EU và Canada ký thỏa thuận thương mại quan trọng
30 tháng 10 2016
Liên hiệp Âu châu và Canada vừa ký một thỏa thuận thương mại quan trọng, vốn đã bị trì hoãn lâu nay, sau những tuần bấp bênh do vấp phải sự phản đối từ Bỉ.
Thỏa thuận được Thủ tướng Canada Justine Trudeau ký tại Brussels cùng các quan chức hàng đầu của EU.
Lễ ký kết ban đầu dự kiến diễn ra vào hôm thứ Năm nhưng đã bị hủy bỏ sau khi vùng Wallonia của Bỉ phủ quyết.
Toàn bộ 28 quốc gia thành viên EU đã chuẩn thuận vào hôm thứ Sáu.
Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện, gọi tắt là Ceta, đòi hỏi phải được mọi quốc gia thành viên EU hậu thuẫn.
Thỏa thuận dỡ bỏ 99% thuế quan, và các quan chức hy vọng nó sẽ tạo ra mức tăng thương mại trị giá 12 tỷ đô la mỗi năm.
Thỏa thuận lẽ ra ký lúc 11:00 giờ địa phương (10:00GMT), nhưng đã được hoãn sau khi phi cơ của ông Trudeau phải quay trở lại sân bay Ottawa do "có vấn đề về máy móc" ngay sau khi cất cánh.
Sau khi thỏa thuận được ký sau đó vài giờ đồng hồ, ông Trudeau nói: "Người dân Canada và người dân EU chia sẻ sự hiểu biết chung rằng để đạt được sự tăng trưởng kinh tế thực sự, tăng trưởng có ý nghĩa, chúng ta cần tạo ra thêm công ăn việc làm tốt cho các công dân của chúng ta."
"Những thỏa thuận như hiệp định vừa mới ký sẽ giúp đạt được điều đó."
Bảy năm đàm phán vẫn chưa giải quyết xong vấn đề khi vùng Wallonia của Bỉ, nơi nói tiếng Pháp, đòi phải được bảo hộ mạnh hơn về các tiêu chuẩn lao động, môi trường và tiêu dùng.
Nơi này cũng muốn bảo hộ cho các nhà nông Walloon, những người phải đối diện với sự cạnh tranh mới từ hàng nhập khẩu từ Canada.
Hôm thứ Năm, Thủ tướng Bỉ Charles Michel nói rằng sau các cuộc đàm phán kéo dài, họ đã đồng ý bổ sung vào thỏa thuận nhằm giải quyết các quan ngại của vùng.
Thủ tướng Robert Fico của Slovakia, nước hiện đang giữ vị trí chủ tịch EU, nói chuẩn thuận cuối cùng đối với hiệp định là "một bước cột mốc trong chính sách thương mại của EU".
Những phức tạp trong thỏa thuận Ceta khiến làm tăng quan ngại về tương lai đàm phán giữa Anh và EU trong các thỏa thuận thương mại hậu Brexit.
Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, đã cảnh báo rằng bất kỳ việc trì hoãn, cãi cọ nào cũng sẽ làm tổn hại thêm uy tín của EU sau khi Anh quốc bỏ phiếu ra khỏi khối. - BBC
Nhận xét
Đăng nhận xét