Tin khắp nơi – 31/10/2016

Tin khắp nơi – 31/10/2016

Bầu cử tổng thống Mỹ :

Tuần lễ căng thẳng cho Hillary Clinton

Chỉ còn có 8 ngày nữa đến ngày bỏ phiếu bầu tổng thống, nhưng vụ “các bức thư điện tử của Hillary Clinton” do FBI tái khởi động đã gây ra một cơn địa chấn. Ban vận động tranh cử của Clinton, tưởng là đã nắm chắc được một thắng lợi giờ đang bị lung lay. Họ buộc phải chuyển sang thế tấn công, nhưng thời gian lại rất hạn hẹp.
Từ Washington, thông tín viên RFI, Anne-Marie Capomaccio tường thuật:
Phe Cộng hòa tỏ ra khoái trá… Trong các cuộc mít tinh của Donald Trump, người ta trương tấm biển có ghi dòng chữ « đi tù » mỗi khi tên của bà Clinton được xướng lên. Còn ban vận động của bà Clinton, đã chuyển sang giai đoạn mà họ tin nắm chắc thắng lợi, giờ buộc phải liên tục can thiệp, đưa ra các lời giải thích không mấy đáng tin lắm và điều đó cũng chẳng làm thay đổi được gì cả…
Mối lo vắng người bỏ phiếu là chính đáng. Những cử tri có ý định đi bỏ phiếu chống lại Donald Trump hơn là bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton sẽ phải làm gì ?
Đối với Matt Lewis, thuộc đảng cộng hòa và chống lại Trump, tác giả quyển sách « quá ngốc để bị thua », nhà tỷ phú Mũ chỉ có một việc phải làm trong tuần cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử :
« Hãy ngậm miệng lại ! Chẳng nên can thiệp khi mà đối thủ đang trên đà tự sát ! Ông Trump phải bình tĩnh và để cho vụ việc tiến triển… »
Trên thực tế, người ta chẳng biết tý gì về nội dung các bức thư điện tử tai tiếng đó, được tìm thấy trong một máy tính cũ của một nữ cộng tác viên của bà Hillary Clinton. Nhưng các cuộc thăm dò tức thì cho thấy một sự sụt giảm rõ nét ý định bỏ phiếu.
Tuần cuối cùng trước cuộc bầu cử được cho là rất ngột ngạt cho nữ ứng viên, vốn dĩ cũng đã đã bắt đầu hụt hơi sau một tuần vận động căng thẳng.

Đệ nhất phu nhân Mỹ ‘bảo trợ’ tàu ngầm tối tân nhất

Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama hôm 29/10 cho biết bà “hết sức tự hào” khi được tham dự buổi lễ bàn giao một chiếc tàu ngầm tấn công của Hải quân Mỹ, được đặt tên theo tiểu bang nhà của bà là Illinois.
Chiếc tàu ngầm USS Illinois, được coi là tối tân nhất của hải quân Mỹ, đã chính thức đi vào hoạt động tại căn cứ tàu ngầm ở Groton, Connecticut.
Bà Obama, người bảo trợ tàu ngầm với khoảng 130 thủy thủ trên khoang này, ngỏ lời “cám ơn vì đặc ân được gắn với tàu ngầm Illinois cho tới hết đời”.
Đệ nhất phu nhân xuất thân từ thành phố Chicago, theo AP, đã biến việc hỗ trợ các gia đình quân nhân là một ưu tiên. Bà được coi là một thành viên danh dự của thủy thủ đoàn USS Illinois.
Ông Jess Porter, chỉ huy tàu ngầm trên, nói rằng việc tham gia của đệ nhất phu nhân Mỹ vào việc bàn giao là điều “hết sức lớn lao”.
UPI dẫn thông cáo của Nhà Trắng nói rằng, với tư cách là người bảo trợ, bà Obama thiết lập “một mối liên hệ đặc biệt với Illinois, các thủy thủ và gia đình họ trong suốt thời kỳ hoạt động của tàu ngầm này”.
Tin cho hay, hàng nghìn công nhân ở các tiểu bang Connecticut, Rhode Island và Virginia đã tham gia việc đóng chiến hạm trị giá 2,7 tỷ đôla trong suốt 5 năm qua.
USS Illinois là chiếc thứ 13 của tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ. Hải quân Mỹ nói cần có các tàu ngầm tấn công này để thay thế những chiếc được đóng trong Chiến tranh Lạnh và đang dần bị ngưng sử dụng.

