng Lý Hiển Long đã rất chính xác khi chỉ ra rằng:
"Mỗi quốc gia yêu sách ở Biển Đông đều có quan hệ rộng lớn hơn với Trung Quốc. Không ai trong số này muốn đẩy quan hệ ấy đến bờ vực."
"Kẹo" Trung Quốc ngọt đấy, nhưng không dễ nuốt
Nói "ngọt" là vì, dường như Trung Quốc giải ngân các khoản cho vay hào phóng rất nhanh và khá dễ dàng, không đi kèm những điều kiện chính trị như Mỹ và phương Tây. Nhưng nó không dễ nuốt, và điều này đã được thực tế chứng minh.
Tang Siew Mun, thành viên cao cấp chương trình Nghiên cứu chiến lược và chính trị khu vực Viện Ishak Yusof bình luận:
Thủ tướng Malaysia Najib Razak, ảnh: Xania News. |
"Chuyến thăm (của Thủ tướng Malaysia Najib Razak) củng cố mô hình mới nổi của Kuala Lumpur, xem Trung Quốc như là "thuốc chữa bách bệnh" cho những vấn đề kinh tế của Malaysia.
Nếu xu hướng này tiếp tục, nó sẽ làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc kinh tế của Malaysia vào Trung Quốc, sẽ tạo ra những cái giá phải trả về chính trị và cuối cùng làm suy yếu quyền tự chủ chiến lược."
Lãnh đạo đảng Hành động Dân chủ đối lập Ong Kian Ming mặc dù tin rằng, chuyến thăm Trung Quốc của ông Najib không nên xem là chuyện khác thường, nhưng ông vẫn lo ngại:
"Các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến kinh phí, chẳng hạn như các khoản vay để xây dựng tuyến đường sắt ven biển phía Đông có thể đi kèm điều kiện buộc Malaysia ủng hộ Trung Quốc nhiều hơn trong vấn đề Biển Đông.
Mặt khác, tôi đang lo các khoản vay sẽ đi kèm với những điều kiện như ưu tiên nhà thầu Trung Quốc, trong khi đấu thầu công khai thực hiện các công việc của dự án này mới phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng tôi."
Wan Wan Saiful Jan thì lưu ý: "Tôi nghĩ rằng, sẽ là vấn đề lớn trong các điều khoản lợi ích nhỏ giọt mang đến từ các hợp đồng với doanh nghiệp Trung Quốc.
Họ muốn mang công nhân, trang thiết bị của mình sang ngay cả khi những yếu tố này có thể thuê rất dễ dàng tại Malaysia.
Họ (nhà thầu Trung Quốc) hầu như không mang đến bất kỳ công nghệ hay chia sẻ công việc nào cho người dân địa phương.
Ngược lại, họ mang tới hàng ngàn công nhân từ Trung Quốc và tạo ra những ngôi làng, những con phố Trung Quốc.
Vì vậy, điều quan trọng là chính phủ (các nước vay Trung Quốc) cần phải tập trung vào những thỏa thuận bảo vệ lợi ích của hợp đồng phải được chia sẻ với các doanh nghiệp địa phương." [3]
Tôi cho rằng đây là những nhận xét khá chuẩn xác và cũng đã có rất nhiều ví dụ xảy ra trong thực tiễn khu vực, cũng như ở Việt Nam liên quan đến các nhà thầu Trung Quốc.
Mặt khác nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chững lại và gặp nhiều vấn đề nội tại phải giải quyết do chính sách tái cơ cấu cũng cần rất nhiều tài chính.
Bắc Kinh không thể "bao đồng" các nước mãi, nên đằng sau những thỏa thuận cho vay hoành tráng rất có thể là những công nghệ lạc hậu và ô nhiễm, những doanh nghiệp tìm cách chây ỳ và tăng giá, kéo theo lao động Trung Quốc tràn sang lập làng, lập phố như cảnh báo của Wan Wan Saiful Jan.
Vì vậy phát huy tối đa nội lực, đẩy mạnh cải cách kinh tế, đa dạng hóa các quan hệ đối tác như Singapore đã và đang làm thiết nghĩ là một bài học, giải pháp đáng tham khảo cho các nước khác trong khu vực.
Ts Trần Công Trục
-------------------------
Tài liệu tham khảo:
-------------------------
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.straitstimes.com/singapore/tpp-is-more-than-just-a-trade-deal-or-jobs-issue-for-americans
[2]http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/2041275/china-may-have-left-scarborough-shoal-sign-warming-ties
[3]http://www.scmp.com/week-asia/geopolitics/article/2040709/what-has-malaysian-leader-najib-razaks-china-trip-got-do-1mdb
(GDVN)
Nhận xét
Đăng nhận xét