Tin khắp nơi – 28/10/2016
Bầu cử TT Mỹ bước vào giai đoạn gây cấn
WASHINGTON —
Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama và phu nhân Michelle đã hết sức tích cực vận động tranh cử cho ứng cử viên Ðảng Dân chủ Hillary Clinton. Hôm thứ Năm 27 tháng 10, Đệ nhất Phu nhân Obama đã cùng bà Clinton đi vận động tại bang North Carolina, nơi hai ứng cử viên của Ðảng Dân chủ và Ðảng Cộng hòa dường như đang so kè sát nút. Trong cùng ngày, ông Donald Trump vận động tại bang Ohio, một bang chiến trường mà ông hy vọng sẽ ngã về đảng của ông.
Trong lúc chiến dịch vận động tranh cử đang tiến gần đến đích, ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton vẫn dẫn trước đối thủ, nhưng hầu hết các cuộc thăm dò cho thấy bà không dẫn đầu với khoảng cách biệt lớn so với ông Trump. Điều này có nghĩa là kết quả cuộc bầu cử vẫn chưa hiện rõ, và cả hai ứng cử viên cần cố gắng để giành lấy từng lá phiếu một. Đó chính là thông điệp mà Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama muốn nhắn gửi với cử tri tại bang North Carolina hôm thứ Năm:
“Chúng ta sẽ đi bầu. Chúng ta sẽ đi bầu thật sớm. Chúng ta sẽ đi xếp hàng bỏ phiếu.”
Bà Obama nói phát biểu của ông Trump tố cáo có gian lận trong bầu cử chẳng qua là một âm mưu để kêu gọi cử tri đừng đi bỏ phiếu. Bà cảnh báo rằng cử tri không đi bỏ phiếu có thể ảnh hưởng đến cơ may thắng cử của bà Clinton, dù cho bà Clinton là ứng cử viên đáp ứng được những đòi hỏi của chức vụ tổng thống hơn:
“Bà Clinton giàu kinh nghiệm hơn, xứng đáng làm tổng thống hơn bất cứ ứng cử viên nào khác mà chúng ta từng biết. Đúng vậy, hơn cả Barack Obama, hơn cả Bill Clinton. Bà hoàn toàn xứng đáng với nhiệm vụ tổng tư lệnh của đất nước ngay từ những giờ phút đầu tiên, vấn đề bà là một phụ nữ chỉ là sự ngẫu nhiên.”
Trong phát biểu của bà, bà Clinton lập lại lời kêu gọi cử tri North Carolina hãy thực thi quyền đi bầu. Bà nói kinh tế, di dân, hôn nhân, bình đẳng, môi trường và ngay cả giáo dục đều là những vấn đề trọng yếu:
“Trong những vấn đề quan trọng sẽ được định đoạt trong cuộc bầu cử này có mức học phí đại học, có vừa túi tiền hay không? Ngoài ra, còn có việc giảm gánh nặng nợ nần cho sinh viên đã vay tiền đi học. Do đó nếu quý vị tin rằng chúng ta phải giải quyết vấn đề đó để mọi người ai cũng có thể vào đại học và tốt nghiệp, thì quý vị phải đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử.”
Ông Trump cũng khuyến khích cử tri đi bầu. Không màng đến các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông về sau bà Clinton, ông Trump nói với cử tri ở bang Ohio rằng một cuộc thăm dò mới do Viện nghiên cứu Remington thực hiện cho thấy ông dẫn trước bà Clinton 4 điểm tại bang miền trung tây này. Ông phê phán thành tích chính trị của bà Clinton và chỉ trích NAFTA, một hiệp định thương mại do cựu Tổng thống Bill Clinton ký hồi đầu thập nhiện 1990, là đã làm mất đi công ăn việc làm ở bang Ohio.
Ông nói: “Quý vị hãy thử tượng tượng họ sẽ làm những trò gì nếu một lần nữa họ lại kiểm soát Tòa Bạch Ốc. Thành thật mà nói, chúng ta đã ngán ngẫm lắm rồi. Công bằng mà nói, tôi nghĩ chúng ta đã ngán ngẫm gia đình nhà Clinton lắm rồi.”
Ông Trump hứa với đám đông tung hô ông ở thành phố Toledo, bang Ohio, rằng ông sẽ mang công ăn việc làm trở lại đây, những công việc làm mà ông nói là đã được chuyển sang Mexico trong thời gian ông Clinton làm tổng thống.
Nổ súng bên ngoài Sứ quán Mỹ ở Kenya
Một người đàn ông đã bị bắn chết bên ngoài Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Nairobi sau khi tìm cách tấn công một nhân viên bán quân sự bên ngoài sứ quán hôm thứ Năm.
Ông Vitalis Otieno, quan chức cấp cao của Cục Chỉ huy Cảnh sát cho đài VOA biết rằng một người bộ hành đi ngang qua đại lộ LHQ, đã dùng dao tấn công nhân viên cảnh sát. Sau khi ông ta đâm viên cảnh sát, thì một cảnh sát vũ trang đã bắn chết ông ta tại chỗ.
Sứ quán Mỹ xác nhận không có nhân viên người Mỹ nào bị hại.
Ông Otieno cho biết một cuộc điều tra đang được tiến hành và không có đủ thông tin để xác định đây là một hành động khủng bố.
Thị trưởng từng tố cáo TT Philippines
chết trong vụ chạm súng với cảnh sát
Thị trưởng của một thị trấn Philippines bị Tổng thống Rodrigo Duterte nêu đích danh là có dính líu đến các hoạt động ma túy bất hợp pháp bị cảnh sát bắn chết trong một vụ chạm súng hôm nay, thứ Sáu 28/10.
Ông Samsudin Dimaukom, Thị trưởng của thị trấn Datu Saui Ampatuan cùng 9 người khác đã bị cảnh sát giết chết trong một vụ chạm súng.
Các bản tin của giới truyền thông tường thuật rằng những người trong đoàn xe của ông thị trưởng đã nổ súng vào cảnh sát tại một chốt kiểm soát ở thị trấn Makilala thuộc tỉnh Cotabato ở miền bắc Philippines.
Ông Romeo Galgo Jr. chỉ huy cảnh sát vùng nói “Đây là một hoạt động hợp pháp chống ma túy, nhưng các đối tượng đã nổ súng vào lực lượng của chúng tôi trước.”
Ông Duterte đắc cử tổng thống trước đây trong năm phần lớn nhờ lời hứa của ông sẽ diệt trừ những kẻ buôn bán ma túy và các tội phạm hình sự khác.
Cảnh sát Philippines và các thành viên của đội dân phòng đã giết chết ít nhất 3.600 người sử dụng và buôn bán ma túy kể từ khi ông Duterte lên nhậm chức vào cuối tháng 6 năm nay.
Malaysia tăng cường quan hệ với Trung Quốc
Thủ tướng Malaysia, Najib Razak, tuần tới công du Trung Quốc để siết chặt quan hệ và tìm kiếm đầu tư.
Tháp tùng ông Najib là hàng chục lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp. Trong thông cáo ngày 26/10, ông nói Malaysia cam kết tăng cường hữu nghị với Trung Quốc và đẩy các mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
“Chúng tôi sẽ ký nhiều thỏa thuận và bản ghi nhớ nâng bang giao hai nước lên các tầm cao mới,” ông nhấn mạnh.
Chuyến công du của Thủ tướng Malaysia tới Trung Quốc từ ngày 31/10 đến 6/11 diễn ra không bao lâu sau chuyến đi của Tổng thống Philippines. Tại Bắc Kinh, ông Rodrigo Duterte đã tuyên bố ‘ly khai’ với đồng minh lâu năm Hoa Kỳ và ‘tổ chức lại’ quan hệ với Trung Quốc.
Cả Malaysia và Philippines đều có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Tổng thống Philippines đã dịu giọng với Bắc Kinh trong lúc thúc đẩy quan hệ và Trung Quốc có thể bớt căng thẳng tranh chấp với Malaysia bằng cách cung cấp cho nước này các lợi ích kinh tế, theo nhận định của nhà nghiên cứu Yang Razali Kassim tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore.
Malaysia đang nhắm tới các nguồn đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và sản xuất. Các hợp đồng quốc phòng cũng có thể được thảo luận trong chuyến đi này.
Trung Quốc đang bơm thêm tiền đầu tư vào Malaysia. Trong ba tháng đầu năm, đầu tư của Bắc Kinh vào ngành sản xuất của Malaysia đạt 356 triệu đôla, là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực này.
Quân đội Iraq
khám phá nhiều đường hầm gần Mosul
Các lực lượng Iraq hôm thứ 5 đã lần theo một hệ thống đường hầm và phát hiện một cơ sở chế tạo bom tại một làng gần Mosul mà họ mới chiếm lại được từ tay của nhóm Nhà nước Hồi Giáo. Khám phá này cho thấy những thách thức mà quân đội Iraq phải đối mặt trên đường tiến về Mosul.
Hơn một tuần lễ sau khi chiến dịch tái chiếm Mosul bắt đầu, các lực lượng đặc biệt vẫn còn cách khu vực phía đông thành phố vài km và gặp sự kháng cự mãnh liệt của nhóm Nhà nước Hồi Giáo. Nhóm này đã dùng súng cối, súng liên thanh và điều xe bom bọc sắt qua các cánh đồng khô cằn để thực hiện các vụ tấn công tự sát.
Một khi vào được những làng mạc dân cư thưa thớt gần Mosul, lực lượng Iraq phải đối phó với mìn bẫy và những tay súng bắn tỉa đang ẩn núp đâu đó.
Sự chống cự chắc chắn sẽ còn ác liệt hơn một khi các binh sĩ Iraq vào được Mosul, thành phố lớn thứ nhì của Iraq.
Vào năm 2014, các phần tử cực đoan IS đã chiếm được Mosul chỉ nội trong vài ngày và cho tới nay, đã có hơn hai năm để xây dựng hệ thống phòng thủ cũng như loại trừ tất cả thành phần đối lập trong thành phố.