Ðảng Dân chủ tố cáo công bố của FBI về vụ email

mang động cơ chính trị

Michael Bowman
Trong lúc Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã có lệnh bắt đầu khám xét một khối lượng lớn email có thể liên quan đến vụ bà Hillary Clinton sử dụng máy chủ email cá nhân cho công việc khi bà làm ngoại trưởng Mỹ, lãnh đạo bên Ðảng Dân chủ nói rằng thời điểm công bố cuộc điều tra mang động cơ chính trị.
Các nhà điều tra FBI cách đây mấy tuần đã tìm được những email trong một cuộc điều tra khác có thể có thông tin liên quan đến vụ email của bà Clinton, nhưng cho đến khi chỉ còn 11 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống, họ mới loan báo phát hiện được những email đó.
Giám đốc FBI, ông James Comey thông báo cho các lãnh đạo ở Quốc hội về việc này hôm thứ Sáu. Trong thông báo gởi cho Quốc hội, ông Comey nói rằng các nhà điều tra chưa biết liệu những email mới phát hiện này có những thông tin quan trọng hay không, trong lúc nội dung của các email đó chưa được kiểm tra lại.
​Ông Comey bị cáo buộc có mưu đồ chính trị trong cuộc điều tra
Thủ lãnh khối thiểu số Thượng viện, ông Harry Reid hôm Chủ nhật gợi ý rằng ông Comey lạm dụng chức vụ gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, và việc làm đó có thể phạm luật.
Trong một văn thư, ông Reid còn cáo buộc ông Comey làm ngơ yêu cầu công bố “thông tin gây chấn động” mà thượng nghị sĩ này nghi là FBI có trong tay về những mối quan hệ giữa ban vận động tranh cử của ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump với Nga.
Thượng nghị sĩ Reid nói trong văn thư: “Ngược lại, ngay khi có được một tí bóng gió liên quan đến Ngoại trưởng Clinton là ông đã vội vàng công bố bằng một cách tiêu cực nhất có thể.”
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder và gần 100 cựu giới chức và công tố viên của Bộ Tư pháp cũng bày tỏ lo ngại trong một công văn về công bố của ông Comey và thời điểm công bố quá gần với ngày bầu cử.
Ông Holder nói: “Chúng tôi nhớ chưa có cuộc bầu cử nào trước đây xảy ra chuyện một giới chức quan trọng của Bộ Tư pháp – bất kể là bên Ðảng Cộng hòa hay Ðảng Dân chủ — ngay trước cuộc bầu cử lại công bố những thông tin có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử, nhưng giới chức đó lại thừa nhận rằng những thông tin sẽ được điều tra đó có thể không quan trọng hoặc không có gì mới.”
Văn thư này nói rằng nhân dân Mỹ cần được biết tất cả những thông tin đó để họ có thể có một cái nhìn “đầy đủ và toàn diện” về vấn đề.
Thống đốc bang Indiana Mike Pence, ứng cử viên phó tổng thống của ông Trump, bênh vực cho quyết định của ông Comey. Ông Pence gọi đó là “một gương điển hình của lãnh đạo thực sự.”
Ông Comey hôm thứ Sáu đã gởi một thông cáo cho các nhân viên FBI, giải thích quyết định của ông cập nhật thông tin cho các nhà lãnh đạo ở quốc hội. Mặc dù thừa nhận rằng “thường FBI không thông báo cho Quốc hội những cuộc điều tra đang được tiến hành,” nhưng ông nói là ông cảm thấy có bổn phận phải thông báo việc này cho Quốc hội bởi vì trong cuộc điều trần trước ở Quốc hội ông đã nói cuộc điều tra đã hoàn tất. Ông cũng nói rằng ông tin là “nếu ông không bổ sung những thông tin mới này, thì dân chúng Mỹ không nhận được thông tin đầy đủ.”
Ông Trump so sánh vụ email này với vụ bê bối Watergate
Ông Trump rất phấn khởi trước công bố của FBI, và ông xem đó là những bằng chứng thêm nữa để khẳng định rằng bà Clinton là không đáng tin cậy.
Trong cuộc vận động ở bang New Mexico hôm Chủ nhật, ông Trump nói rằng cuộc điều tra về vụ emai của bà Clinton “là vụ bê bối lớn nhất kể từ vụ Watergate.”
Trong phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Colorado hôm thứ Bảy, ông Trump nói: “Một lá phiếu bỏ cho bà Clinton là một lá phiếu đưa chính phủ đến sự mục nát, hối lộ, phe đảng, đe dọa đến Hiến pháp của chúng ta.”
Bà Kellyanne Conway, giám đốc ban vận động tranh cử của ông Trump nói: “Bóng mây tham nhũng sẽ luôn bám theo bà Clinton. FBI đã đưa ra thông báo đáng chú ý này chỉ 11 ngày trước cuộc bầu cử có nghĩa là phải có một chuyện gì trong đó.”
Các email bị phát hiện trong cuộc điều tra về gởi nhắn tin dâm dục
Những email vừa được phát hiện xảy ra trong một cuộc điều tra cựu đại biểu quốc hội Anthony Weiner, người chồng ly thân của bà Huma Abedin, trợ lý hàng đầu của bà Clinton.
Ông Weiner bị tố cáo đã gởi email với những nội dung dâm dục cho một bé gái 15 tuổi. Một loạt email mà FBI tin là có liên quan đến cuộc điều tra về vụ email của bà Clinton được tìm thấy trong máy vi tính mà ông Weiner và bà Abedin xài chung.
Ông Weiner là một cựu đại biểu quốc hội. Ông đã từ chức vào năm 2011 sau khi ông thú nhận là đã trao đổi những hình ảnh và nhắn tin khiêu dâm với một số phụ nữ. Sau đó ông từng ra tranh cử thị trưởng New York, nhưng cuộc tranh cử của ông bị bao phủ bởi những bằng chứng về những nhắn tin dâm dục của ông.
Sau khi chính quyền liên bang bắt đầu điều tra về việc ông Weiner nhắn tin dâm dục cho một bé gái chưa tới tuổi trưởng thành, ông và bà Abedin đã ly thân.
Công bố của FBI gây hoang mang cho Ðảng Dân chủ
Ban vận động tranh cử của bà Clinton và phe dân chủ trước đó đã phấn khởi khi ông Comey hồi tháng 7 tuyên bố rằng cuộc điều tra của FBI về vụ bà Clinton đã quản lý các email một cách “tùy tiện” khi bà làm ngoại trưởng được đóng lại và không bị truy tố hình sự.
Nhưng khả năng cuộc điều tra có thể được mở lại khiến bên Ðảng Dân chủ bối rối.
Hàng triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu bầu tổng thống sớm tại nhiều tiểu bang trên cả nước. Công bố của FBI về những email này sẽ ảnh hưởng thế nào đến kết quả cuộc bầu cử hiện chưa rõ, nhưng một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy cuộc đua diễn ra sát nút giữa bà Clinton với ông Trump ngay cả trước loan báo của FBI hôm thứ Sáu.

Người phụ nữ tâm điểm

của vụ khủng hoảng chính trị Hàn Quốc xin tha thứ

Người phụ nữ là tâm điểm của vụ bê bối chính trị Hàn Quốc ngày hôm nay đã xin được tha thứ khi trở lại Seoul để gặp các công tố viên đang điều tra những cáo buộc rằng bà đã dùng mối quan hệ bạn bè với tổng thống Park Geun-hye để gây ảnh hưởng tới các giao thiệp cấp quốc gia và hưởng lợi.
Bà Choi Soon-sil từ Đức trở về Seoul hôm chủ nhật. Cách đây hơn 1 tháng, bà Choi cùng với con gái đã trốn chạy sang Đức ngay sau khi có những ghi nhận về những hành vi không đúng đắn của bà.
Luật sư của bà, ông Lee Kyung-jae, nói bà Choi “vô cùng hối hận rằng bà đã gây ra sự thất vọng và chán nản trong công chúng.”
Theo ghi nhận của các phóng viên, bà Choi đã phải che mặt và tuột mất một chiếc giày khi len qua đám đông những người đòi bà từ chức và phải bị bắt giữ khi đi vào viện công tố ở Seoul. Bà nói : “Tôi đã phạm một tội mà tôi đáng phải chết. Hãy tha thứ cho tôi.”
Cuối tuần qua tổng thống Park đã sa thải nhiều quan chức cấp cao chủ chốt trong nội các của bà sau khi có những cuộc biểu tình lớn và những lời kêu gọi ngày càng tăng đòi bà phải từ chức hoặc bị luận tội.
Con rối của bà Choi
Mối quan hệ của tổng thống Park với bà Choi bắt đầu từ những năm 1970, trong thời gian bố bà Park, ông Park Chung-hee làm tổng thống Hàn Quốc 18 năm tiếp theo sau một vụ đảo chính.
Cha bà Choi, ông Choi Tae-min là một nhà lãnh đạo tôn giáo và trở thành cố vấn cho bà Park sau khi mẹ của bà bị sát hại trong một vụ ám sát nhắm vào bố của bà. Hai người phụ nữ này cũng đã trở thành những người bạn thân trong thời gian đó, khi họ đang trong độ tuổi 20.
Trong lời xin lỗi trước công chúng hồi tuần trước, tổng thống Park nói bà Choi đã giúp bà vượt qua “những khó khăn trong quá khứ.”
Bà Choi bị cáo buộc đã dùng không chỉ sự ảnh hưởng mà còn cả quyền năng giống như sự sùng bái đối với tổng thống Park mặc dù bà không hề có một chức vụ chính thức nào trong chính phủ. Bà còn bị cáo buộc đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân với tổng thống để ép buộc các tập đoàn lớn phải quyên tặng hơn 68 triệu đô la và bà đã biển thủ số tiền này.
Nhưng người đàn bà 60 tuổi, trước đó đa phủ nhận mọi hành vi sai trái, đã lên tiếng xin lỗi trước khi gặp các công tố viên.
Vụ bê bối này đã làm tan vỡ hình ảnh một nhà lãnh đạo không bị tham nhũng ảnh hưởng của bà Park, một danh tiếng được củng cố bởi thực tế rằng bà Park không lập gia đình, bị anh chị em xa lánh và cho tới lúc này không có quan hệ với các nhân vật tai tiếng.
Biên tập viên Koo Se-wong của trang mạng tin tức và bình luận Korea Expose, nói: “Với vụ bê bối này cái mà chúng ta đang thấy là tổng thống bị tố cáo về căn bản là một con rối của một người hoặc một gia đình, và rằng bà đã làm nhiều việc chỉ vì lợi ích của họ và không vì bản thân, ít nhất là theo những gì công chúng biết.”
Bắc Triều Tiên
Các tài liệu của chính phủ được tìm thấy trong một máy tính bảng đã bị bỏ đi cho thấy bà Choi nhận những thông tin mật về Nhật Bản và Bắc Triều Tiên, làm dấy lên những lo ngại rằng chính sách an ninh quốc gia có thể bị ảnh hưởng.
Cũng có những cáo buộc cho rằng bà Choi có ảnh hưởng tới việc đưa ra các quyết định cứng rắn của bà Park để từ chối giao tiếp với Bắc Triều Tiên, đóng cửa khu công nghiệp liên doanh Kaseong sau khi Bắc Hàn tiến hành vụ thử hạt nhân vào tháng 1, và đồng ý triển khai lá chắn phi đạn THAAD của Mỹ trước sự phản đối của Bắc Kinh.
Nhà phân tích Bong Young-shik của Viện Nghiên Cứu về Bắc Triều Tiên của đại học Yonsei nói mối quan hệ của tổng thống Park với bà Choi đã làm xói mòn nghiêm trọng khả năng của bà để ủng hộ thêm cho các chế tài mới đối với chính phủ của ông Kim Jong Un hoặc những cản trở tăng cao trong nước.
Vịt què
Những nỗ lực của tổng thống Park trong việc đưa chính bản thân bà ra khỏi vụ khủng hoảng này bằng hàng động xin lỗi và sa thải các quan chức có thể dính líu tới bà Choi đã không làm giảm bới sự giận giữ trong công chúng.
Tỷ lệ ủng hộ bà Park đã lao dốc ngay khi vụ bê bối này xảy ra.
Cùng lúc đó, lại không dễ để ép tổng thống Park phải từ chức trước khi nhiệm kỳ của bà kết thúc vào năm 2018.
Đảng cầm quyền Saenuri của bà Park có thể yêu cầu bà rời khỏi đảng để tách đảng ra khỏi vụ bê bối này. Tuy nhiên những người ủng hộ bà trong Quốc hội dường như sẽ tìm cách ngăn cản những người đối lập muốn dựng lên một phiên tòa luận tội mà có thể đưa ra thêm những công khai bất lợi cho bà.
Các đảng đối lập đã yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện nhưng chưa đề xuất khả năng luận tội bà.
Tuy nhiên, giáo sư khoa học chính trị Kim Jae-chun của đại học Sogang ở Seoul, nói khả năng cầm quyền của bà Park đã bị tổn hại nghiêm trọng, và có lẽ không thể đảo ngược được. Theo giáo sư Kim, điều tốt nhất mà tổng thống Park có thể hy vọng làm được trong tương lai đó chính là bảo vệ các chính sách hiện tại.

