Tin Thế Giới – 26/06/2016

Tin Thế Giới – 26/06/2016
Ngoại trưởng Mỹ đến Anh sau cuộc bỏ phiếu Brexit
Những chấn động vẫn tiếp diễn hôm Chủ nhật sau quyết định của Anh quốc rút khỏi Liên hiệp Âu châu (EU), trong lúc tình hình chính trị và các mối quan hệ của nước này với thế giới rơi sâu vào tình trạng không rõ ràng.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, John Kerry, đang có mặt ở châu Âu, đã thêm vào các chặng dừng không báo trước đến London và Brussels vào phút cuối trong chuyến công du của ông.
Ngoại trưởng Kerry dự định sẽ họp với Ngoại trưởng Anh Philip Hammond và các giới chức khác trong nỗ lực duy trì các mối quan hệ của Washington với đồng minh hàng đầu trong một giai đoạn mới khi Anh trở nên ít tương tác với Âu Châu hơn.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trước đó đã kêu gọi Anh quốc không nên rút khỏi EU. Mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, cụm từ được cố Thủ tướng Winston Churchill sử dụng lần đầu tiên đã cho phép Mỹ có một tiếng nói lớn hơn tại EU thông qua Anh.
Chính quyền của Tổng thống Obama đã lo ngại về cuộc trưng cầu dân ý của Anh rút khỏi EU và hậu quả của nó đối với các mối quan hệ của Washington với London và của Mỹ với Liên hiệp Âu Châu.
Tổng thống Obama hôm thứ Sáu nói: “Vương quốc Anh và Liên hiệp Âu Châu vẫn là các đối tác không thể thiếu được của Hoa Kỳ ngay cả khi họ bắt đầu thương thảo về các mối quan hệ sắp tới.”
Tại London, Ngoại trưởng Kerry sẽ tìm một giải pháp cho tình hình. Thủ tướng David Cameron sau cuộc trưng cầu dân ý đã tuyên bố sẽ từ chức và tỏ dấu hiệu cho thấy rõ là ông sẽ không phải là người thương lượng các thủ tục cho việc Anh quốc tách khỏi EU.
Ông Cameron sẽ lập một nhóm thương thuyết để bắt đầu tiến trình, nhưng một thông báo chính thức nói rằng tiến trình tách khỏi EU cho đến tháng 10 mới bắt đầu, khi có thủ tướng mới cũng của Đảng Bảo thủ đương quyền của ông Cameron, theo dự trù sẽ tiếp quản.
Quyết định rút khỏi EU cũng khiến cho Đảng Lao động đối nghịch bị xáo trộn. Ngày càng có nhiều tiếng nói đòi thủ lãnh Jeremy Corbyn của đảng này từ chức.
Các đảng viên cáo buộc ông Corbyn đã không quy tụ được sự ủng hộ trong nội bộ đảng để chống lại quan điểm rút khỏi EU.
Trong khi đó, các quốc gia thành viên sáng lập Liên hiệp Âu Châu đang tăng sức ép muốn Anh nhanh chóng rút khỏi khối.
Trước khi đến London, ông Kerry sẽ họp với trưởng ban chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini tại trụ sở của EU ở Brussels vào thứ hai tới.
Ông Kerry đến Rome hôm Chủ nhật để họp về tiến trình hòa bình Trung Ðông đang bế tắt.
Tại London, ông Kerry sẽ bắt đầu một tiến trình củng cố mối quan hệ trong một bối cảnh bi kịch mới.
Một số người Anh dùng vấn đề chủ quyền làm lập luận chính cho việc bỏ phiếu rút khỏi EU nói rằng Tổng thống Obama đã giúp họ đi đến quyết định khi ông đến thăm Anh quốc hồi tháng 4 và cảnh báo họ không nên bỏ phiếu rút khỏi EU, và khuyến cáo họ rằng Anh sẽ đứng cuối hàng trong các thỏa thuận thương mại nếu họ biểu quyết “rút.”
Thứ Ba, Thủ tướng Cameron sẽ đi Brussels, nơi mà 27 nước thành viên EU sẽ họp lần đầu tiên không có Anh.

Fallujah ‘hoàn toàn giải phóng’
Một giới chức cấp cao của Iraq nói các lực lượng chính phủ đã giải phóng thành phố Fallujah khỏi Nhà nước Hồi giáo sau một tháng hành quân để chiếm lại quyền kiểm soát thành phố này.
Thượng tướng Abdul-Wahab al-Saadi hôm Chủ nhật tuyên bố Fallujah đã được “giải phóng hoàn toàn” sau khi các lực lượng Iraq chiếm lại quyền kiểm soát Julan, tức là khu vực cuối cùng của thành phố mà trước đó Nhà nước Hồi giáo vẫn chiếm giữ.
Hôm thứ Bảy, các Lực lượng Đặc biệt Iraq tiếp tục hành quân tại Fallujah sau khi loan báo đã chiếm lại được phần lớn thành phố một ngày trước đó.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm thứ Sáu khi cảm thấy chắc chắc thành phố sẽ được giải phóng đã nói rằng “Nhà nước Hồi giáo sẽ bị đánh bại.”
Người dân đã ồ ạt kéo ra khỏi Fallujah trong những ngày qua khi giao tranh diễn ra. Nhiều người tản cư đang trong tình trạng màn trời chiếu đất trong lúc các trại tị nạn đã chật kín người.
Trong nhiều tuần lễ qua, các giới chức tình báo Mỹ đã mô tả nhóm Nhà nước Hồi giáo “đang ở vào thời điểm yếu nhất kể từ khi nhóm này nhanh chóng mở rộng.”
Tổng thống Barack Obama trong một cuộc họp báo mới đây nói rằng nhóm này “đang bị áp lực nhiều hơn bao giờ hết” và Nhà nước Hồi giáo đã mất các thủ lãnh chính yếu.
Trước đó trong tuần, Tổng thống Obama nói: “Cho đến giờ, chúng ta đã triệt hạ hơn 120 thủ lãnh và chỉ huy cấp cao của ISIL. Nhà nước Hồi giáo tiếp tục mất thế đứng ở Iraq. Nhà nước Hồi giáo nay đã mất gần phân nửa lãnh thổ có cư dân mà họ từng kiểm soát ở Iraq.”
Nhưng các nhà phân tích nói rằng mặc dù Nhà nước Hồi giáo thua “đáng kể,” nhóm này vẫn tồn tại.
Ông Patrick Martin, một nhà phân tích về Iraq tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, nói: “Bộ máy tuyên truyền của ISIS có thể sẽ tìm cách tiếp tục tuyển mộ tân binh và xúi giục tấn công đơn lẽ bất chấp thất bại tại Fallujah.”
Thành phố Fallujah nằm cách Baghdad 50 kilômét về hướng tây.

35 người chết trong tai nạn xe buýt ở TC
Truyền thông nhà nước TC loan tin rằng 35 hành khách trên một chiếc xe buýt đã thiệt mạng hôm Chủ nhật khi chiếc xe đâm vào một rào chắn an toàn trên xa lộ và bốc cháy.
Tân Hoa Xã nói rằng 20 người bị thương trong tai nạn xảy ra tại tỉnh Hồ Nam ở miền trung TC.
Cảnh sát tạm giam viên tài xế xe buýt.
Bản tin của Tân Hoa Xã nói hình như dầu chảy ra khi chiếc xe gây ra tai nạn đã làm lửa bốc cháy.
Tai nạn giao thông thường xảy ra ở TC.
Các nguyên nhân thường thấy là do tài xế mệt, xe cộ được bảo quản kém và những cản trở trên đường sá.

Tây Ban Nha mở tổng tuyển cử lần hai
Cử tri Tây Ban Nha hôm nay đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử lập lại lần thứ hai trong lúc nước này tìm cách giải quyết thế chính trị bế tắt trong tình trạng không có chính phủ kể từ tháng 12 khi các cuộc bầu cử quốc hội cho kết quả là không có đảng nào giành đủ tỉ lệ ủng hộ để thành lập chính phủ riêng.
Các nhà lãnh đạo chính trị nỗ lực thành lập một chính phủ liên minh nhưng không thành kể từ tháng 12, và việc tìm ra một ứng cử viên xứng đáng để làm thủ tướng cũng thất bại.
Các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy cuộc bầu cử hôm nay cũng sẽ giống như cuộc bầu cử trước.
Tuy nhiên một số nhà quan sát nói rằng các nhà lập pháp giờ đây có thể sẵn sàng nhượng bộ hơn với nhau.
Hống tháng trước, Quốc vương Felipe đã giải tán quốc hội sau khi thời hạn chót để quốc hội đương nhiệm thành lập chính phủ trôi qua.
Đây là lần đầu tiên Tây Ban Nha phải bỏ phiếu lại lần thứ hai cho một cuộc bầu cử kể từ khi nước này chuyển sang thể chế dân chủ năm 1975.

TransCanada kiện Mỹ hủy dự án đường ống dẫn dầu Keystone
Tập đoàn năng lượng khổng lồ TransCanada kiện Hoa Kỳ về việc hủy dự án đường ống dẫn dầu gây nhiều tranh cãi Keystone XL.
TransCanada đòi bồi thường 15 tỉ đôla cho các phí tổn và những thiệt hại.
Hồi tháng Giêng, công ty năng lượng này đã loan báo ý định kiện Mỹ, nhưng nói rằng họ muốn tạo cơ hội cho trọng tài phân xử trước. Công ty này nói họ đã không đạt được thỏa thuận “giải quyết êm thắm” với Mỹ.
TransCanada khởi kiện căn cứ vào Hiệp định Tự do Thương Mại Bắc Mỹ có mục tiêu bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài.
Dự án Keystone XL nhắm mục tiêu vận chuyển dầu thô từ các mỏ cát dầu ở miền tây Canada đến các nhà máy lọc dầu ven Vịnh Mexico của Mỹ.
Tổng thống Barack Obama đã quyết định ngưng dự án này hồi năm ngoái.
Ông Obama nói rằng một dự án khổng lồ liên quan đến nhiên liệu hóa thạch không nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ, trong lúc ông đang dẫn đầu nỗ lực chống tình trạng trái đất ấm dần lên.
Các nhà bảo vệ môi trường nói rằng dầu thô khai thác từ cát dầu cực kỳ bẩn và nếu xảy ra một vụ tràn dầu từ đường ống dẫn của dự án này thì sẽ là một thảm họa.

23 người thiệt mạng vì trận lụt nghiêm trọng ở tiểu bang West Virginia
Thống đốc tiểu bang West Virginia tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 44 quận sau khi trận lụt dữ dội nhất trong vòng 100 năm ở tiểu bang này giết chết 23 người.
Ông Earl Ray Tomblin hôm qua cho biết thiệt hại rất lớn và giới hữu trách đang dồn mọi nỗ lực cho công tác tìm kiếm và cứu hộ.
Những trận mưa lớn hôm thứ 5 đã làm nhiều con sông ở miền tây nam và miền trung tiểu bang này vỡ bờ và tràn vào đường sá của những thành phố gần đó.
Hàng vạn người bị mất điện và hàng trăm người mắc kẹt trong nhà. Khoảng 500 người bị mắc kẹt tại một thương xá khi chiếc cầu duy nhất để ra vào khu này bị nước cuốn trôi.
Nhiều cư dân khác bị kẹt trên nóc nhà.
Các chuyên gia khí tượng nói rằng trận lụt xảy ra vì có nhiều cơn mưa giông trút nước mưa xuống một khu vực tương đối nhỏ.
Những cơn giông này cũng đã tạo ra những cơn lốc xoáy tại nhiều tiểu bang vùng Trung tây.

Hơn 2 triệu người Anh ‘đòi’ trưng cầu dân ý lần hai
Hơn 2 triệu người đã ký vào một bản kiến nghị, kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần hai về Liên hiệp châu Âu, sau kết quả bỏ phiếu gây rúng động thế giới.
Kiến nghị này thu hút được nhiều chữ kết hơn bất kỳ bản kêu gọi nào khác trên website của Quốc hội Anh, và như thế, đã vượt qua con số 100 nghìn chữ ký để cơ quan lập pháp này phải cân nhắc tiến hành thảo luận.
Anh bỏ phiếu rút khỏi EU với tỷ lệ ủng hộ và chống tương ứng là 52% và 48% trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức hôm 23/6.
Kiến nghị trên kêu gọi chính phủ thực thi một điều khoản, theo đó nói rằng, nếu bất kỳ bên nào [bỏ phiếu rời hoặc ở lại EU] giành được ít hơn 60% phiếu bầu với tổng tỷ lệ người đi bầu dưới 75% thì cần tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác.
Theo kết quả hôm thứ Năm, tỷ lệ người đi bầu là 72%, và phe ủng hộ việc rời EU giành được số phiếu là 52% so với 48% của phe hậu thuẫn ở lại.
Một phát ngôn viên của Hạ viện Anh nói rằng bản kiến nghị được lập hôm 24/5, và khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, mới chỉ có 22 chữ ký trên đó.
Trang web kiến nghị trên mạng của Hạ viện Anh đã gặp sự cố hôm 24/6 vì có quá nhiều người truy cập vào trang này.
Thủ tướng Anh mới từ chức, David Cameroon, từng tuyên bố sẽ không có một cuộc trưng cầu dân ý lần hai.
Tỉnh giấc sau cơn say
Một số người ở Anh so sánh tình hình nước họ sáng nay với một người thức dậy sau một cơn say, một ngày sau khi việc Anh quyết định rời Liên hiệp Âu châu làm bùng ra điều mà một số nhà phân tích gọi là một cơn động đất tài chánh và chính trị.
Vì các cuộc thăm dò ý kiến trước cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ 5 cho thấy phe “ở lại” dẫn đầu, cho nên kết quả hôm thứ 6 làm cho nhiều người cảm thấy bất ngờ, kể cả những người bỏ phiếu tán thành việc rời khỏi liên hiệp gồm 28 nước.
Một số cơ quan truyền thông đã dùng một từ mới là “Regrexit” (hay hối tiếc) dựa trên từ cũ Brexit để nói tới việc Anh Quốc quyết định rời EU. Báo chí trích lời những người bỏ phiếu thuận nói rằng giờ đây họ hối hận về quyết định của mình sau khi nhìn thấy những tác động ngay tức thời.
Trong vòng 24 giờ đồng hồ sau khi kết quả được loan báo, các thị trường sụt giá mạnh, tỉ giá đồng bảng Anh giảm tới mức thấp nhất trong vòng 30 năm, thứ hạng tín dụng của nước này bị đánh thấp tới mức âm, và những mối đe dọa mới về sự giải thể của chính nước Anh đã xuất hiện.
Tại Scotland, Đệ nhất Thủ tướng Nicola Sturgeon triệu tập một phiên họp nội các để bàn về phản ứng của chính phủ bà đối với cuộc bỏ phiếu rời EU. Trước đây bà nói rằng Scotland bị buộc phải ở ngoài EU trong khi đa số cử tri Scotland chọn giải pháp ở lại là một việc “không thể chấp nhận được”. Bà nói thêm rằng một cuộc trưng cầu dân ý mới về vấn đề độc lập đang được xem xét.
Sau cuộc họp hôm nay, bà Sturgeon cho báo chí biết rằng các giới chức Scotland sẽ họp với các giới chức EU để thảo luận về những sự lựa chọn “để bảo vệ chỗ đứng của Scotland trong EU.”
Quyết định rời EU cũng khơi dậy tinh thần đòi ly khai ở Bắc Ireland, phần duy nhất của nước Anh có ranh giới trên bộ với Liên hiệp Âu châu.
Lãnh tụ Sinn Fein, ông Martin McGuiness, đã lập lại yêu cầu của ông đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để Bắc Ireland tách khỏi Anh Quốc và tái thống nhất với Cộng hoà Ireland, một nước thành viên của Liên hiệp Âu châu.
Theo Time, BBC, VOA

Khủng bố sát hại 15 người tại khách sạn ở Somalia
Cảnh sát Somalia cho biết, vụ vây hãm một khách sạn ở thủ đô Mogadishu do những kẻ khủng bố thực hiện đã kết thúc, làm ít nhất 15 người chết.
Nhóm chủ chiến al-Shabab tuyên bố nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công vào khách sạn mà tổ chức này nói là nơi “các thành viên bội giáo của chính phủ” hay lui tới.
Cảnh sát cho biết những kẻ khủng bố đã kích nổ bom xe bên ngoài khách sạn Naso-Hablod chiều 25/6 trước khi các tay súng tràn vào tòa nhà, rồi nổ súng bừa bãi và bắt các con tin.
Cảnh sát sau đó đã tràn vào khách sạn, và đọ súng với các phần tử chủ chiến rồi buộc chúng phải cố thủ trên tầng trên cùng.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói Hoa Kỳ “mạnh mẽ lên án vụ tấn công, đồng thời gửi lời chia buồn tới các nạn nhân, gia đình họ và người dân Somalia”.
Tổ chức al-Shabab có liên hệ với al-Qaida đã giết hại hàng nghìn người kể từ khi mở chiến dịch khủng bố 10 năm trước nhằm biến Somalia thành một quốc gia Hồi giáo hà khắc.

Các nhà lãnh đạo EU muốn Anh ra khỏi liên hiệp ‘càng sớm càng tốt’
Các nhà lãnh đạo của 6 nước sáng lập Liên hiệp Âu châu sáng nay tụ tập ở Berlin để dự một phiên họp bất thường nhằm thảo luận tương lai của Liên hiệp Âu châu, và kêu gọi nước Anh rời khỏi khối này càng sớm càng tốt.
Sau khi cử tri Anh bỏ phiếu hôm qua để rời EU, các vị bộ trưởng của Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg nói trong một thông cáo là họ trông đợi chính phủ Anh “cung cấp sự rõ ràng và mang lại hiệu lực cho quyết định này càng sớm càng tốt.”
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố “Chúng tôi cùng nhau nói rằng tiến trình này phải bắt đầu càng sớm càng tốt, ngõ hầu chúng tôi khỏi phải trải qua một thời kỳ bế tắc kéo dài mà thay vào đó chúng tôi có thể tập trung vào tương lai của Âu châu và những công việc hướng tới tương lai này.”
Ông Steinmeier nhấn mạnh cuộc họp này còn bàn tới nhiều vấn đề khác nữa, trong đó vụ khủng hoảng người tị nạn, vấn đề thất nghiệp và an ninh của Liên hiệp Âu châu.
Ông cũng kêu gọi các nước còn lại trong Liên hiệp Âu châu tuân thủ điều ông gọi là “tinh thần của những nước sáng lập” là tránh xung đột sau Thế chiến Thứ hai.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Postdam, bên ngoài Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói cuộc thương thuyết với Anh không nên có hình thức của một sự răn đe đối với những nước khác. Bà nói thêm rằng London không cần phải gấp rút khởi động tiến trình rời Liên hiệp Âu châu.
Lên tiếng tại Điện Elysee ở Paris hôm nay, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói ông cảm thấy tiếc về quyết định của dân Anh nhưng phải chấp nhận quyết định này vì “đó là dân chủ.” Ông nói thêm rằng Anh nên rời EU một cách có trật tự.

Kết quả Brexit là ‘khó đảo ngược’
Có rất ít khả năng đảo ngược kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày thứ Năm lịch sử (23/6) và việc nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), theo các ý kiến quan sát và bình luận hôm Chủ Nhật.
Trong khi đó, đã đang diễn ra một cuộc vận động lấy chữ ký lên tới trên ba triệu người kiến nghị Quốc hội Anh mở một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về tư cách thành viên của Anh ở EU, theo báo Anh.
Một số tờ báo của Anh dịp cuối tuần này đặt dấu hỏi về khả năng ‘đảo ngược’ quyết định của nước Anh hôm thứ Năm và về tính ‘ bắt buộc pháp lý‘ của kết quả trưng cầu dân ý vốn cho thấy 52% người Anh chọn chia tay EU, trong khi 48% muốn nước này ở lại.
Quý có thể vị bấm vào đây để theo dõi Bàn tròn Đặc biệt của BBC Việt ngữ tuần này về nước Anh quyết định ra khỏi EU, ý nghĩa và hệ lụy.
Hôm Chủ nhật, Biên tập viên châu Á – Thái Bình Dương của BBC, Michael Bristow trích dẫn ý kiến của giới quan sát từ Anh cho rằng việc nước Anh rời khỏi EU, sau trưng cầu dân ý hôm 23/6/2016, là việc ‘khó đảo ngược’.
Khả năng này là rất khó vì theo thẩm quyền Hiến định của Thủ tướng Anh, ông ấy phải tôn trọng quyết định của người dân trong kết quả trưng cầu ý dân vừa rồiTiến sỹ Hà Hoàng Hợp
Ông Bristow cũng dẫn ý kiến giới phân tích cho rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý không có tính chất ‘bắt buộc pháp lý’ mà chỉ có ‘ý nghĩa tham vấn’ cho chính quyền.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đã có những tác động mạnh mẽ tới chính trường Anh và lan rộng ra châu Âu và phần còn lại của thế giới ở nhiều khía cạnh và góc độ.
Hôm 26/6, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế từ Singapore, nói với BBC:
“Tôi thấy rằng có rất ít khả năng để đảo ngược, nhưng cũng có những điều kiện để đảo ngược, ví dụ tỷ lệ vừa rồi số người dân Anh quốc đi bỏ phiếu mà thấp, đấy là một điều kiện để nước Anh có thể đảo ngược lại.
“Tức là có thể tổ chức trưng cầu ý dân một lần nữa và nếu có một lần nữa, thì cũng có khả năng người dân lại bỏ phiếu ở lại, đấy là một khả năng pháp lý.
“Khả năng thứ hai là chính phủ Anh và Quốc hội Anh có một động tác rất mạnh mẽ trong cuộc họp ngày 27/6 ở Hội đồng châu Âu, với tất cả các nhà lãnh đạo của Liên minh Châu Âu, để đặt lại vấn đề này.
“Nhưng khả năng này là rất khó vì theo thẩm quyền Hiến định của Thủ tướng Anh, ông ấy phải tôn trọng quyết định của người dân trong kết quả trưng cầu ý dân vừa rồi.
“Cho nên rất khó có khả năng là ông ấy thay mặt nội các của Anh quốc, cùng với Nghị viện Anh quốc có một đề nghị khác đối với Liên hiệp châu Âu,” nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nói với BBC từ Hà Nội.
Hơn ba triệu chữ ký
Hôm thứ Bảy, hơn 2,5 triệu người đã ký một kiến nghị kêu gọi mở một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai ở nước Anh về EU, theo một thống kê sơ bộ mà BBC nhận được vào thời điểm cuối ngày.
Kiến nghị này, mà nay đã lên tới trên ba triệu chữ ký, được cho là có nhiều chữ ký hơn bất cứ một kiến nghị nào khác trên trang mạng của Quốc hội Anh và về nguyên tắc khi con số chữ ký vượt quá 100.000, Quốc hội Anh sẽ cân nhắc thảo luận về nó.
Các cử tri Anh đã bỏ phiếu trưng cầu đi hay ở lại EU với tỷ lệ sát sao 52% muốn tảch ra, so với 28% muốn ở lại vào hôm 23/6, nhưng đa số cử tri ở London, Scotland và Bắc Ireland đã hậu thuẫn khuynh hướng ‘ở lại’ qua lá phiếu.
Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron đã phát biểu rằng sẽ không có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai và ông từng cảnh báo nước Anh là kết quả dù thế nào cũng sẽ ‘không thể đảo ngược’.
Hôm thứ Sáu, ông đã tuyên bố ý định từ chức Thủ tướng và rời chiếc ghế lãnh đạo nội các Anh vào tháng Mười tới đây, sau khi có kết quả.
Kết quả nếu có, có thể cũng không khác với hôm thứ Năm, nhưng điều đáng nói là tác động của cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 là rất mạnh mẽMichael Bristow, BBC
Một nữ phát ngôn nhân của Hạ viện Anh hôm thứ Bảy nói bản kiến nghị đề nghị mở trưng cầu dân ý lần thứ hai về nước Anh với tư cách thành viên châu Âu đã được tạo ra từ ngày 24 tháng Năm.
Vào thời điểm kết quả trưng cầu dân ý được công bố hôm thứ Năm, nó mới chỉ có vỏn vẹn 22 chữ ký.
Bà cũng xác nhận đã có lúc số lượng truy cập ký kiến nghị trên mạng lên ‘cực kỳ cao’ và kết quả tới nay là cao hơn bất cứ một kiến nghị nào được ký trên trang mạng của Quốc hội Anh kể từ trước.
Hôm Chủ Nhật, từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận về khả năng ‘có cuộc trưng cầu’ thứ hai và liên hệ nếu có, với kết quả cuộc trưng cầu lần thứ nhất, ông nói:
“Đây không phải là hủy bỏ kết quả của lần thứ nhất, ví dụ là sẽ có lần thứ hai, quy chế này không phải là quy chế để hủy bỏ kết quả của lần thứ nhất.
“Mà ở trong bộ luật quy định về trưng cầu ý dân của Anh quốc, có một điều khoản là với tỷ lệ ví dụ dưới 65% dân số hay cử tri đi bỏ phiếu, thì có thể đề xuất, đề nghị một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai, bởi vì số người đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu ý dân lần vừa rồi (23/6) không mang tính đại diện cao,” nhà nghiên cứu chính trị quốc tế nói với BBC.
Tuy nhiên, biên tập viên của BBC Michael Bristow trích dẫn một nguồn quan sát từ Anh cho rằng nếu có một cuộc trưng cầu ngay vào thời điểm hiện nay, thì kết quả vẫn có thể không khác đi nhiều.
“Kết quả nếu có, có thể cũng không khác mẫy với hôm thứ Năm, nhưng điều đáng nói là tác động của cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 là rất mạnh mẽ”, ông chia sẻ một nguồn phân tích và quan sát chính trị từ Anh quốc.
Còn nhà nghiên cứu từ Hà Nội trao đổi thêm với BBC cũng trong ngày Chủ nhật:
“Dù không đảo ngược được, trong UK, Northern Ireland và Scotland có thể ở lại EU. Ngoài ra, nếu Britain làm giống như Norway – công nhận các quy chế kinh tế của EU sau khi chia tay, thì cuộc chia ly này chắc hẳn sẽ đỡ buồn và tiếc,” TS. Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm.
Phản ứng, động thái
Sau khi kết quả trưng cầu ngày thứ Năm lịch sử được công bố, chính trường và công luận nước Anh đã có những chuyển động và các sắc thái trái ngược nhau.
Sau khi ông David Cameron tuyên bố ý định từ chức, Ủy viên của Anh tại Cộng đồng châu Âu, chuyên trách về tài chính, một đồng minh thân cận của Thủ tướng Anh, ông Jonathan Hill cũng đã tuyên bố rời bỏ chức vụ ở Brussels.
Trong khi đó, ông Boris Johnson, cựu thị trưởng London, dân biểu đảng Bảo thủ đứng đầu phong trào Brexit tuyên bố ngày thứ Năm là một ngày lịch sử, ông ghi nhận đóng góp của Thủ tướng và đề nghị người dân Anh bình tĩnh, không vội vàng.
Chủ tịch đảng cực hữu Ukip, người vận động mạnh mẽ cho việc rời khỏi EU tuyên bố ngày thứ Năm là ‘ngày Độc lập’ đem lại thắng lợi cho những người đã bỏ phiếu cho Brexit, ông nói nước Anh đã ‘lấy lại được đất nước của mình’.
Hôm Chủ nhật, một nửa thành viên nội các đối lập thuộc đảng Lao động đã tuyên bố từ chức.
Một thành viên nắm ghế Ngoại trưởng của nội các này, ông Hilary Benn đã bày tỏ bất đồng và bất tín nhiệm với Chủ tịch đảng Lao động, Jeremy Corbyn, và sau đó đã bị lãnh đạo đảng ‘sa thải’.
Scotland sẽ tôn trọng ý kiến của người dân muốn ở lại EU trong cuộc trưng cầu vừa quaThủ hiến Scotland, Nicola Sturgeon
Trong lúc đó, Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon khẳng định Scotland tôn trọng ý kiến của người dân và cử tri về ‘ở lại’ EU, cùng lúc Sinn Fein, phong trào chính trị đòi độc lập ở Ireland kêu gọi thống nhất Bắc Ireland, một bộ phận lãnh thổ của Liên hợp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, và Cộng hòa Ireland thành một khối.
Nhiều báo Anh cuối tuần trong lúc đưa tin về ‘cảm giác hân hoan’ của nhiều người bỏ phiếu thuận cho Brexit, cũng đã đưa tin rất nhiều người ‘hối tiếc’ đã bỏ lá phiếu ‘rời EU’ hôm thứ Năm.
Một số tờ báo và truyền thông của Anh đăng các thống kê cho hay nhiều người dân sau khi đã bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi EU mới vào tra cứu trên mạng để tìm hiểu những thông tin cơ bản về tổ chức này, nhiều câu hỏi được họ tìm kiếm có tỷ lệ thống kê cao là: “EU là gì?, Tư cách thành viên EU là thế nào, Có lợi gì khi ở trong EU”, hay “Điều gì xảy ra nếu nước Anh rời khỏi EU”.
Một số tờ báo Anh hôm cuối tuần cũng cho hay có một xu thế (trend) gia tăng về tra cứu trên mạng về các chủ đề ‘Kết quả trưng cầu dân ý về Brexit có bắt buộc pháp lý hay không?’ hay ‘Kết quả trưng cầu dân ý Brexit có thể đảo ngược hay không?’ v.v…
Trong lúc đó, từ Brussels, nhiều lãnh đạo EU tuyên bố lấy làm tiếc về kết quả cuộc trưng cầu dân ý của nước Anh, nhưng yêu cầu nước này ‘khẩn trương đàm phán’ để ra khỏi EU càng sớm càng tốt.
Theo kế hoạch, thứ Tư tuần tới, 27 nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên EU sẽ nhóm họp tại trụ sở khối này để bàn về quyết định của nước Anh và ứng phó.
Trong khi đó, đồng Bảng Anh được quan sát thấy đang rớt giá khá mạnh và thị trường chứng khoán quốc tế ở nhiều trung tâm tài chính quốc tế ‘chao đảo’ với nhiều chỉ số cho thấy sự mất điểm đáng quan ngại.
Một trong các ngân hàng lớn tại trung tâm tài chính của nước Anh ở London, HSBC đã công bố họ sẽ di chuyển nhân viên từ London sang Paris.
Quý vị có thể theo dõi thêm Bàn tròn Đặc biệt của BBC Việt ngữ tuần này về kết quả trưng cầu dân ý của nước Anh về EU tại đây.

Đảng đối lập Anh chia rẽ hậu Brexit
Bộ trưởng Ngoại giao đảng đối lập, Hilary Benn bị sa thải giữa những tin đồn ông khuyến khích các bộ trưởng từ chức nếu ông Jeremy Corbyn không chấp nhận một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Lãnh đạo đảng Lao động đang đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm về chiến dịch “mờ nhạt” trước cuộc trưng cầu dân ý Brexit.
Một phát ngôn viên đảng Lao động cho biết ông Corbyn đã “mất niềm tin” vào ông Benn.
Người phụ trách tài chính của đảng Lao động, ông John McDonnell, cho biết ông Corbyn “mệt mỏi” trong chiến dịch trưng cầu dân ý.
Nguồn tin từ đảng Lao động cũng nói với BBC rằng một lượng đáng kể bộ trưởng đảng đối lập có khả năng từ chức nếu ông Corbyn phớt lờ kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
Các nghị sĩ đảng Lao động Margaret Hodge và Ann Coffey đệ trình một kiến nghị bất tín nhiệm chống lại ông Corbyn – người ủng hộ chiến dịch vận động ở lại.
Tuy bản kiến nghị không có hiệu lực nhưng kêu gọi tiến hành cuộc thảo luận tại cuộc họp Nghị viện đảng Lao động hôm thứ Hai 27/6.
Chủ tịch John Cryer sẽ quyết định có nên tranh luận hay không. Nếu được chấp thuận, cuộc bỏ phiếu kín của các nghị sĩ đảng Lao động có thể được tổ chức ngày thứ Ba 28/6.
Các nghị sĩ Lao động chỉ trích động thái sa thải ông Benn của ông Corbyn.
Wes Streeting, nghị sĩ Lao động, cho biết: “Rất nhiều người tốt chọn phục vụ trong nội các đối lập để thực hiện cam kết của họ. Bây giờ thì không còn lý do tốt đẹp cho người tốt để ở lại”.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Văn hóa đảng Lao động Ben Bradshaw thúc giục nội các đối lập hành động nhanh chóng để “cứu” đảng này.
Ông cho biết: “Nội các đảng Lao động bây giờ phải hành động để cứu đảng và vì lợi ích của quốc gia. Nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ được tha thứ”.

Scotland đi hay ở lại với Anh?
Kết quả trưng cầu dân ý ở Liên hiệp Vương quốc Anh muốn bỏ EU đặt ra câu hỏi về Scotland, xứ đã có cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập khỏi không thành hai năm trước.
Khi đó, 62/38% cử tri Scotland ủng hộ ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh.
Trong lần trưng cầu dân ý này, toàn bộ 32 hạt bầu cử tại Scotland đều có số phiếu quá bán ủng hộ ở lại EU, khác hẳn với các phần thuộc xứ Anh (England).
Vậy khả năng Scotland lại mở trưng cầu dân ý lần hai để đòi độc lập ra sao?
Nick Eardley, BBC News:
Kết quả chọn Ra đi đặt câu hỏi về tương lai của Scotland. Tất cả mọi khu vực ở xứ này đều bỏ phiếu ở lại, tuy tỷ lệ Ra đi cao hơn so với dự kiến trước đó.
Bộ trưởng Thứ nhất và là lãnh đạo đảng SNP (Đảng Quốc gia Scotland) bà Nicola Sturgeon nói mọi khả năng nay đều được đặt lên bàn để cân nhắc khi cần tính đến việc bảo vệ quan hệ của Scotland với châu Âu, và vị trí của Scotland trong khối thị trường chung.
Sáng nay (24/6), một trong các bộ trưởng của bà dự đoán là Scotland sẽ có phản ứng mạnh mẽ.
Liên hiệp Anh và Scotland
Luật nghị viện England và Scotland lần đầu 1603 không thành
Luật về liên hiệp Anh và Scotland 1707 có hiệu lực
Luật 1863 sửa quy chế hai xứ Anh (England) và Scotland
Trưng cầu dân ý 2014 không đem lại độc lập cho Scotland
Những người vận động Ra đi không tin là bà Sturgeon có thẩm quyền để kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý nữa đòi độc lập cho Scotland.
Nhiều người trong đảng SNP của bà không tin chắc là họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu đó.
Tuy nhiên, hãy chờ xem vấn đề sẽ được nêu ra trong mấy hôm tới ra sao.
JK Rowling, nhà văn, tác giả Harry Potter:
“Brexit sẽ đẩy nhanh Scotland tới nền độc lập. Cameron để lại di sản là thủ tướng phá vỡ Liên hiệp Anh.”
Trang Scotsman bình luận rằng nữ nhà văn nổi tiếng thế giới (người Anh) “sống ở Scotland đa số thời gian trong đời từng là nhân vật vận động mạ̣nh mẽ chống lại việc Scotland đòi độc lập trong kỳ trưng cầu dân ý hai năm trước”.
Hiện bình luận của bà Rowling trên mạng Twiter rằng trưng cầu dân ý ở Anh vừa qua thúc đẩy nền độc lập cho Scotland đang được bình luận rộng rãi.
Bà JK Rowling cho rằng cả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua “là không cần thiết”.
Martin Kettle, báo The Guardian:
Về thủ tục, bà Nicola Sturgeon không có quyền kêu gọi mở cuộc trưng cầu dân ý lần hai về độc lập cho Scotland. Chỉ có Quốc hội Liên hiệp Anh có quyền đó. Quốc hội có đồng ý không? Nếu bà Sturgeon cứ thúc đẩy yêu cầu này, nhân danh sự ‘bất công’ thì các toà án vẫn có thể ngăn bà lại và cấm dùng ngân quỹ cho công việc đó. Công chức ở Scotland có thể bị cấm làm việc cho cuộc trưng cầu dân ý đó.
Tin mới nhất:
Bà Nicola Sturgeon vừa nói trên truyền hình từ Edinburgh “Scotland kiên quyết ở lại Liên hiệp châu Âu”.
Lãnh đạo SNP: “cuộc trưng cầu dân ý thứ hai vì độc lập cho Scotland là một khả năng rất cao”.

Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á chấp thuận khoản vay đầu tiên
Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á do TC đứng đầu đã chuẩn thuận những khoản cho vay đầu tiên trong hội nghị thường niên, cũng là lần đầu tiên của ngân hàng này.
Các khoản cho vay này trị giá 509 triệu đô la Mỹ bao gồm một nhà máy điện ở Bangladesh, dự án cải thiện các khu ổ chuột tại Indonesia, và xây dựng đường sá tại Pakistan và Tajikistan.
Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á do TC khởi xướng bao gồm 57 thành viên. Mặc dù không được sự đồng tình của Mỹ nhưng lại thu hút được sự tham gia của các đồng minh thân cận của Washington là Anh, Pháp, Úc, và Hàn Quốc.
Lên tiếng bình luận về những chao đảo của thị trường thế giới sau khi nước Anh quyết định rời bỏ cộng đồng châu Âu, chủ tịch ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á là ông Kim Lập Quân nói rằng biến cố ở châu Âu không ảnh hưởng đến sự phát triển của ngân hàng phát triển hạ tầng Á châu, và ông hy vọng rằng nước Anh sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng như là thành viên của ngân hàng này.
Còn Lâu Kế Vỹ, Bộ trưởng tài chính của Bắc Kinh thì nói rằng nếu so sánh với các định chế tài chính do phương Tây đứng đầu như Ngân hàng phát triển châu Á, Ngân hàng thế giới, thì ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á có lợi thế trong việc giúp đỡ các quốc gia đang phát triển vì hiểu rõ nhu cầu của các quốc gia này.
TC là quốc gia có tiếng nói lớn nhất ở Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á với 26% cổ phần, kế tiếp là Ấn Độ với 7,5%, và nước Nga 5,9%. Việt Nam cũng là thành viên của Ngân hàng này từ khi mới bắt đầu hoạt động từ tháng giêng năm nay.

Nga ký thỏa thuận cung cấp một lượng lớn dầu mỏ cho TC
Nga và TC dat được một thỏa thuận về năng lượng, theo đó Nga sẽ cung cấp một lượng lớn dầu mỏ cho Bắc Kinh.
Thỏa thuận được đưa ra trong chuyến viếng thăm TC cua Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo thỏa thuận nêu trên công ty dầu khí lớn nhất của Nga là Rosneft sẽ bán cho TC 40% sản lượng từ một tổ hợp hóa dầu miền Đông nước Nga, và như vậy Rosneft sẽ có một nguồn tài chính dồi dào để tiến hành kinh doanh tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Còn TC sẽ đảm bảo cho mình một nguồn cung cấp dầu mỏ ổng định cho nền kinh tế được xem là đứng hàng thứ hai trên thế giới.
Bên cạnh thỏa thuận về năng lượng, Tập Cận Bình của TC và Putin của Nga cũng bàn luận nhiều vấn đề thế giới.
Trên website của chính phủ Nga, người ta thấy nói rằng hai nhà lãnh đạo kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng nhau tôn trọng luật pháp quốc tế, cố gắng duy trì lực lượng quân sự đủ để bảo đảm an ninh quốc gia chứ không mở rộng các liên minh quân sự.
Website của chính phủ Nga cũng chỉ trích việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu và Đông Á. Tuy không nêu danh một quốc gia nào nhưng người ta hiểu rằng lời chỉ trích này nhắm vào khối NATO đang xây dựng các cơ sở phòng thủ ở Đông Âu, và Hoa Kỳ với các hệ thống phòng thủ nhằm bảo vệ hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hai lãnh đạo Nga và TC cung có nói đến tình hình Bắc Hàn và cho rằng việc duy trì dối thoại sáu bên là cách tốt nhất để giải trừ vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Sáu bên đó là Nga, Mỹ, Nhật, TC và hai miền Triều Tiên.

Đảo lộn xung quanh việc Anh rời khỏi liên minh châu Âu
Nghị viện châu Âu, ông Martin Schulz nói với một tờ báo Đức rằng nước Anh nên rời khỏi Cộng đồng châu Âu vào lúc diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này, tức là ngày thứ ba tới đây.
Bốn nhóm nghị viên lớn của Nghị việc châu Âu cũng soạn thảo một nghị quyết với nội dung tương tự lời kêu gọi của ông Schulz, và nói thêm rằng việc nước Anh rời khỏi EU ngay lập tức sẽ góp phần tránh được những bất định của tương lai châu Âu, cũng như tính toàn vẹn của khối quốc gia này.
Vào ngày hôm qua, 25 tháng 6, các Bộ trưởng ngoại giao của sáu quốc gia sáng lập EU cũng đã ra lời tuyên bố tại Berlin rằng nước Anh nên rời khỏi Cộng đồng châu Âu càng sớm càng tốt, trong khi trước đó, ngay sau khi có kết quả của việc trưng cầu dân ý, các nhà lãnh đạo Anh Quốc đưa ra một lộ trình dài hai năm để quốc gia này rời khỏi cộng đồng châu Âu.
Trong khi đó thì vào ngày mai, thứ hai, 27 tháng sáu, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ đến Brussels, thủ đô của cộng đồng châu Âu, rồi sau đó là Luân Đôn, thủ đô nước Anh để nói chuyện với các đồng minh thân cận của Mỹ về những hậu quả của việc nước Anh rời bỏ cộng đồng châu Âu.
Tại Brussels ông Kerry sẽ hội đàm với người chịu trách nhiệm về chính sách ngoại giao của EU hiện nay là bà Federica Mogherini, còn tại Luân Đôn ông sẽ có cuộc nói chuyện với Bộ trưởng ngoại giao Anh là ông Philip Hammond.
Chuyến thăm Brussels và Luân Đôn của người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ nằm trong cố gắng của Washington để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang làm chao đảo phương Tây và Thế giới sau cuộc trưng cầu dân ý tại Liên hiệp Anh vào hôm thứ Năm vừa rồi.
Vào ngày 23 tháng sáu vừa qua cử tri của Vương quốc Liên Hiệp Anh đã bỏ phiếu mong muốn quốc gia này rời khỏi cộng đồng châu Âu với tỉ lệ là 52%.
Ngay sau đó Thủ tướng Anh David Cameron đã đọc tuyên bố từ chức. Ông vốn là người ủng hộ chuyện nước Anh ở lại trong cộng đồng châu Âu.

Malaysia, Indonesia muốn Philippines mạnh tay hơn với Abu Sayyaf
Hôm nay, 26/06/2016, tờ The Star của Malaysia cho biết, Malaysia và Indonesia đang cùng nhau có những bước tiến cụ thể về vấn đề an ninh ở vùng biển Sulu. Cùng với đó, hai nước này thúc giục Philippines có những giải pháp mạnh tay hữu hiệu hơn với nhóm Hồi giáo Abu Sayyaf chuyên bắt cóc tống tiền.
Theo Ngoại trưởng Malaysia, ông cùng người đồng nhiệm Indonesia muốn gặp ngoại trưởng sắp tới của Philippines khi người này chính thức nhậm chức.
Vào cuối ngày hôm qua, ngoại trưởng Malaysia trong một cuộc họp báo cho biết, việc gặp mặt có thể ở Jakarta, Malaysia hay Manila vì vấn đề trở nên cấp bách. Ngoại trưởng Indonesia đã điện đàm với ngoại trưởng Malaysia về việc bảy thuyền viên người Indonesia bị bắt cóc ở vùng biển quốc tế, trên biển Sulu hôm 24/06. Cũng theo ngoại trưởng Malaysia, quân đội Philippines chưa có được kết quả như ý trong việc chống lại lực lượng Abu Sayyaf. Vấn đề đặt ra là sẽ cùng phối hợp như thế nào giữa các nước.
Cả Malaysia và Indonesia quan ngại về các vụ bắt cóc tống tiền của nhóm Abu Sayyaf ngày càng thường xuyên hơn, và nhắm vào các tàu thương mại. Điều này gây ra sợ hãi cho cả những du khách đến vùng biển du lịch Sabah của Malaysia.
Hôm nay tổng thống mới đắc cử của Philippines Duterter gây bất ngờ khi tuyên bố sẽ đối thoại với nhóm Hồi giáo vũ trang chuyên bắt cóc tống tiền và chặt đầu con tin Abu Sayaff. Ông Durterte tuyên bố « Abu Sayaff không phải là kẻ thù của tôi. Tôi biết tổ chức này có liên quan đến vấn đề đảo Mindanao », nơi có phong trào Hồi giáo nổi loạn chống chính quyền trung ương.
Ông Duterte không cho biết chính xác ông sẽ đối thoại như thế nào với một tổ chức bị các nước phương Tây coi là khủng bố. Tuy nhiên ông cho biết sẽ đặt câu hỏi với Abu Sayaff là muốn thương lượng hay là tiếp tục chiến tranh. Trong cuộc họp báo, bên cạnh ông Duterte là một người phụ nữ từng là con tin của Abu Sayaff nhưng được trả tự do sau khi nhờ sự can thiệp của tổng thống đắc cử Duterte.

Tây Ban Nha bầu lại Quốc Hội sau sáu tháng bế tắc
Cử tri Tây Ban Nha phải đi bầu lại Quốc Hội trong ngày Chủ nhật 26/06/2016, ngay sau khi cơn bão Brexit tại Anh, để quyết định phe nào lên cầm quyền sau sáu tháng khủng hoảng vì hai đảng tả hữu truyền thống không thành lập được liên minh.
Theo AFP, cho đến trưa nay, số cử tri đi bầu có vẻ thưa vắng hơn lần trước. Vào tháng 12/2015, cử tri Tây Ban Nha đã bầu Quốc Hội mới và trừng phạt hai đảng chính trị truyền thống. Chính phủ cánh hữu bình dân của thủ tướng Mariano Rajoy tuy về nhất với gần 29% nhưng mất đa số ở Quốc Hội. Trong khi đó, đảng Xã hội bị thất bại nặng nề, đứng hạng nhì. Kẻ chiến thắng là tổ chức cực tả Podemos và đảng Ciudadanos theo xu hướng thị trường tự do, mới xuất hiện trên chính trường, giành nhiều ghế của hai đảng truyền thống.
Vấn đề là liên tục nhiều tuần lễ sau đó, không phe nào chấp nhận liên minh với phe nào để điều hành cường quốc kinh tế thứ tư của vùng đồng tiền chung Euro. Bầu lại Quốc hội là giải pháp cuối cùng theo quy định của Hiến pháp.
Từ sáu tháng nay, chính phủ thủ tướng Rajoy chỉ xử lý thường vụ.
Theo các kết quả thăm dò ý kiến thì đảng cánh hữu bảo thủ vẫn còn được đông đảo dân chúng ủng hộ. Theo AFP, câu hỏi đặt ra là liệu cử tri Tây Ban Nha hăng hái đi bầu khi mùa nghỉ hè đã tới ? Nếu tỉ số vắng mặt càng cao thì cánh hữu có nhiều hy vọng thắng vì ở Tây Ban Nha, cử tri phe tả có tiếng lười đi bầu.

Nga: Snowden lên án một luật theo dõi toàn bộ dân chúng
Hôm qua 25/06/2016, cựu nhân viên tình báo của Mỹ Edward Snowden, người đang tị nạn ở Nga, lên án dự luật chống khủng bố được các dân biểu Nga thông qua vì đó là một dạng « Big Brother », theo dõi toàn bộ dân chúng. Ông yêu cầu không được ban hành dự luật này.
Dự luật mới quy định các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và Internet lưu trữ các tin nhắn, cuộc gọi và dữ liệu người dùng trong sáu tháng, và cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Thêm vào đó, dự Luật quy định hình phạt tù áp dụng cho tội « bao che tội phạm »,giảm tuổi chịu án xuống còn 14 và có thể lên đến bảy năm tù nếu có « bằng chứng công khai liên quan của khủng bố », gồm cả trên Internet.
Viết trên Twitter, người đã trốn khỏi Hoa Kỳ vì tiết lộ việc theo dõi quá mức của cơ quan tình báo Mỹ, cho biết Luật mới của Nga là một dạng “Big Brother”, vi phạm quyền tự do, không thể áp dụng, không thể biện minh, và không nên ban hành. Cũng theo Snowden, theo dõi dân chúng sẽ không đem lại lợi ích gì. Luật này nếu được ban hành sẽ ảnh hưởng đến ngân sách và tự do của mỗi người dân Nga mà an ninh cũng không được cải thiện.
Viện Duma (tức Hạ Viện) Nga đã thông qua dự luật hôm thứ Sáu, và chờ Thượng Viện Nga thông qua vào tháng Chín. Dự luật này không chỉ bị các nhà hoạt động dân chủ phản đối mà cả ngành công nghệ cao vì sẽ phát sinh nhiều chi phí.

Ấn Độ bị chấn động vì Brexit
Không phải chỉ có Châu Âu bị chấn động, quyết định « ly hôn » của Anh Quốc đã lan đến tận thuộc địa cũ Ấn Độ. New Delhi lo ngại bị nhiều hệ quả nặng nề do Luân Đôn là đầu cầu thương mại kinh tế của Ấn Độ trong thị trường châu Âu.
Từ New Delhi, thông tín viên Antoine Guinard phân tích :
“Cũng như đa số các nước trên thế giới, ngày 24/06, Ấn Độ bị choáng váng khi hay tin phe Brexit chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm trước. Nhiều trị giá niêm yết trên thị trường chứng khóan Ấn Độ bị sụt giảm. Về cụ thể, sự kiện Anh Quốc ra đi có thể gây ra nhiều tác động tai hại cho Ấn Độ. 
Trước hết, đồng bảng Anh mất giá sẽ làm cho nhiều nhà đầu tư Ấn Độ thiệt hại theo. Hiện nay, Ấn Độ đứng hàng thứ hai tính theo nguồn vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Anh Quốc, nơi có đến 800 công ty Ấn hoạt động. Phần lớn các xí nghiệp này như tập đoàn xe hơi Tata, kiểm soát nhóm Jaguar-Lanrover, muốn xâm nhập vào thị trường chung châu Âu, nay đã thông báo phải xem xét lại « chiến lược » sau Brexit. Lợi nhuận do công nghiệp điện toán Ấn Độ trên thị trường châu Âu mang lại cũng có thể giảm đi trong ngắn hạn.
Thật ra Brexit không chỉ mang lại hệ quả xấu. Nhiều chuyên gia Ấn cho rằng một khi không còn bị luật lệ của Bruxelles cản trở, Anh Quốc sẽ dễ mở cửa cho công ty Ấn. NewDelhi cũng có thể hy vọng thương lượng với Luân Đôn một thỏa thuận trao đổi thương mại song phương có lợi cho xuất khẩu của Ấn”.

Bắc Kinh và Matxcơva biểu dương hữu nghị
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được lãnh đạo TC Tập Cận Bình tiếp đón theo lễ nghi quân cách tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân ngày thứ Bảy 25/06/2016. Tính từ năm 2013 khi họ Tập lên cầm quyền, đây là chuyến công du TC lần thứ tư của chủ nhân điện Kremlin. Hai bên đã ký một loạt 50 hợp đồng hợp tác song phương. Một mối lợi bất ngờ cho tổng thống Nga trong bối cảnh suy yếu vì cấm vận quốc tế.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmith tường thuật:
« Tôi chắc chắn rằng hai nước chúng ta có thể thành công hơn trong mọi lãnh vực – thương mại, đầu tư, nông nghiệp, năng lượng, và tất nhiên sáng tạo là ưu tiên hàng đầu ». Ông Vladimir Putin đã nói với ông Tập Cận Bình như thế, và đồng nhiệm Trung Quốc trịnh trọng đáp lời : « Hai nước chúng ta phải xúc tiến ý tưởng là bạn bè với nhau vĩnh viễn».
Những người bạn đang cần lẫn nhau: cấm vận của phương Tây đã cô lập Matxcơva trên trường quốc tế. Tổng thống Putin vì vậy phải tìm kiếm các nhà đầu tư và các khách hàng mua khí đốt, dầu khí, vũ khí của Nga. Về phía TC có thể trông cậy vào đồng minh Nga, nhằm ủng hộ tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Nhưng sự hồ hởi ban đầu khi hai nước ký kết một hợp đồng thế kỷ trị giá 360 tỉ euro năm 2014, để xây dựng đường ống dẫn dầu mang tên « Sức mạnh Xibêri », đã nhường chỗ cho nỗi thất vọng. Bởi vì trao đổi thương mại giữa TC và Nga từ 90 tỉ euro năm 2014 đã sụt xuống chỉ còn 54 tỉ euro trong năm ngoái, do đồng rúp và giá dầu sụt giảm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?