Cuộc hành quân tái chiếm Mosul dự trù sẽ mất nhiều tuần lễ hay có thể nhiều tháng.
Lực lượng Iraq tiến gần tới Mosul từ hướng nam vẫn còn cách thành phố này 35 kilômét và các lực lượng đặc biệt ở phía đông cho biết sẽ không đẩy mạnh chiến dịch tấn công cho đến khi những lực lượng khác đã thắt chặt thêm vòng vây.
Thỏa thuận thương mại EU-Canada
sắp được phê chuẩn
Các chính trị gia Bỉ hôm thứ Năm đã đạt đồng thuận để ủng hộ hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Canada, sau khi vượt qua sự chống đối của một khu vực ở Bỉ, mở đường cho việc ký kết hiệp định mang tính bước ngoặt trong những ngày tới.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel nói với các nhà báo rằng thỏa thuận đã đạt được sau khi khu vực nói tiếng Pháp do đảng Xã hội kiểm soát ở Wallonia đồng ý theo chân các khu vực khác của Bỉ để tán thành thoả thuận thương mại này.
Wallonia ủng hộ thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương sau khi được bảo đảm cho các nông dân về một cơ chế để giải quyết tranh chấp với các công ty. Thỏa thuận sửa đổi còn phải được các cơ quan lập pháp khu vực của Bỉ thông qua trước tối thứ Sáu.
Đạt được thỏa thuận thương mại đã giúp giới lãnh đạo EU thở phào nhẹ nhõm, sau khi đàm phán với Canada trong suốt 7 năm qua.
Tất cả 28 thành viên EU sẽ phải ký vào Hiệp định Thương mại Kinh tế Toàn diện trước khi nó có hiệu lực. Theo dự kiến thỏa thuận này sẽ được phê chuẩn trong vài ngày tới.
Sự sụp đổ của thỏa thuận trước đây không hẳn là tín hiệu tiêu cực đối với các lãnh đạo thế giới đang tìm cách mở cửa biên giới để phát triển các hoạt động thương mại.
Các chính trị gia Wallonia trước đó cho rằng thỏa thuận sẽ hạ thấp các tiêu chuẩn lao động, môi trường và người tiêu dùng.
Hôm thứ Năm, lãnh đạo Wallonia, ông Paul Magnette, nói thỏa thuận này đáng để đấu tranh và sẽ thiết lập một tiền lệ cho các cuộc đàm phán thương mại khác giữa châu Âu và các đối tác thương mại khác như Mỹ hay Nhật Bản.
Những lo ngại tương tự cũng đang đe dọa làm chệch hướng hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này đã được chấp nhận nhưng chưa được phê chuẩn ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile và Peru.
IS dùng thường dân làm ‘bia đỡ đạn’ ở Mosul
Giữa lúc các lực lượng liên quân tiến về hướng thành phố Mosul của Iraq, những người chứng kiến báo cáo rằng Nhà nước Hồi giáo đã bắt thường dân ở các làng chung quanh làm bia đỡ đạn cho chúng trong khi nhóm này tìm cách bảo vệ khu đô thị lớn cuối cùng ở Iraq còn nằm dưới quyền kiểm soát của họ.
Cho đến nay, chiến dịch quân sự do Iraq dẫn đầu đã tham gia tái chiếm các ngôi làng trên đường tiến về Mosul từ hướng nam, đông và bắc. Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 10.000 thường dân đã rời bỏ nhà cửa của họ bên trong và xung quanh thành phố Mosul, làm dấy lên quan ngại về tình trạng an sinh của họ, và về sự hiện hữu của các nguồn lực cần thiết cho công tác cứu trợ nhân đạo.
Hôm thứ Năm, Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) bày tỏ quan tâm về các lực lượng người Kurd, thành phần đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch tấn công, và điều mà HRW cho là các vụ “giam giữ tùy tiện” do người Kurd thực hiện.
HRW dẫn lời những người bị bắt giữ, gồm đàn ông và thiếu niên trên 15 tuổi, trong khi họ đang tìm cách chạy khỏi Mosul. Họ bị cách ly khỏi gia đình để được điều tra xem có liên hệ gì với Nhà nước Hồi giáo hay không. Tiến trình này có thể kéo dài vài tuần. Phúc trình của HRW tường thuật rằng các giới chức Kurd lưu ý rằng họ đã có “những nỗ lực nghiêm túc” để tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế trong thủ tục kiểm tra an ninh.
Bà Lama Fakih, giám đốc HRW đặc trách vùng Trung Đông và Bắc Phi, nói tiến trình thanh lọc là điều dễ hiểu, nhưng bắt bớ đàn ông và thiếu niên từ 15 tuổi trở lên vì họ đã từng sinh sống trong các lãnh thổ do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát, là phân biệt đối xử.
Bà nói:
“Xét những gì mà những người này đã phải chịu đựng, công tác thanh lọc lý lịch cần được tiến hành một cách nhanh chóng và trong tinh thần tôn trọng quyền cá nhân”.
Cũng hôm Thứ năm, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết cơ quan này và giới hữu trách Y tế Iraq đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị ứng phó với làn sóng người chạy nạn đang tìm cách thoát ra khỏi Mosul, kể cả đưa 46 trạm y tế di động tới các khu vực có nhu cầu trên toàn Iraq.
WHO cho biết thuốc men và vật phẩm y tế khác dành cho 350.000 người đã được bố trí sẵn, và công tác này vẫn tiếp tục. Vào lúc bắt đầu chiến dịch tái chiếm Mosul, các giới chức Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo là có đến 200.000 người có thể dời cư trong những tuần đầu tiên. Và trong trường hợp xấu nhất, đến 1 triệu người có thể bỏ nhà cửa.
Quân Nhà nước Hồi giáo chiếm Mosul vào giữa năm 2014 khi họ chiếm quyền kiểm soát một khu vực rộng lớn ở miền bắc và miền tây Iraq.
Ông Altaf Musani, đại diện WHO tại Iraq, cho biết kể từ đó hơn 1,5 triệu người ở Mosul gặp khó khăn hoặc không thể tiếp cận dịch vụ cứu trợ. Thiếu nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh, trẻ em không được tiêm ngừa vắc xin đã nâng cao nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Ông cảnh giác nhu cầu nhân đạo sẽ tăng đáng kể, và làn sóng di cư khỏi Mosul trong thời gian tới có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng y tế khác nữa tại Iraq”.
Nato ‘không muốn Chiến tranh Lạnh mới’
Nato không muốn có thêm đối đầu với Nga và không muốn thêm một cuộc Chiến tranh Lạnh nữa, Tổng thư ký của khối Jen Stoltenberg nói với BBC.
Kế hoạch triển khai thêm 4.000 lính ở Đông Âu với mục đích phòng ngừa, không nhằm kích động xung đột, ông nói.
Bất chấp căng thẳng hiện thời, đồng minh quân sự không coi Nga là mối đe dọa, ông nói.
Quan hễ giữa phương Tây và Nga đang ở giai đoạn xấu nhất từ thời Chiến tranh Lạnh.
Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu áp lệnh trừng phạt lên Nga kể từ khi Nga sáp nhật Crimea của Ukraine năm 2014.
Chiến tranh Syria là điểm bùng phát căng thẳng, khi các nước lớn ở phương Tây cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh khi Nga ủng hộ chính phủ Syria và đánh bom vào các khu vực do quân đối lập chiếm đóng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chối bỏ các cáo buộc này và ông nói ý kiến cho rằng Nga có thiên hướng quân sự hung hăng ở Châu Âu là “ngớ ngẩn”.
Không có ‘đe dọa’
Liên quân Nato lên đến 1.000 lính từ mỗi nước và sẽ được triển khai ở Ba Lan, Estonia, Latvia, Lithuania đầu năm tới.
Lực lượng này do Hoa Kỳ, Anh, Canada và Đức dẫn đầu.
Nhưng thay vì muốn đối đầu với Nga, Nato tiếp tục “phấn đấu vì quan hệ hợp tác và có tính xây dựng hơn,” ông Stoltenberg nói.
“Nhưng chúng ta phải thực hiện đều đó dựa trên an ninh tập thể – sự răn đe”.
Trong khi Nato không thấy bất cứ đe dọa sắp tới nào từ Nga, nhóm này phản ứng với hành động của Nga ở Ukraine, ông nói, cũng như thứ mà ông gọi là sử dụng sức mạnh hạt nhân để đe dọa các quốc gia Châu Âu.
Nato nói khối này tin rằng Nga có khoảng 330.000 lính đóng gần biên giới phía Tây.
Đầu tuần này, kế hoạch các tàu chiến Nga cập cảng Tây Ban Nha đã bị hủy sau khi đồng minh Nato lên tiếng họ quan ngại Nga có thể sử dụng để đánh bom thường dân Syria.
24 quốc gia thỏa thuận bảo tồn Biển Ross
By Matt McGrathEnvironment correspondent
Các đoàn đại biểu từ 24 quốc gia và Liên minh Châu Âu đã đồng ý rằng Biển Ross ở Nam Cực sẽ trở thành khu bảo tồn đáy biển lớn hất thế giới (MPA).
Khoảng 1,57 triệu km2 của vùng biển phía nam sẽ được bảo tồn không cho đánh bắt trong 35 năm.
Các nhà môi trường đã chào đón bước tiến nhằm bảo vệ nơi được coi là nguyên sơ nhất của Trái Đất.
Họ tin rằng đây là một trong những vùng biển quốc tế đầu tiên được bảo vệ.
Sau cuộc gặp ở Hobart, Úc, Ủa ban Bảo tồn Tài nguyên và Sinh vật biển (CCAMLR) đồng ý chỉ định vùng biển Ross là khu bảo tồn biển sau nhiều năm đàm phán, Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully thông báo.
Biển Ross, với tầng lớp và độ dốc chỉ chiếm diện tích khoảng 2% ở Nam Cực nhưng lại là nơi cư trú của 38% số chim cánh cụt Adelie trên thế giới, nơi ở của 30% số cá thể loài hải âu Nam Cực và có khoảng 6% số cá thể loài cá voi lưng xám Nam Cực.