Thái tử Thái Lan ‘lên ngôi ngày 1/12’

Thái Lan đang chuẩn bị cho Thái tử Maha Vajiralongkorn lên kế vị cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej vào ngày 1/12 tới.
Hãng tin Reuters dẫn lời hai nguồn tin quân sự cấp cao nắm thông tin về việc này cho biết như vậy trong một bài báo độc quyền hôm 31/10.
Tin tức về khung thời gian trên được tiết lộ sau khi Thái tử Vajiralongkorn tới Đức cuối tuần qua để thực hiện công việc cá nhân, một nguồn tin quân sự nói với Reuters, đồng thời cho biết thêm rằng người kế vị ngai vàng hoàng gia Thái Lan sẽ về nước vào tháng 11.
Một nguồn tin giấu tên khác cho biết thêm: “Chúng tôi đang tiến hành chuẩn bị. Mọi chuyện đang được chuẩn bị cho ngày 1/12. Nhưng khung thời gian này cũng còn phụ thuộc vào Thái tử”.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từng nói rằng việc lên ngôi chính thức của Thái tử Vajiralongkorn có thể được tiến hành trong vòng từ 7 tới 15 ngày sau khi Quốc vương băng hà, hoặc muộn hơn thế.
Quốc vương Bhumibol băng hà hôm 13/10, hưởng thọ 88 tuổi, sau một thời gian dài lâm bệnh. Ông là người gắn kết đất nước trải qua nhiều thăng trầm chính trị trong suốt 7 thập kỷ trị vì kể từ năm 1946.
Hơn một thập kỷ qua, người dân Thái đã lo ngại về sức khỏe của Quốc vương Bhumibol cũng như về người sẽ lên kế vị ngai vàng trong bối cảnh bất ổn chính trị, trong đó có hai vụ đảo chính.
Hãng tin Reuters của Anh cũng cho rằng Thái tử Vajiralongkorn chưa được người dân kính trọng và quý mến như cha mình.
Trong hai năm trở lại đây, người kế vị này đã xuất hiện và đóng vai trò lớn hơn trong xã hội Thái do sức khỏe của Quốc vương Bhumibol suy yếu đi.
Thái tử Vajiralongkorn li dị người vợ thứ ba năm 2014. Các luật lệ cấm phạm thượng hà khắc của Thái Lan khiến công chúng ít có cơ hội thảo luận về người kế vị.

15.000 binh sỹ Afghanistan

bị thương vong trong 8 tháng 2016

ISLAMABAD —
Một cơ quan giám sát của chính phủ Hoa Kỳ cho biết các lực lượng an ninh của Afghanistan chiến đấu với Taliban đã hứng chịu 15 nghìn trường hợp thương vong, trong đó có 5.523 trường hợp tử vong, trong 8 tháng đầu năm 2016.
Cơ quan này cũng cảnh báo về những thắng lợi bị sứt mẻ mà đất nước bị chiến tranh tàn phá này giành được với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Báo cáo hàng quý của Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) đưa ra hôm Chủ nhật, 30/10, đã nhấn mạnh rằng chính phủ Afghanistan đã mất quyền kiểm soát 2.2% lãnh thổ trong cuộc chiến năm nay.
Báo cáo cho hay “Trong số 407 quận của Afghanistan có 258 quận nằm dưới sự kiểm soát hoặc chịu ảnh hưởng của chính phủ, 33 quận nằm dưới sự kiểm soát hoặc chịu ảnh hưởng của phiến quân, và 116 quận trong vòng ‘tranh chấp’”.
Có 101 cuộc tấn công “nội gián” từ ngày 1/1/2015 đến ngày 19/8/2016, trong đó nhân viên của Lực lượng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Afghanistan (ANDSF) đánh vào chính đồng đội trong các lực lượng an ninh, giết chết 257 người và làm bị thương 125 người khác.
Báo cáo viết: “ANDSF thiếu một hệ thống quản lý rủi ro, và do đó chủ yếu dựa vào các lực lượng của Hoa Kỳ để ngăn chặn sự thất bại chiến lược”.
Taliban đã gia tăng các cuộc tấn công từ tháng 8 và gần như tái chiếm thành phố miền bắc Kunduz và thủ phủ của tỉnh miền nam Helmand trong tháng này.
Các vụ liên quan tới xung đột đã gây ra thương vong cho hơn 8 nghìn thường dân ở Afghanistan, bao gồm hơn 2.500 trường hợp tử vong trong vòng 9 tháng đầu năm 2016, theo Liên Hiệp Quốc.
SIGAR báo cáo rằng Hoa Kỳ đã cam kết ít nhất 1 tỉ đôla cho các dự án nhằm cải thiện điều kiện cho phụ nữ Afghanistan, nhưng việc hỗ trợ cho phụ nữ được tiếp cận bình đẳng với giáo dục và đại diện bình đẳng trong lãnh đạo chính trị đã giảm kể từ năm 2006.
Theo báo cáo, “15 năm sau khi Mỹ lật đổ chế độ Taliban, Afghanistan vẫn là một trong những nơi tồi tệ nhất trên thế giới đối với phụ nữ”.
Nghèo đói, thất nghiệp, thiếu việc làm, bạo lực, xuất cư, tản cư, và khoảng cách giới trong giáo dục đều gia tăng, trong khi các dịch vụ và đầu tư tư nhân giảm, theo SIGAR.
Bản báo cáo cho biết, hơn 85 nghìn người Afghanistan đã xin tị nạn lần đầu tiên ở Liên hiệp châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2016, báo cáo ghi nhận rằng số lượng đơn xin tị nạn từ tháng 4 đến tháng 6 tăng 83% so với cùng kỳ năm 2015.

Úc có thể cấm vĩnh viễn thuyền nhân

Quốc hội Úc sẽ bỏ phiếu vào tuần tới về kế hoạch có thể cấm bất cứ người tị nạn nào đến quốc gia này bằng thuyền được nhận thị thực để sinh sống, thậm chí tới thăm, hoặc thành lập doanh nghiệp ở đây.
Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết, lệnh cấm vĩnh viễn đã được ban hành để ngăn chặn những kẻ buôn người đưa di dân đến Úc. Ông nói hôm Chủ nhật, 30/10: “Đây là cuộc chiến về ý chí giữa người dân Úc, được đại diện bởi chính quyền, và những băng nhóm tội phạm buôn người”.
Tuy nhiên, trong khi dự luật được cho là nhằm ngăn chặn những kẻ buôn người, hàng ngàn người tị nạn từ châu Phi, châu Á, và Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Luật mới sẽ tác động đến những thuyền nhân được đưa đến một trong những trại xem xét quy chế tị nạn ở đảo Nauru của Úc hay đảo Manus của Papua New Guinea từ ngày 19/7/2013.
Canberra đã cấm họ tái định cư ở Úc ngay cả khi họ thực sự là những người tị nạn. Thay vào đó, chính phủ đưa ra cho những người xin tị nạn các lựa chọn trở về nhà, xây dựng cuộc sống ở một trong những đảo xem xét quy chế tị nạn hoặc đến một nước thứ 3.
Trẻ em sẽ được miễn lệnh cấm, trong khi bộ trưởng di trú sẽ có thể đưa ra các trường hợp ngoại lệ đối với dự luật.
Luật sư di trú David Manne nói với đài ABC của Úc rằng dự luật “không làm gì” để giải quyết câu hỏi cơ bản về nơi những người định cư sẽ được tiếp nhận “để họ có thể tái thiết cuộc sống trong sự an toàn và với lòng tự trọng”.
Ông Mat Tinkler, giám đốc về chính sách và vận động cộng đồng của tổ chức Save the Children tại Úc, cho biết: “Chính phủ phải hành động khẩn trương để mang lại hy vọng cho những người này, chứ không phải tiếp tục lấy đi hy vọng”.

EU, Canada ký hiệp định thương mại từng bị trì hoãn

Liên hiệp châu Âu và Canada đã ký hiệp định thương mại tự do lịch sử hôm Chủ nhật, 30/10, tại Brussels nhằm thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Hiệp định này từng bị trì hoãn trong một thời gian dài.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cùng những người đứng đầu các định chế trong EU ký Hiệp định Kinh tế Thương mại Toàn diện (CETA).
CETA sẽ loại bỏ 99% thuế quan giữa Canada và 28 thành viên khối châu Âu, kết nối thị trường chung EU với nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới.
CETA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại của EU với Canada thêm 13,2 tỷ đôla (12 tỷ euro) mỗi năm, tạo tăng trưởng kinh tế và việc làm ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
EU khẳng định rằng thỏa thuận này sẽ không ngăn cản các chính phủ có những biện pháp để bảo vệ các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội nếu họ tin rằng cần phải hành động.

Đánh bom làm chết 17 người ở Baghdad

Nhà chức trách cho biết 5 vụ nổ khiến ít nhất 17 người chết và 60 người bị thương ở Baghdad hôm Chủ nhật, 30/10.
Một quả bom đặt trên xe hơi đang đỗ đã phát nổ ở một chợ rau quả đông người ở một khu phố thương mại thuộc khu dân cư Hurriyah ở phía tây bắc, một quận có chủ yếu là người Shi’ite sinh sống, giết chết ít nhất 10 người và làm bị thương hơn 30 người khác.
Các quan chức, cảnh sát và nhà chức trách bệnh viện đề nghị giấu tên cho các phóng viên biết các thiết bị nổ tự chế đã giết chết 3 người và làm bị thương 10 tại một khu chợ đông người ở khu dân cư Shaab ở phía bắc Baghdad.

