Tin Biển Đông – 28/10/2016
Hoa Kỳ lần đầu cử tàu thuộc Hạm đội 3 tới gần Hoàng Sa
Tàu USS Decatur hôm 21/10 đã qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, và là lần đầu tiên chiến hạm thuộc Hạm đội 3 của Hải quân Hoa Kỳ nhận lệnh từ căn cứ tại San Diego khi hoạt động tại Biển Đông.
Trước đây, các hoạt động tại vùng này luôn do Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản đảm trách.
Nhưng nay, với sự xuất hiện trở lại của tàu thuộc Hạm đội 3 tại Đông Nam Á lần đầu từ Thế Chiến 2, Washington muốn chứng tỏ sức mạnh hải quân của mình tại khu vực châu Á, theo Reuters.
Thông điệp của Hoa Kỳ là họ có thể cùng lúc điều động hai hạm đội trên hai mặt trận, từ Bán đảo Triều Tiên tới Philippines.
BBC Tiếng Việt giới thiệu đội nét về hai trong số sáu hạm đội được đánh số của Hải quân Hoa Kỳ theo tư liệu từ các trang quốc phòng Hoa Kỳ.
Đệ tam Hạm đội
Thành lập ngày 15/03/1945, Hạm đội 3 ban đầu do Đô đốc William F. “Bull” Halsey chỉ huy và ông chọn đóng bộ tư lệnh tại Trân Châu Cảng, Hawaii từ tháng 6/1944.
Hạm đội 3 từng tham chiến ở Philippines, Đài Loan, Okinawa và tấn công vào Tokyo cùng căn cứ Kure và đảo Hokkaido thời Thế Chiến 2.
Chiến hạm USS Missouri (BB 63) của Đệ tam Hạm đội đưa Đô đốc Halsey đến Vịnh Tokyo nhận sự đầu hàng của Đế chế Nhật Bản ngày 2/9/1945.
Nhưng sau Thế Chiến, cả hạm đội được điều động về bảo vệ vùng biển phía Tây Hoa Kỳ và giải thể.
Ngày 1/02/1973, Hạm đội 3 được khôi phục và nhận trách nhiệm từng thuộc Hạm đội 1 ở vùng Thái Bình Dương.
Từ 1991, tư lệnh Hạm đội 3 cùng tàu chỉ huy USS Coronado, trở về San Diego, California.
Hiện Hạm đội 3 phụ trách khu vực rộng khoảng 50 triệu dặm vuông ở vùng Đông Bắc Thái Bình Dương, gồm Biển Bering, Alaska, quần đảo Aleutian và một phần Bắc Cực.
Theo trang web chính thức của Hạm đội 3, lực lượng này có khả năng sẵn sàng chiến đấu, điều khiển các tàu biển, tàu ngầm, và phi cơ.
Căn cứ chính đặt tại California, Washington, và Hawaii.
Hạm đội 3 có hơn 30 tàu ngầm, mười tàu hỗ trợ chuyên yểm trợ cho các đơn vị tấn công.
Đệ thất Hạm đội
Ra đời 15/03/1943 từ Lực lượng Tây Nam Thái Bình Dương và hiện nay là tổ hợp tiền phương lớn nhất của Hải quân Hoa Kỳ, đảm trách vùng Tây Thái Bình Dương và cả Ấn Độ Dương.
Hạm đội 7 tham chiến ở Philippines hồi Thế Chiến 2 dưới quyền của Tổng thư lệnh Thái Bình Dương, Tướng Douglas MacArthur, tham gia cuộc chiến Triều Tiên từ 1950 và Chiến tranh Việt Nam.
Các tàu và phi cơ của Hạm đội 7 chống lại quân thù trong Chiến tranh Việt Nam qua các đợt oanh kích, phi pháo từ biển hỗ trợ lục quân, đổ bộ, tuần tra và trinh sát cùng phá mìn, trang web của Hạm đội này cho biết.
Sau Đình chiến 1973, Hạm đội 7 tuần tra phá mìn từ các vùng ngoài khơi Bắc Việt.
Năm 1990, Tổng thống George Bush điều động tư lệnh của Hạm đội 7 sang tham gia bộ tổng tư lệnh cho hải quân phục vụ cuộc chiến Vùng Vịnh.
Tàu USS Blue Ridge của Hạm đội 7 đã tham gia chiến dịch Bão Sa Mạc (Desert Storm).
Năm 1996, Hạm đội 7 có lệnh chuẩn bị cho cuộc biểu dương lực lượng ở eo biển Đài Loan.
Năm 1998, Hạm đội 7 đưa quân ứng cứu và sơ tán công dân Mỹ khỏi Indonesia.
Từ 2001, vai trò của Đệ thất Hạm đội có thêm phần hỗ trợ chống khủng bố và bảo vệ an ninh trong vùng Ấn Độ – Đông Nam Á.
Các tàu và phi cơ của Hạm đội được điều động cứu trợ nạn nhân tsunami 2004 ở Đông Nam Á, động đất và sóng thần 2011 ở Nhật Bản.
Chiến dịch tại Nhật mang tên ‘Operation Tomodachi’ từ tiếng Nhật nghĩa là ‘người bạn’, đã chuyển đến các cảng Hachinohe, Miyako và Oshima/Kesennuma hàng trăm tấn hàng hóa cứu trợ.
Tàu và máy bay của Hạm đội 7 cũng tuần tra tìm kiếm 2000 km vuông mặt biển để tìm người mất tích.
Mỗi năm, các tàu của Hạm đội 7 thăm 25 quốc gia và vào chừng 500 cảng biển trong vai trò ngoại giao quốc phòng của Hoa Kỳ.
Hiện Hạm đội 7 theo dõi trên vùng biển rộng hơn 124 triệu cây số vuông, trải dài từ Đường Đổi ngày Quốc tế (International Date Line) tới biên giới Ấn Độ/Pakistan, và từ Quần đảo Kuril ở phía Bắc cho tới Nam Cực ở phía Nam.
Vùng hoạt động của Hạm đội 7 liên quan tới 36 quốc gia, với 50% dân số thế giới, trong đó có năm quốc gia hùng mạnh nhất về quân sự là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Bắc Hàn và Nam Hàn.
Hạm đội 7 đặt trụ sở chính tại Yokosuka, Nhật Bản, với một số đơn vị đóng tại Nhật và Nam Hàn, với lực lượng gồm khoảng 60-70 tàu, 300 máy bay và 400 ngàn thủy thủ cùng lính thủy quân lục chiến.
TQ: Cuộc tập trận mới đây ở Biển Đông
là cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày thứ Năm nói cuộc tập trận mới đây trên Biển Đông là một cuộc diễn tập tìm và cứu bình thường. Cuộc tập trận này diễn ra chưa đầy một tuần sau khi một tàu khu trục Mỹ chạy ngang gần quần đảo Hoàng Sa. Các chiến hạm Trung Quốc đã cảnh cáo và yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực.
Trung Quốc thường xuyên tập trận tại hải lộ bận rộn này, nơi Brunei, Malaysia, Philippines Đài Loan và Việt Nam đều có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tại một cuộc họp báo hàng tháng nói cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn được tiến hành ngoài khơi tỉnh Hải Nam và là một cuộc tập trận thường xuyên trong khuôn khổ của những kế hoạch hàng năm. Tuy nhiên ông không cho biết thêm chi tiết.
Cơ quan quản trị an toàn hàng hải Trung Quốc nói cuộc tập trận sẽ diễn ra suốt ngày thứ Năm, và ra lệnh cho các tàu nước khác tránh xa vùng này.
Cơ quan hải giám Trung Quốc đã đưa ra tọa độ của một khu vực phía nam Hải Nam và phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc kiểm soát, nhưng Việt Nam và Đài Loan cũng đòi chủ quyền.
Các giới chức Mỹ nói Trung Quốc xây một đường băng trên đảo Phú Lâm, nơi có số binh sĩ trú đóng đông đảo nhất trên quần đảo Hoàng Sa, và đã đặt phi đạn đất đối không tại đây.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố họ có thể làm điều gì họ muốn trên quần đảo mà Trung Quốc nói đã có chủ quyền từ thời xa xưa.
Bắc Kinh tố cáo
không quân Nhật khiêu khích máy bay quân sự TQ
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Năm 27/10 tố cáo máy bay của không quân Nhật Bản đã dùng radar khóa mục tiêu nhắm vào máy bay quân sự của họ. Hãng tin Reuters hôm nay đưa tin Bắc Kinh còn tố cáo phi công Nhật là có hành động khiêu khích, đe doạ sự an toàn của máy bay Trung Quốc. Những lời tố cáo đó được đưa ra sau khi Nhật Bản cho biết đã triển khai máy bay khẩn cấp để bám sát và chặn chiến đấu cơ Trung Quốc, với số lần kỷ lục.
Từ lâu Trung Quốc và Nhật Bản đã đối đầu nhau trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại một quần đảo nhỏ bé, không người ở, trong biển Hoa Đông mà người Nhật gọi là Senkaku, và người Trung Quốc gọi là Điếu ngư.
Hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á đã điều tàu bè tới tuần tiễu vùng biển này, đồng thời phái máy bay chiến đấu bay ngang không phận nơi này, giữa lúc có nhiều quan ngại về nguy cơ xảy ra chạm trán có thể dẫn tới xung đột.
Trong 6 tháng tính cho tới cuối tháng 9 vừa rồi, máy bay chiến đấu Nhật đã được lệnh triển khai khẩn cấp tới 407 lần để chặn máy bay Trung Quốc, so với chỉ có 231 lần trong cùng kỳ năm ngoái, theo một thông báo của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản vào giữa tháng 10.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian nói các hoạt động của máy bay Trung Quốc ở quần đảo Điếu Ngư phù hợp với luật pháp và quy tắc quốc tế. Ông tố cáo máy bay Nhật Bản gia tăng các phi vụ theo dõi và cản trở các hoạt động huấn luyện thường lệ của máy bay Trung Quốc.
Ông Wu nói hành động của máy bay Nhật gây nguy hiểm cho máy bay và phi công Trung Quốc, và ông yêu cầu Nhật Bản hãy “hành xử một cách có trách nhiệm để tránh các vụ việc tương tự trong tương lai”.
Việc Nhật Bản tán thành phán quyết của Toà Trọng tài Liên Hiệp Quốc rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trong phạm vi của cái gọi là ‘đường lưỡi bò’, là bất hợp pháp, đã gây phẫn nộ ở Bắc Kinh.
Trung Quốc không công nhận phán quyết của toà án quốc tế, và lặp lại lập trường của họ là các nước không có liên quan, như Hoa Kỳ và Nhật Bản, không nên can thiệp vào vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Nhận xét
Đăng nhận xét