Khu vực này quan trọng với phần còn lại của Trái Đất vì các chất dinh dưỡng từ vùng nước sâu được lưu chuyển khắp thế giới.
Biển Ross là nơi cư trú của của vô số nhuyễn thể, một nguồn thức ăn quan trọng cho các loài như cá voi và hải cẩu. Dầu của chúng rất cần thiết cho các trang trại cá hồi. Tuy nhiên có quan ngại gia tăng rằng việc đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến số lượng nhuyễn thể.
Đề xuất, được New Zealand và Hoa Kỳ đưa ra, và được hầu hết các quốc gia khác chấp nhận, sẽ bảo vệ tổng quan các vùng “không đánh bắt”, nơi không cho phép đánh bắt bất cứ sinh vật biển nào cũng như khai thác khoáng sản tại đây.
Trong một phần những thỏa thuận được chấp nhận, có một vùng đặc biệt cho phép đánh bắt nhuyễn thể và cá tuyết vì mục đích nghiên cứu.
Ngoại giao bơi lội
“Tôi hoàn toàn vui sướng,” ông Lewis Pugh, Đại sứ bảo hộ Đại dương của Liên hiệp Quốc, là người đã vận động nhiều năm ủng hộ khu vực bảo tồn đáy biển này.
“Đây là một trong những vùng bảo tồn trên bộ và trên biển lớn nhất, đây là khu bảo tồn đáy biển quy mô lớn nhất trong vùng biển quốc tế, hầu hết các khu vực này không được bảo vệ.”
Những người bảo tồn biển và các tay bơi đã khiến biển Ross được chú ý đến qua hàng loạt các chuyến bơi qua vùng biển băng giá này – và trong hai năm ông đã tham dự hàng loạt cuộc gặp, thường được gọi là “ngoại giao bơi lội” với những quan chức Nga để thuyết phục họ về giá trị của khu bảo tồn biển.
Vào cuối cuộc thương thuyết năm ngoái, Nga là quốc gia chống lại tuyên bố chung về Biển Ross. Nhưng năm nay, đã có một sự “cải tổ về môi trường” như ông Pugh mô tả.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ định năm 2017 là Năm của Sinh thái và quốc gia này đã mở rộng khu bảo tồn biển xung quanh vùng Franz Josef ở Bắc Cực.
Sergei Ivanov, người Đại diện đặc biệt của Tổng thống Putin về sinh thái, chúc mừng thỏa thuận này.
“Nga có một lịch sử đáng tự hào về khám phá và nghiên cứu ở Nam Cực. Trong thời đại bất ổn chính trị ở rất nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi tự hào là một phần của nỗ lực hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn Biển Ross,” ông nói.
Một trong những câu hỏi quan trọng trong các cuộc đàm phán là khu bảo tồn biển sẽ kéo dài bao lâu. Trung Quốc tin rằng 20 năm là đủ dài cho khu vực được chỉ định.
Rất nhiều nhà bảo tồn nói thời gian đó quá ngắn, và dẫn chứng tuổi thọ của các sinh vật sống ở Biển Ross như cá voi.
Cuối cùng các bên đồng thuận thời gian bảo tồn sẽ là 35 năm.
Khu bảo tồn được những nhà hoạt động và những người có liên hệ gần gũi với vùng biển Ross hoan nghênh.
“Gia đình Ross rất phấn khích khi biết di sản của gia đình chúng tôi đã được vinh danh trong lần kỷ niệm thứ 175 kể từ khi James khám phá ra biển Ross,” Phillipa Ross, chắt của Ngài James Clark Ross, người đã được đặt tên cho vùng biển cho biết.
Một trong những quan ngại lớn nhất khiến thỏa thuận bị trì hoãn là nó có thể tạo tiền lệ cho các đàm phán khác ở khu vực hải phận quốc tế nhiều nơi trên thế giới, như Bắc Cực và trong những nỗ lực của Liên hiệp Quốc nhằm phát triển một Điều ước Quốc tế về Đa dạng Sinh học biển.
Lewis Pugh hi vọng rằng đây sẽ là một trường hợp điển hình. Và ông sẵn sàng tiếp tục bơi cho đến khi điều đó trở thành sự thật.
“Điều này với tôi là bước đầu tiên, tôi đang quay trở lại Nam Cực để tiếp tục bơi, tôi muốn thấy hàng loạt khu bảo tồn biển quanh lục địa mà tôi dành rất nhiều cảm xúc này,” ông giải thích.
“Với tôi đây là sự công bằng – sự công bằng giữa các thế hệ. Sẽ có vẻ như một thứ gì đó hoàn toàn sai lầm với chúng ta khi hủy diệt đại dương và con cháu chúng ta sẽ hoàn toàn chẳng có gì.”
Phiến quân Abu Sayyaf
kiếm được 7.3 triệu USD từ bắt cóc
Manila, Philippines. (Reuters) – Một báo cáo nội bộ của chính phủ Philippines cho biế nhóm cực đoan Hồi giáo Abu Sayyaf đã kiếm được 353 triệu peso tương đương với 7.3 triệu mỹ kim từ các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc trong sáu tháng đầu năm nay.
Nhóm này đã quay sang bắt cóc các thủy thủ nước ngoài sau khi các cuộc tấn công của quân đội Phillipines đã giới hạn tầm hoạt động của nhóm. Báo cáo hỗn hợp của cảnh sát và quân đội cho biết cuộc tấn công đã gây thiệt hại nhân mạng cho nhóm Abu Sayyaf, tuy nhiên nhóm này vẫn có khả năng để mở các cuộc tấn công khủng bố. Các cuộc tấn công của chính phủ đã làm giảm quân số của Abu Sayyaf từ 506 xuống còn 481 trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên nhóm đã tung ra 32 vụ đánh bom trong cùng thời gian, tăng 68% trong một nỗ lực để gây gián đoạn cho nỗ lực của quân đội.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh cho quân đội để tiêu diệt Abu Sayyaf. Ông Duterte đã bác bỏ mọi khả năng của đàm phán hòa bình với Abu Sayyaf. Tuy nhiên ông đã có các nỗ lực để thương lượng với hai nhóm nổi dậy Hồi giáo lớn khác. Quân đội Phillipines đang mở các cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay vào Abu Sayyaf ở 2 vùng Sulu và Basilan ở phía nam Phillipines. (Lê Hoàng)
Syria: Nga
bác bỏ kết luận điều tra của LHQ về vũ khí hóa học
Chính quyền Nga, vào ngày 27/10/2016, đã một lần nữa bác bỏ kết luận của một ủy ban điều tra Liên Hiêp Quốc, tố cáo Damas sử dụng vũ khí hóa học giết hại dân mình. Đối với Mátxcơva, đó là những kết luận thiên vị. Thậm chí Nga còn đe dọa không triển hạn nhiệm vụ của ủy ban điều tra, trên nguyên tắc sẽ kết thúc vào ngày 31/10 tới đây.
Thông tín viên RFI tại New York, Marie Bourreau cho biết thêm chi tiết:
« Kết luận của báo cáo « mâu thuẫn nhau » hoặc là « không đầy đủ » để có thể đưa ra biện pháp trừng phạt. Đây là nhận định của đại sứ Nga ở Liên Hiệp Quốc Vitali Tchourkine, và một cách mỉa mai, ông yêu cầu Syria tự điều tra về những lời tố cáo của các nhà điều tra.
Các nhà ngoại giao phương Tây như thế còn rất ít hy vọng trừng phạt kẻ thủ phạm các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học này.
Kết luận của ban điều tra rất rõ ràng : Chế độ Syria đã ba lần rải khí chlore trên dân chúng của mình trong hai năm 2014 và 2015. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo cũng bị tố cáo sử dụng khí mù tạt ở miền bắc Syria tháng 08/2015.
Paris và Luân Đôn đã yêu cầu trừng phạt thủ phạm Damas và lập luận rằng nếu Hội Đồng Bảo An không có khả năng thống nhất ý kiến để chống việc sử dụng vũ khí hóa học ở thế kỷ XXI, thì Hội Đồng còn có ích gì nữa.
Nhưng thời gian đang trôi qua, nhiệm vụ của ủy ban điều tra phải được triển hạn trước ngày 31/10. Nga đang có dấu hiệu trì hoãn và có thể thương lượng khả năng bỏ trừng phạt để đánh đổi với việc triển hạn thêm một năm nhiệm vụ điều tra ».
Châu Phi :
“Bị cáo thường trực” của Tòa Hình Sự Quốc Tế?
Trong vòng hai tuần tháng 10/2016, ba nước châu Phi liên tiếp bày tỏ ý định rút khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI hay ICC). Bắt đầu với Burundi ngày 18/10/2016, sau kết quả bỏ phiếu áp đảo tại Nghị Viện nước này ngày 12/10, đến lượt Nam Phi ngày 21/10 và cuối cùng là Gambia ngày 25/10. Theo quy định, việc rút khỏi Quy chế Roma, cơ sở thành lập Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, sẽ có hiệu lực vào năm 2017, đúng một năm sau khi Liên Hiệp Quốc nhận được thư thông báo của ba nước trên.
Theo nhận định của nhật báo Le Monde (22/10/2016), đây là sự kiện chưa từng có trong 14 năm hoạt động của thiết chế thường trực này. Một ngày sau thông báo của chính phủ Nam Phi, ông Sidiki Kaba, chủ tịch Hội đồng các nước tham gia Quy chế Roma, đã kêu gọi Burundi và Nam Phi “cân nhắc lại quan điểm của họ. Dù lựa chọn rút khỏi một hiệp định thuộc quyền tối cao của Nhà Nước, nhưng tôi lấy làm tiếc về những quyết định này”.
Ông cũng lo ngại “làn sóng rút khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế của hàng loạt các nước châu Phi sẽ làm suy yếu định chế tài phán quốc tế duy nhất chịu trách nhiệm xét xử các tội ác chiến tranh, tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội xâm lược”.
Việc tổng thống Pierre Nkurunziza bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng nhân quyền từ tháng 04/2015 có thể giải thích được quyết định rút khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế của Burundi. Còn theo La Croix (27/10), Gambia tố cáo “những ngược đãi nhắm vào các nước châu Phi, đặc biệt là giới lãnh đạo” trong khi “không một tội phạm phương Tây nào” bị truy tố. Thế nhưng, ý định rút khỏi Quy chế Roma của Nam Phi, nền kinh tế mạnh nhất châu Phi có lẽ gây tiếng vang lớn tại lục địa này, nơi CPI thường xuyên bị chỉ trích.
Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến quyết định rút khỏi Tòa CPI của Gambia, Burundi và Nam Phi?
Tòa Án Hình Sự Quốc Tế “thiên vị”
Theo nguyệt san Le Monde diplomatique (tháng 04/2016), Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, được cho là bổ trợ các định chế tài phán quốc gia, chỉ có thẩm quyền nếu việc truy tố không thể tiến hành được ở nước liên quan, hoặc do chính quyền không công minh trong vụ việc, hoặc do hệ thống tư pháp quốc gia không có khả năng thi hành công lý một cách hiệu quả. Chỉ cần quốc gia, nơi xảy ra các tội ác, công nhận Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, hay bị cáo mang quốc tịch của nước thành viên, thì Tòa có thẩm quyền xét xử.
Thế nhưng, chính mục đích bổ trợ này thường xuyên bị coi là một nguyên tắc mang tính phân biệt đối xử: Các nước bị nhắm tới thường là những quốc gia nghèo, yếu về mặt quản lý hành chính, trong đó có nhiều nước châu Phi. Đây cũng là nhận định ngày 21/10 của bộ trưởng Tư Pháp Nam Phi, Michael Masutha, khi ông cho rằng CPI “thích nhắm đến các nhà lãnh đạo tại châu Phi mà không xét xử những nhân vật khác cũng phạm tội ác ở một nơi nào đó”.
Trong quá khứ, tổng thống Nam Phi Jacob Zuma từng lên án việc Tòa Hình Sự Quốc Tế không truy tố Hoa Kỳ, bị cáo buộc tấn công Irak mà không chứng minh được sự tồn tại của vũ khí huỷ diệt hàng loạt ; hay truy tố Israel vì các tội ác chống lại người Palestin.
Ý định rời CPI của Pretoria được củng cố hơn sau chuyến công du gây nhiều tranh cãi vào tháng 06/2015 của tổng thống Sudan, Omar Al Bachir, nhân thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Phi được tổ chức tại thành phố Johannesburg. Chính quyền Nam Phi từ chối bắt giữ nhà lãnh đạo Sudan bị CPI truy tố vì tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh ở Darfour. Bộ trưởng Tư Pháp Masutha giải thích : Tòa Án “cản trở khả năng đáp ứng các nghĩa vụ của Nam Phi về việc tôn trọng quyền miễn trừ ngoại giao”.
Vẫn theo Le Monde (21/10), Burundi quyết định rời cơ quan tài phán quốc tế vì cho rằng Tòa Án Hình Sự Quốc Tế chỉ phục vụ các cường quốc, trong đó thậm chí có một số nước không phê chuẩn Quy chế Roma, nhằm ám chỉ đến ba nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Israel cũng không công nhận thẩm quyền của Tòa.
Bộ trưởng Tư Pháp Burundi, Aimée Laurentine Kanyana, giải thích : “Burundi cho rằng, đối với các nước châu Phi, đã đến lúc không tham gia Quy chế (Roma) này nữa. Với tư cách là một quốc gia, Burundi chịu trách nhiệm bảo vệ quyền tối cao của mình và rút khỏi Quy chế (mà nước này ký vào tháng 01/1999 và phê chuẩn vào tháng 09/2004)”. Ông cũng lên án “một công cụ gây sức ép đối với chính phủ các nước nghèo và là một phương tiện gây bất ổn ở các nước này”.
Bỏ CPI để khẳng định chủ quyền quốc gia và tình đoàn kết với các nước châu Phi
Trong 14 năm hoạt động (từ năm 2002), các thẩm phán ở La Haye đã mở 10 cuộc điều tra tại 9 nước, thế nhưng trong đó có đến 8 nước châu Phi. Chính trong bối cảnh này, tại thượng đỉnh ngày 31/01/2016, Liên Hiệp Châu Phi đã đồng thuận nghiên cứu khả năng rút tập thể ra khỏi Quy ước Roma về Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.
Về quyết định rút khỏi CPI của Nam Phi, theo giáo sư David Hornsby, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại đại học Witwatersand ở Johannesburg, đây là “dấu hiệu của Nam Phi đi theo quan điểm của các nước đối tác châu Phi”.
Đầu tháng 10/2016, ông Zuma đã công du Kenya. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Nam Phi tới thăm nước này. Trong khi đó, tổng thống và phó tổng thống Kenya, Uhuru Kenyatta và William Ruto, bị cáo buộc gây bạo lực trong đợt bầu cử năm 2007, nhưng cuối cùng Tòa CPI từ bỏ việc truy tố hai quan chức này. Tuy nhiên, trong suốt thời gian đó, hai nhà lãnh đạo Kenya đã tiến hành chiến dịch tẩy chay Tòa Án với sự ủng hộ của Liên Hiệp Châu Phi.
Nếu như Nam Phi luôn đề cao việc bảo vệ nhân quyền, thì nước này cũng nhấn mạnh đến chủ quyền của mỗi nước. Pretoria nhiều lần khó chịu về sự can thiệp của một số cường quốc phương Tây vào nội bộ châu Phi, như Pháp tại Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire) vào năm 2010 hay vào Libya năm 2011. Các tổng thống Nam Phi cũng thường tỏ thái độ hòa dịu với tổng thống Robert Mugabe của nước láng giềng Zimbabwe, bất chấp vai trò của nhà lãnh đạo này trong việc đàn áp đối lập.
Tuy nhiên, quyết định của Pretoria lại bị nhiều tổ chức dân sự Nam Phi phản đối kịch liệt. Liên Minh Dân Chủ (DA), đảng đối lập chính, quyết định đưa vụ việc ra tòa với hy vọng hủy quyết định trên, bị đánh giá là “vi hiến và vô lý”, dù cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Thực vậy, theo một chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu An Ninh (ISS) ở Pretoria, “chính phủ đã gửi quyết định (rút khỏi CPI) lên Liên Hiệp Quốc trước khi tham khảo Nghị Viện. Việc này không tuân theo tiến trình dân chủ thông thường”.
CPI : Cơ chế hoạt động yếu ớt
Theo nguyệt san Le Monde diplomatique, CPI không thể tiến hành một phiên xử nếu không có sự hiện diện của bị cáo. Thế nhưng, Tòa không thể trông cậy vào lực lượng cảnh sát quốc tế. Rất nhiều “hồ sơ” của Tòa vẫn bị treo vì thiếu sự hợp tác của các nước liên quan. Một số vụ còn chưa khép lại vì thiếu tài liệu quan trọng mà các nước phải cung cấp.
Ngày 21/03/2016, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế kết án phó tổng thống Congo, Jean-Pierre Bemba, tội chống nhân loại và tội ác chiến tranh tại nước Trung Phi. Thế nhưng, đây chỉ là bản án thứ 4 trong vòng 14 năm hoạt động của Tòa, trong đó có một vụ xử trắng án. Trên tổng số 18 nghi can bị xét xử, 6 người được tha bổng. Bản thành tích không được vẻ vang cho lắm, trong khi hàng năm, Tòa nhận được từ 100 đến 130 triệu euro trợ cấp từ các nước thành viên.
Tờ Le Monde diplomatique kết luận, phải từ bỏ mọi thái độ chần chừ tránh né và trì trệ về thủ tục mới giúp Tòa CPI lấy lại chút tín nhiệm và công minh, nếu không sẽ chỉ là một tòa án quốc tế hoàn toàn mang tính tượng trưng và xét xử một bộ phận rất nhỏ.
Trung Quốc :
Tập Cận Bình ngày càng củng cố uy thế trong Đảng
Sau 4 ngày họp hội nghị toàn thể, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc gồm khoảng 400 người vào ngày 27/10/2016 đã quyết định phong chức « lãnh đạo hạt nhân » cho chủ tịch Tập Cận Bình.
Danh hiệu này được bổ sung bên cạnh các chức vụ tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch Quân Ủy Trung Ương mà ông Tập Cận Bình đã thâu tóm trong tay từ khi lên cầm quyền năm 2012, và không ngần ngại triệt hạ các đối thủ để đạt mục tiêu.
Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Heike Schmidt nhận định:
« Từ khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, đảng Cộng Sản Trung Quốc không còn muốn có một « người hùng », tập trung tất cả quyền lực trong tay. Thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào, quyết định đều do tập thể đưa ra. Sở dĩ như vậy là vì giới lãnh đạo muốn tránh các sai lầm của người Cầm Lái Vĩ Đại trước đấy, đã đẩy đất nước vào hỗn loạn và gây ra cái chết cho ít nhất là 30 triệu người.
Ban Chấp Hành Trung Ương giờ đây dường như đã muốn chấm dứt truyền thống thận trọng kể trên. Trong thông cáo công bố sau 4 ngày họp kín, 400 đại biểu kêu gọi số 88 triệu đảng viên là hãy « đoàn kết chặt chẽ chung quanh Ban Chấp Hành Trung Ương và đồng chí Tập Cận Bình, lãnh đạo hạt nhân ».
Nói cách khác là nhân vật số 1 của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã củng cố được thêm quyền lực của mình. Những người không theo đường hướng của ông phải coi chừng : Tập Cận Bình đòi hỏi một « sự trung thành tuyệt đối », và những « chỉ trích không cơ sở » bị nghiêm cấm.
Việc đưa Đảng vào nề nếp này diễn ra một năm trước một đại hội then chốt, dự kiến sẽ trao cho Tập Cận Bình thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo nữa ».
Nhận xét
Đăng nhận xét