'Mỹ - Việt đang gần nhau hơn bao giờ hết'

30 tháng 10 2016

PGS. TS. Jonathan London
Image captionHoa Kỳ và Việt Nam đang 'gần nhau hơn bao giờ hết' trong quan hệ song phương được thể hiện qua chuyến thăm Mỹ của ông Đinh Thế Huynh, theo PGS. TS. Jonathan London từ Hà Lan.
Chuyến công du của đương kim Thường trực Ban bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam tới Mỹ vào hạ tuần tháng Mười 2016 là một 'chuyến đi rất đáng kể', phản ánh 'một thay đổi rất lớn' trong quan hệ bang giao hai nước mà trong đó Hoa Kỳ và Việt Nam đang 'gần nhau hơn bao giờ hết', một học giả, nhà quan sát chính trị và bang giao quốc tế người Mỹ nói với Tọa đàm Bàn tròn của BBC tuần này.
Từ Đại học Leiden của Hà Lan, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Jonathan London bình luận về chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN, tới Mỹ từ ngày 24-30 tháng Mười theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
"Tôi thấy đây là một chuyến đi rất đáng kể bởi vì nếu như chuyến đi trước kia của ông Nguyễn Phú Trọng (thăm Mỹ vào tháng 7/2015) là hơi lạ vì ông không phải trong nhà nước, chính phủ mà là Tổng bí thư Đảng, thì hiện nay, việc ông Đinh Thế Huynh sang Mỹ như thế này phản ánh một thay đổi rất lớn.
"Có lẽ quan trọng nhất nó cho thấy hiện nay Mỹ và Việt Nam gần nhau hơn bao giờ hết và điều đó rất rõ. Tôi không có hy vọng nào về TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), số phận của TPP chưa hứa hẹn, nhưng như những người khác đã nói, có một thỏa thuận nhất định giữa hai nước...
"Đặc biệt trong một thời điểm hết sức căng thẳng mà Hạm đội 3 đang hành động ở Thái Bình Dương, ông Durtete (Tổng thống Philippines) nói những điều quá 'vớ vẩn', nguy hiểm và vô trách nhiệm, cũng như tầm nhìn rất kém về tương lai và trái ngược với tinh thần quan hệ Mỹ - Philippines đã được xây dựng qua một thời gian rất lâu; với những động thái của Nga đối với Mỹ và những đòi hỏi không chính đáng và trái pháp luật của Trung Quốc, hiện nay là một thời điểm rất nguy hiểm.
"Và tôi thấy ông Đinh Thế Huynh sang Washington vào thời điểm này vài tuần trước kỳ bầu cử, mà có lẽ là 90% bà Hillary (Clinton) sẽ thắng, chỉ có một ý nghĩa duy nhất là... quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, dù có một số khác biệt nhất định, đã vào một thời điểm rất quan trọng và cả hai bên rất muốn biết chắc chắn là hai bên hiểu nhau rất rõ.
"Bởi vì hiện nay không thể có một nguy cơ mà hai bên không hiểu nhau được, họ phải hiểu rất rõ và vì thế tôi nghĩ việc ông Bộ trưởng Kerry gặp trực tiếp một người trong Bộ Chính trị chưa phải là Tổng bí thư Đảng, chưa phải là ai trong nhà nước, chính phủ, thể hiện phẩm chất quan hệ càng ngày càng thân hơn về nhiều mặt giữa hai nước," học giả người Mỹ nói với Bàn tròn thứ Năm hôm 27/10.

Vội vàng săn đón?

Quan hệ Việt - Mỹ: Hai bên sẽ đối thoại 'thẳng thắn'
Khi được hỏi phải chăng Hoa Kỳ đang 'vội vàng săn đón, ôm ấp' quan hệ với Việt Nam qua chuyến thăm Mỹ của ông Đinh Thế Huynh vì nhận thấy các lợi ích trong khu vực và tại Đông Nam Á của Mỹ gặp nguy cơ sau khi lãnh đạo Philippines có những chuyển hướng 'tách ra' khỏi quan hệ với Hoa Kỳ, bên cạnh các diễn biến khác, kể cả việc ông Huynh trước khi thăm Mỹ đã ghé thăm Trung Quốc, PGS. TS. Jonathan London nêu quan điểm:
"Quan điểm (cho rằng) thế mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương đang giảm đi, tôi không đồng ý. Nhưng tôi thấy là không khí nói chung trên thế giới hiện nay Mỹ thấy là nguy hiểm và có khả năng cao, đặc biệt với hành động vớ vẩn và nguy hiểm của Durtete ở Philippines, thì có khả năng... Trung Quốc sẽ có một hành động nhất định nào đó (với nguy cơ) cao hơn trước nay.
"Và vì thế dù chưa có một đe dọa cụ thể, việc hai bên (Mỹ - Việt) gặp nhau cũng có một logics, có lý và dù vấn đề bầu cử bên Mỹ ra sao không quan trọng bằng việc những quyền lợi chiến lược của Mỹ và Việt Nam hiện nay ở Thái Bình Dương là thế nào và hai bên phải kết hợp để bảo vệ nó như thế nào, đó là quan trọng và đó là một việc phải đề cập ngay bây giờ."
Trước câu hỏi liệu chuyến thăm Mỹ của ông Đinh Thế Huynh, có phải là một dạng 'lá phiếu' nào đó mà vị Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư này của ĐCSVN, nhận được từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng liên quan khả năng 'kế nhiệm' chiếc ghế lãnh đạo đảng CSVN và phía Mỹ nghĩ thế nào về chính khách Đinh Thế Huynh, PGS. TS. Jonathan London đáp:
"Thực ra hơi lạ là có một người mà ngày xưa là (lãnh đạo) Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam sang Mỹ gặp Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry - là chồng của một tỷ phú Mỹ bán 'ketch-up', thì ông (Kerry) bảo là Việt Nam là 'tư bản chủ nghĩa' và ông Đinh Thế Huynh có lẽ sắp thay thế ông Nguyễn Phú Trọng lên Tổng Bí thư Đảng, thì đó là một kết hợp hơi lạ, rất là thú vị.
"Nhưng dù sao hai nước chắc chắn có những quyền lợi quốc gia mà họ chia sẻ cùng nhau và điều đó là yếu tố cơ bản nhất trong quan hệ này," học giả người Mỹ từ Đại học Leiden của Hà Lan nói với Tọa đàm Bàn tròn của BBC.
Mời quý vị bấm vào đây để theo dõi toàn văn Bàn tròn thứ Năm của BBC về chuyến thăm Mỹ của ông Đinh Thế Huynh.
Quý vị cũng có thể theo dõi bài tường thuật trước đó của chúng tôi giới thiệu ý kiến của các vị khách khác tại Tọa đàm này tại đây. - BBC

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện