Việt Nam tìm hỗ trợ từ Mỹ vào lúc Manila xích lại gần Bắc Kinh


Trọng Nghĩa
31-10-2016

Vào lúc tổng thống Philippines Duterte càng lúc càng khẳng định xu hướng xa rời Mỹ để xích lại gần Trung Quốc, quan hệ Việt-Mỹ lại có nhiều dấu hiệu được thắt chặt thêm, đặc biệt với chuyến thăm Hoa Kỳ (24-30/10/2016) của ông Đinh Thế Huynh, một lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam được cho là sắp tới đây có thể thay thế tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 Bên cạnh đó là nhiều sự kiện khác cho thấy hậu thuẫn của Việt Nam đối với sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông như mở cửa cảng Cam Ranh đón chiến hạm Mỹ, hay phản ứng thuận lợi trước việc khu trục hạm Mỹ USS Decatur vào tuần tra vùng biển Hoàng Sa (21/10).
Câu hỏi đặt ra là phải chăng Việt Nam đang đẩy mạnh quan hệ với Mỹ để tìm cách giảm thiểu tác hại tiềm tàng từ việc Philippines xa rời Hoa Kỳ để thân thiện với Trung Quốc, sẵn sàng bắt tay Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, gây hại cho Việt Nam ?

Trong một chừng mực nào đó, có thể nói là Washington cũng đang chia sẻ mối quan tâm chiến lược của Hà Nội và suy nghĩ đến phương án nâng cao vai trò của Việt Nam trong chính sách xoay trục qua châu Á của mình. Hãng tin Anh Reuters, ngày 03/10/2016, đã dẫn lời một viên chức Hoa Kỳ xin giấu tên, xác nhận rằng trong lãnh vực quốc phòng chẳng hạn, để giảm nhẹ tác hại của việc Philippines thay đổi chính sách, chính quyền Obama đã nghĩ đến một số phương án thay thế trong đó có việc sử dụng các hải cảng tại Việt Nam.

Ba hướng vận động ngoại giao: Philippines, Trung Quốc và Mỹ

Đối với giáo sư Carl Thayer, thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc, tất cả những diễn biến mới đây liên quan đến quan hệ Việt-Mỹ không chỉ bắt nguồn duy nhất từ việc tổng thống Duterte xoay trục qua Trung Quốc. Trả lời RFI qua thư điện tử, giáo sư Thayer phân tích:

Thayer : Nhân tố Duterte, dù quan trọng, nhưng không phải là động lực chính đằng sau những động thái của Việt Nam…

Động lực chính chi phối các hoạt động gần đây của Việt Nam là mối quan ngại của Hà Nội trước tiến trình thay đổi lãnh đạo tại Hoa Kỳ và tác động tiềm tàng của sự kiện này đối với chính sách tái cân bằng lực lượng về mặt quân sự và kinh tế của chính quyền Obama qua châu Á. Hà Nội cũng rất muốn tìm hiểu về triển vọng của việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố quyền lực.

Nhưng suy cho cùng thì Việt Nam quan tâm đến việc duy trì an ninh hàng hải và tình hình ổn định ở Biển Đông. Nhìn từ Hà Nội, thì các vấn đề kinh tế và tiến trình chuyển đổi quyền lực tại cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều sẽ ảnh hưởng đến an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Rõ ràng là Việt Nam đã tổ chức cho ông Đinh Thế Huynh đi thăm Bắc Kinh và Washington sau khi kết thúc Hội Nghị Toàn Thể Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ tư (09-15/10). Hội nghị này tập trung vào việc xây dựng đảng và triển vọng kinh tế trong những năm tới.

Đối với giáo sư Thayer, ngay từ đầu, sau khi tổng thống Philippines nhậm chức, và đã có những phát biểu không mấy rõ ràng về chính sách Biển Đông của Manila, Việt Nam đã tìm cách bảo đảm sao cho quan hệ chiến lược giữa hai nước vẫn được duy trì, đặc biệt trên vấn đề Biển Đông. Đó chính là trọng tâm được bàn thảo nhân chuyến công du Việt Nam của ông Duterte vào cuối tháng 9 vừa qua :

Thayer : Điều quan trọng cần lưu ý là Việt Nam đã mời tổng thống Philippines Duterte đến Hà Nội vào cuối tháng Chín để củng cố quan hệ đối tác chiến lược song phương giữa hai nước, và tìm lời giải thích rõ ràng về đường hướng đối ngoại của ông Duterte.

Tổng thống Duterte và chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã nhất trí tiếp tục hợp tác thông qua các cơ chế song phương hiện có, xây dựng một kế hoạch hành động sáu năm (2017-2022), mở rộng một thỏa thuận về việc Việt Nam bán gạo cho Philippines, và thúc đẩy hợp tác hàng hải và đại dương thông qua ủy ban hỗn hợp của hai nước.

Hai lãnh đạo cũng cam kết theo đuổi chính sách cơ bản của ASEAN về Biển Đông bằng cách ủng hộ quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, quyền làm thương mại mà không bị cản trở, và giải quyết tranh chấp thông qua « các tiến trình pháp lý và ngoại giao ».

Sau Philippines, Việt Nam đã quay sang phía Trung Quốc, và lần này, phái viên của Việt Nam không ai khác hơn là ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí Thư Ban Chấp hành Trung Ương, một nhân vật được cho là có thể là tổng bí thư tương lai của đảng Cộng Sản, thay thế ông Nguyễn Phú Trọng. Theo giáo sư Thayer, Biển Đông cũng nằm trong chương trình nghị sự chuyến thăm Trung Quốc trong hai ngày của ông Đinh Thế Huynh :

Thayer : Ông Đinh Thế Huynh đã đến Bắc Kinh (19-20/10) trước khi mở ra hội nghị trung ương lần thứ sáu của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ ngày 24 đến 27/10. Ông Huynh đã có cuộc tiếp xúc với tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình và xem xét lại tổng thể quan hệ song phương Việt-Trung, bao gồm cả việc khôi phục lòng tin chính trị và « xử lý thỏa đáng » tranh chấp Biển Đông. 

Ông Huynh có thể là đã tranh thủ chuyến thăm đó để thẩm định quyền lực của ông Tập Cận Bình trước khi Trung Quốc tổ chức Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19 vào năm tới, mà có tin cho là sẽ diễn ra vào tháng 11. Nhân dịp đó, ông Tập Cận Bình có thể sẽ được bầu lại làm chủ tịch nước và lãnh đạo đảng. Chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra ở Việt Nam trong một chừng mực nào đó cũng giống như những gì Tập Cận Bình đang tiến hành ở Trung Quốc.

Cuối năm 2017 là gần đến thời điểm giữa nhiệm kỳ của giới lãnh đạo Việt Nam được bầu ra nhân đại hội đảng toàn quốc năm năm một lần. Thời điểm đó đã gần kề, nhưng vẫn chưa rõ là đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục tại chức cho đến hết nhiệm kỳ thứ ba – điều chưa từng thấy – hay là sẽ được thay thế. Nếu ông Trọng ra đi, thì ông Huynh rất có thể là một ứng viên vào chức tổng bí thư.

Thông điệp gởi Mỹ : Nên tiếp tục dấn thân vào Biển Đông 

Ngay sau chuyến ghé Trung Quốc, ông Đinh Thế Huynh đã công du Hoa Kỳ trong một chuyến thăm được giáo sư Thayer nhận định là để tìm kiếm một sự bảo đảm rằng Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân vào khu vực Đông Nam Á và vào hồ sơ Biển Đông.

Thayer : Ông Đinh Thế Huynh công du Mỹ từ ngày 24 đến 30/10 và đã tiếp xúc với ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Chuyến thăm của ông Huynh diễn ra ngay trước cuộc bầu cử Mỹ (08/11).

Cho dù chính quyền Obama đang ở trong những tháng cuối, ông Huynh rõ ràng là rất quan tâm đến việc tìm hiểu về khả năng Quốc Hội Mỹ thông hiệp định thương mại TPP, và nếu không được, thì cũng nhận được sự bảo đảm từ phía chính quyền Mỹ là sẽ tiếp tục thực thi, thậm chí đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện song phương.

Cụ thể là ông Huynh đã thúc giục Mỹ tăng cường các quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, phê chuẩn hiệp định TPP càng sớm càng tốt, và công nhận Việt Nam như là một nền kinh tế thị trường, như vậy thuế đánh trên hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể được hạ thấp.

Đây là chuyến viếng thăm Washington đầu tiên của ông Đinh Thế Huynh, và là một cơ hi tiếp cận rất quan trọng với hệ thống chính trị Mỹ. Chuyến công du này cũng nhấn mạnh việc Mỹ sẵn sàng công nhận vai trò trung tâm của đảng Cộng Sản trong hệ thống chính trị Việt Nam. Nếu ông Huynh trở thành vị lãnh đạo sắp tới của đảng Cộng Sản Việt Nam, thì kinh nghiệm đó sẽ rất tốt cho ông.

Chuyến thăm Washington của lãnh đạo cao cấp trong đảng Cộng Sản Việt Nam một lần nữa đã nêu bật một sự đối nghịch quan điểm giữa Trung Quốc và Việt Nam về vai trò của Mỹ ở Biển Đông. Nếu Bắc Kinh luôn lớn tiếng tố cáo sự can thiệp của Mỹ, Nhật, hay các nước khác ngoài vùng, thì Hà Nội lại hoan nghênh sự có mặt của Mỹ. Giáo sư Thayer phân tích :

Thayer : Dứt khoát là theo quan điểm của Hà Nội, sự hiện diện quân sự của Mỹ là một nhân tố thiết yếu để làm đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Huynh và ngoại trưởng Mỹ Kerry đã thảo luận về vấn đề này. Ông Huynh đã nhắc lại nhận định của tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng bộ Quốc Phòng là Việt Nam hoan nghênh vai trò tích cực của Mỹ trong việc đóng góp vào hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Ông Huynh cũng kêu gọi tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh trong đó có việc thực hiện thỏa thuận Tầm Nhìn Chiến Lược Chung (Joint Vision Statement) trong đó có vấn đề thương mại quốc phòng(vũ khí) và khả năng đồng sản xuất.

Trước chuyến đi Washington của ông Huynh, Mỹ và Việt Nam đã tiến hành đợt hoạt động hải quân lần thứ 7 ở Đà Nng (28/09 – 01/10), và ngay sau đó là chuyến ghé cảng chưa từng thấy của hai chiến hạm Mỹ USS John S. McCain and USS Frank Cable ở cảng quốc tế Cam Ranh. Đây là chuyến ghé cảng Cam Ranh đầu tiên của tàu chiến Mỹ từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Việt Nam và Mỹ cũng đã tổ chức Đối thoại về chính sách quốc phòng lần thứ 7 tại Hà Nội (17/10). Trong lúc ông Huynh thăm Washington  thì đô đốc Harry Harris, tư lệnh Lực Lượng Thái Bình Dương của Mỹ, cũng đến Hà Nội (26/10).

Tuy nhiên, sự kiện chiến hạm Mỹ ghé cảng Cam Ranh cần phải được đặt trong bối cảnh chung. Việt Nam hoan nghênh các chuyến ghé cảng quốc tế Cam Ranh – khác với cảng quân sự - của tàu bè đến từ mọi quốc gia. Sau khi cảng được mở ra vào tháng 3, tàu chiến từ Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ và Pháp đã đến đây. Tàu Nga thì được ghé cảng quân sự. Gần 3 tuần sau chuyến ghé cảng của khu trực hạm Mỹ USS John McCain, thì cảng quốc tế Cam Ranh đã đón 3 tàu hải quân Trung Quốc (22-26/10).

Tàu Mỹ vào vùng biển Hoàng Sa để trấn an Việt Nam ?

Như để trấn an Việt Nam về quyết tâm không rời Biển Đông, Hải Quân Mỹ ngày 21/10 đã cho chiến hạm đi vào tuần tra trong vùng biển Hoàng Sa, nhằm thách thức các đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc. Đây nơi chỉ có Việt Nam và Trung Quốc (cùng với Đài Loan) tranh chấp với nhau, và tín hiệu trấn an của Washington đã được Hà Nội hoan nghênh. Giáo sư Thayer ghi nhận :

Thayer : Hoa Kỳ luôn luôn cẩn thận lên kế hoạch về các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải từ lâu trước đó. Việc cuộc tuần tra lần thứ tư ngày 21/10 diễn ra ở vùng biển gần Hoàng Sa chứ không phải gần vùng Trường Sa có nhiều tranh chấp hơn, là một điều rất có ý nghĩa. 

Một cuộc tuần tra của Mỹ ỏ vùng tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc có thể làm tăng thêm căng thẳng ở một vùng vốn đã rất nhạy cảm và khiến ông Duterte có thêm những phát biểu thô lỗ đối với Hoa Kỳ.

Một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam đã có phản ứng ngày 24/10, ghi nhận rằng: « Việt Nam tôn trọng việc các quốc gia thực hiện các quyền tại Biển Đông phù hợp với quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không. »

Tóm lại, trong tháng 10, Washington đã chứng minh cho ông Huynh thấy là Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện hải quân ở Biển Đông và Việt Nam công nhận sự hiện diện đó.

Nhìn chung, giáo sư Carlyle Thayercho rằng Việt Nam nên tiếp tục cổ vũ cho vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực, củng cố thêm quan hệ với Singapore, nước hiện là điều phối viên quan hệ ASEAN-Trung Quốc, khuyến khích Indonesia có vai trò năng động hơn tại Đông Nam Á.

Ngoài ra, Việt Nam cần nỗ lực thúc đẩy việc hình thành « nhóm nước Biển Đông » trong ASEAN cùng với Brunei, Malaysia và Philippines, để cố vấn về chính sách cho toàn khối.- RFI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?