3 nhà du hành trở về sau 4 tháng trên trạm ISS

Ba phi hành gia đã trở về trái đất an toàn sau khi thực hiện nhiệm vụ dài 115 ngày trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Ở đó, nhà khoa học Mỹ Kate Rubins đã trở thành người đầu tiên xác định trình tự DNA trong vũ trụ.
Rubins, cùng với Takuya Onishi của Nhật Bản và Anatoly Ivanishin của Nga đã hạ cánh vào sáng Chủ nhật gần Dzhezkazgan trên vùng đồng cỏ Trung Á không có cây cối.
Sau khi họ được đưa ra khỏi khoang chứa, ba nhà du hành đã ngồi trên thảo nguyên lạnh giá trên ghế bay cùng lúc họ thích nghi với lực hấp dẫn sau gần 4 tháng ở trong tình trạng không trọng lượng. Sau đó, họ được đưa đến một lều y tế gần đó để khám.
Trong nhiệm vụ vừa rồi, nhà du hành Rubins của NASA đã thành công trong việc xác định trình tự DNA đối với các mẫu của chuột, virus và vi khuẩn cùng lúc các nhà khoa học trên trái đất cũng sắp xếp trình tự các mẫu giống hệt. Cơ quan không gian Hoa Kỳ nói thí nghiệm này có thể giúp xác định những vi khuẩn nguy hiểm có thể trên trạm không gian và chẩn đoán bệnh trong không gian.
Hiện vẫn ở lại trên trạm ISS là các phi hành gia Nga Andrei Borisenko và Sergey Ryzhykov, cùng với phi hành gia người Mỹ Robert Shane Kimbrough. Ba người này đến trạm không gian vào ngày 22 tháng 10.

Thổ Nhĩ Kỳ : tổng biên tập tờ báo đối lập chính bị bắt

Tiếp theo quyết định đóng cửa 15 tờ báo và cơ quan truyền thông ngày 28/10/2016, hôm nay, 31/10, Ankara quyết định câu lưu tổng biên tập báo đối lập lớn nhất còn lại, tờ Cumhuriyet. Theo một tổ chức bảo vệ quyền tự do báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ cuộc đảo chính hụt 15/07/2016 đến nay, đã có 127 nhà báo bị giam giữ.
AFP dẫn thông tin từ báo Cumhuriyet, theo đó, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ tổng biên tập Murat Sabuncu và hơn 10 phóng viên khác vào trưa nay. Hãng thông tấn chính thức Anadolu cho biết các vụ bắt giữ này nằm trong khuôn khổ một « cuộc điều tra về khủng bố », có liên hệ với phong trào của giáo sĩ Fethullah Gulen và đảng PKK của người Kurdistan.
Trên thực tế, báo Cumhuriyet bị coi là đối thủ chính của tổng thống Erdogan. Trong số báo ra hôm nay, Cumhuriyet có bài lên án chiến dịch tấn công nhắm vào đối lập, sau khi chính quyền ra thông báo đóng cửa nhiều cơ quan truyền thông thân người Kurdistan và quyết định hủy việc bầu lãnh đạo các trường đại học, thay vào đó là những người do ông Erdogan chỉ định.
Cuhumriyet được coi là tờ báo đối lập lớn cuối cùng còn tồn tại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính báo này trong những năm gần đây đã công bố nhiều cuộc điều tra gây chấn động, trong đó có điều tra về việc an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cấp vũ khí cho lực lượng thánh chiến Hồi Giáo tại Syria.
Về vụ bắt giữ nói trên, nhiều độc giả của tờ Cuhumriyet kêu gọi trên các mạng xã hội tập hợp biểu tình phản đối trước trụ sở của tòa báo tại Istanbul.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện bị xếp hạng thứ 151 về tự do báo chí năm 2016, theo tổ chức Phóng Viên không Biên Giới, sau Tadjikistan, và chỉ trên có Congo.

Quân đội Irak tiếp tục tiến về phía đông Mossoul

Cuộc tiến công vào thành phố Mossoul đã bước vào tuần thứ ba. Quân đội Irak hôm nay 31/10/2016 tiếp tục đánh chiếm vị trí cách khu ngoại vi phía đông của cứ địa tổ chức Nhà nước Hồi giáo vài trăm mét.
Theo giải thích của một giới chức quân sự Irak với hãng tin Pháp AFP, còn hai ngôi làng, Bazwaya và Gogjali phải chiếm trước khi tiến vào khu đô thị Mossoul, thành phố lớn thứ hai của Irak.
Theo Ban chỉ huy các chiến dịch chung, lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ CTS và quân đội đã bắt đầu di chuyển “tiến vào cánh tả của Mossoul từ ba hướng”: đông, nam và bắc, với sự tham gia của hàng chục ngàn nhân viên lực lượng an ninh.
Các đơn vị dân quân tự vệ, đa số là theo hệ phái Shia cũng vừa tung chiến dịch tấn công ở phía tây Mossoul, nhưng không để chiếm lại thành phố này. Mục tiêu của họ là lấy lại Tal Afar và chặn đường tiếp viện cho quân thánh chiến nối liền Mossoul với biên giới Syria.
AFP nhắc lại, cuộc tấn công chiếm đánh Mossoul chỉ mới ở giai đoạn đầu. Quân đội Irak đã chiếm lại được hàng chục ngôi làng nằm trong vùng đồng bằng này từ tay Daech.
Lực lượng quân đội Irak sẽ phải bắt đầu chiến dịch vây hãm Mossoul, và mở các hành lang an toàn cho người dân chạy nạn. Một cuộc chiến đô thị với quân thánh chiến đang cố thủ trong thành được cho là sẽ rất khốc liệt.
Theo các quan chức Mỹ, có khoảng từ 3000-5000 quân thánh chiến đang trà trộn trong số 1,5 triệu cư dân tại đô thị Mossoul.

Thủ tướng Malaysia cũng « xoay trục » sang Trung Quốc ?

Chuyến viếng thăm Trung Quốc của thủ tướng Malaysia Najib Razak bắt đầu từ ngày 31/30/2016 sẽ lại càng làm thay đổi bối cảnh địa chính trị của vùng Đông Nam Á theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, chỉ một tuần sau khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khởi động chiến lược « xoay trục » tương tự.
Cũng giống như tổng thống Duterte, thủ tướng Najib đi Trung Quốc lần này dẫn theo một phái đoàn đoàn doanh nghiệp hùng hậu, vì ông đang rất cần thu hút vốn đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia, đặc biẹt là trong các lĩnh vực công nghệ mới và cơ sở hạ tầng. Theo lời tiến sĩ Mustafa Izzuddin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, thủ tướng Najib muốn thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế Malaysia trong năm 2017 để tạo thêm tính chính đáng cho vai trò lãnh đạo của ông, qua đó củng cố cơ may tái thắng cử cho liên minh cầm quyền của ông trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018.
Đổi lấy đầu tư vào Malaysia, Bắc Kinh có thể giành được một đồng minh chiến lược khác trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, mở rộng mạng lưới ủng hộ Trung Quốc trong khối ASEAN. Vào tuần trước, tổng thống Duterte của Philippines, một trong những quốc gia chủ chốt trong tranh chấp này, đã chính thức tuyên bố « chia tay » với đồng minh Hoa Kỳ, đánh dấu một thay đổi quan trọng về địa chính trị Đông Nam Á.
Theo lời chuyên gia Mustafa Izzuddin, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Trung Quốc xem Malaysia là quốc gia có vai trò quan trọng trong khối ASEAN và là một bên tranh chấp Biển Đông mà Bắc Kinh có thể đối thoại dễ dàng hơn nhằm giải quyết tranh chấp này, nhất là cho tới nay lập trường của Kuala Lumpur không rõ ràng.
Malaysia hiện cũng đòi chủ quyền trên khoảng một chục đảo ở Biển Đông, nhưng khác với Việt Nam, Philippines hay Đài Loan, chính quyền thủ tướng Najib hầu như không có phản ứng gì trước những hành động áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này, thậm chí không hề tỏ thái độ khi các tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vùng biển của Malaysia ở Biển Đông. Thủ tướng Najib không muốn tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc trong hồ sơ này có lẻ vì sợ làm phật lòng đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia.
Chuyến viếng thăm Trung Quốc lần này của thủ tướng Malaysia cũng diễn ra vào lúc vụ tai tiếng tài chính quỹ phát triển 1MDB khiến uy tín quốc tế của ông Najib bị sứt mẻ nặng nề. Trong nước cũng như ngoài nước, ngày càng có nhiều người yêu cầu ông phải từ chức.
Do vụ tai tiếng quỹ 1MDB mà thủ tướng Malaysia trong thời gian qua ít đi thăm các nước phương Tây, với hậu quả là đầu tư trực tiếp từ những nước này sụt giảm, cho nên Kuala Lumpur càng cần đến đầu tư từ Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng đang khai thác vụ tai tiếng quỹ 1MDB đã thắt chặt hơn nữa quan hệ với Malaysia, cụ thể là bỏ tiền ra để cứu quỹ này khỏi phá sản. Giới lãnh đạo Trung Quốc biết rằng Hoa Kỳ, một đồng minh chủ chốt của Malaysia, đã gây áp lực rất nhiều lên thủ tướng Najib trong vụ tai tiếng quỹ 1MBD. Với chủ trương ngược lại là không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác, Bắc Kinh càng lôi kéo được Kuala Lumpur về phía họ, về mặt kinh tế lẫn chiến lược.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện