Tin trong nước – 29/06/2016

Tin trong nước – 29/06/2016
Việt Nam ‘lấn cấn’ trong việc công bố thông tin vụ cá chết
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn của Việt Nam, Văn phòng Chính phủ sẽ họp báo hôm 30/6 để công bố thông tin về nạn cá chết vừa qua ở miền trung. Công chúng cho rằng đã hơn hai tháng kể từ khi nạn cá chết bắt đầu, việc nhà nước chần chừ trong việc công bố cho thấy có vấn đề về sự minh bạch và trách nhiệm.
Nạn cá chết xảy ra từ đầu tháng Tư, bắt đầu ở Hà Tĩnh rồi xuất hiện liên tiếp ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nằm ở phía nam của Hà Tĩnh.
Nhiều người nghi ngờ rằng một khu phức hợp công nghiệp thuộc tập đoàn Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh là thủ phạm, vì khu này sử dụng nhiều hóa chất tẩy rửa và hệ thống xả nước thải của nó không tuân theo các quy định của Việt Nam.
“Người dân cũng thấy rằng chính phủ đang có những cái mắc mớ rất lớn…Vì nguyên nhân có thể liên quan đến nhà máy Formosa…Nếu liên quan tới đó, thì do những sai sót từ hồi trước. Chính phủ đã cấp phép dễ dàng, không kiểm tra chuyện xử lý nước thải, và họ có một phần trách nhiệm lớn trong chuyện xả thải này.
Cựu ký giả Huỳnh Ngọc Chênh nói.
Hồi đầu tháng này, ngày 2/6, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nói đã xác định được nguyên nhân cá chết nhưng chưa công bố vì cần điều tra thêm để có “đầy đủ chứng cứ vi phạm pháp luật” nhằm xác định thủ phạm. Gần cuối tháng, một Phó Tổng cục trưởng của Bộ Công an nói có thể có họp báo vào ngày 29/6 để cung cấp thông tin về nạn cá chết.
Việc nhà chức trách trì hoãn công bố thông tin và dời ngày họp báo càng làm tăng thêm sự nghi ngại của công chúng về tính minh bạch. Cựu ký giả và hiện là một nhà hoạt động vì dân chủ Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét với VOA:
“Người dân cũng thấy rằng chính phủ đang có những cái mắc mớ rất lớn. […] Vì cái nguyên nhân có thể liên quan đến cái nhà máy Formosa. […] Nếu liên quan tới đó, thì do những sai sót từ hồi trước. Chính phủ đã cấp phép dễ dàng, không kiểm tra chuyện xử lý nước thải, và họ có một phần trách nhiệm lớn trong chuyện xả thải này”.
Xét đến tính đáng tin cậy của các cơ quan nhà nước Việt Nam, ông Chênh cho rằng không thể chắc chắn nhà chức trách sẽ công bố cụ thể nguyên nhân gì hay ai là thủ phạm gây ra nạn cá chết hay không. Ông nói thêm điều đáng quan tâm lúc này là hướng khắc phục như thế nào.
“Quan trọng là hướng khắc phục chứ không phải chỉ có chỉ ra nguyên nhân. Mà có nguyên nhân cho rõ ràng thì mới nói tới cái chuyện khắc phục được”.
Một thạc sỹ kỹ thuật môi trường, ông Đào Nhật Đình, nói với VOA ông không kỳ vọng cuộc họp báo ngày 30/6 sẽ công bố thủ phạm. Với kinh nghiệm 17 năm kinh nghiệm trong ngành môi trường và 10 năm trong công nghệ hóa, ông Đình nhận định:
“Phần lớn những cái mẫu lấy được như lần họp lần trước đã không chứng minh được cái gì cả, […] và sau đó vẫn tiếp tục lấy mẫu và có lẽ cũng không chứng minh được gì do đó mới kéo dài như vậy. Cái thứ hai, là hóa chất cụ thể gì thì cho đến nay vẫn là bí mật. Tôi chỉ đoán là người ta có thể lấy một trong những hóa chất tẩy rửa để người ta kết tội thôi”.
Tôi kỳ vọng nhất là chính phủ có nói là như vậy thì biển đã sạch chưa, bởi vì kết quả phân tích từ hôm 26/4 đến giờ cứ đều mỗi ngày lấy một lần thì như vậy biển đã sạch. Nhưng mà tại sao không ai dám công bố?
Thạc sỹ kỹ thuật môi trường, Đào Nhật Đình, nhận xét.
Ông Đình cho rằng cá ở các tỉnh chết ở các vùng nước nông sâu khác nhau vì vậy nhiều khả năng là do các độc tố khác nhau gây ra. Về phương pháp tìm nguyên nhân, ông góp ý:
“Quan điểm của riêng tôi thì nên tách cái vụ đó ra thành những vụ riêng biệt thì có lẽ sẽ dễ giải thích hơn”.
Mặc dù nhiều người quan tâm đến nguyên nhân gây cá chết, song ông Đình chỉ ra rằng lúc này chính phủ cũng cần phải cho biết biển miền trung Việt Nam đã sạch hay chưa.
“Tôi kỳ vọng nhất là chính phủ có nói là như vậy thì biển đã sạch chưa, bởi vì kết quả phân tích từ hôm 26/4 đến giờ cứ đều mỗi ngày lấy một lần thì như vậy biển đã sạch. Nhưng mà tại sao không ai dám công bố?”
Do lo ngại các vùng biển còn bị ô nhiễm, sinh kế của người dân ven biển sống nhờ vào đánh bắt hải sản và du lịch đã chịu tác động tiêu cực trong mấy tháng qua. Điều này có một phần liên quan đến việc chính quyền chần chừ công bố thông tin.

Ông Hun Sen: ASEAN chớ can thiệp vào Biển Đông
Hôm 28/6, tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cảnh báo những người đồng cấp của ông trong khối ASEAN chớ can thiệp vào các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Lời phát biểu của ông được đưa ra tại một buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, và trước khi một tòa quốc tế có thể ra phán quyết vào tuần sau về vụ khiếu nại của Philippines đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Campuchia không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông song những năm gần đây đã trở nên thân thiết hơn với Trung Quốc rất nhiều. Trong khi đó, Việt Nam là nước có tranh chấp gay gắt nhất với Trung Quốc. Philippines cũng có những tranh chấp lớn với Trung Quốc.
Philippines đã khiếu nại với tòa trọng tài ở La Haye vào năm 2013 sau khi các tàu hải quân của Trung Quốc tiến vào bãi cạn Scarborough có tranh chấp rồi không rời đi. Dự kiến phán quyết của tòa sẽ được đưa ra hôm 7/7. Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết.
Ông Hun Sen đã phát biểu về vấn đề Biển Đông vào hôm 28/6 như sau: “Đảng CPP không ủng hộ – đúng hơn là chống lại – bất cứ tuyên bố nào của ASEAN ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực liên quan đến tranh chấp Biển Đông.
Các nỗ lực của một số nước ngoài khu vực nhăm huy động lực lượng chống lại Trung Quốc sẽ đem lại những tác động tiêu cực đến ASEAN và hòa bình trong khu vực”.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 tuần thủ tướng Campuchia và đảng CPP cầm quyền của ông nêu ra vân đề Biển Đông.
Campuchia gần đây đối mặt với những chỉ trích nặng nề vì thân Trung Quốc. Một số nước ASEAN đã chỉ trích nước này sau khi Campuchia phối hợp với một số nước khác rút lại các tuyên bố của ASEAN phê phán Trung Quốc về những hành động của họ trên biển sau một hội nghị giữa ASEAN và Trung Quốc mới đây cũng như tại một hội nghị của ASEAN ở Phnom Penh hồi năm 2012.
Theo Jakartaglobe, Cambodiadaily.com

Thủ tướng VN chỉ thị Sài Gòn phải là ‘hòn ngọc chiếu sáng’, dân nói gì?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Sài Gòn phải ‘phát huy được vai trò đầu tàu, là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường’. Phát biểu trên được người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM hôm 27/6. Người dân nói gì về việc này? Khánh An tìm hiểu thêm chi tiết.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã so sánh Sài Gòn với Bangkok của Thái Lan. Ông Phúc nói thành phố đứng đầu Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của nó. Báo chí Việt Nam trích lời ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “So với Bangkok, một thủ đô với diện tích nhỏ hơn, dân số tương đương, nhưng lại có GDP gấp 3 lần TP.HCM”.
Để xứng đáng là thành phố “đầu tàu” của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thành phố phải có tầm nhìn xa, quyết tâm chính trị rõ ràng hơn để có thể trở thành “hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông, chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường”.
Nhận xét về ý tưởng và phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, anh Bùi Mạnh Tiến, một kỹ sư làm việc tại TP.HCM, cho VOA biết:
“Nếu thủ tướng nói như vậy thì em nghĩ có lẽ cũng có thể, vì bây giờ Việt Nam đang gia nhập TPP, hợp tác với Mỹ. Bây giờ chuyển hướng sang hợp tác với Mỹ nên em nghĩ là chắc được. Sài Gòn bây giờ đô thị, địa ốc phát triển nhiều lắm, giới nhà giàu cũng nhiều nữa”.
Tuy nhiên, anh Tiến cho rằng để biến Sài Gòn hiện tại thành “hòn ngọc” trên thực tế phải mất rất nhiều thời gian, có thể tới 20, 30 năm vì phải giải quyết quá nhiều vấn đề.
“Nói chung là về sự chênh lệch, thu nhập. Sài Gòn cũng là mảnh đất mà người dân ở các tỉnh tập họp về nên thành phần hơi đa dạng, đủ loại thành phần. Nếu muốn cải thiện đều lên hết thì cũng phải mất thời gian”.
Trong khi đó, cô Diên An, một người làm nghề tự do ở TP.HCM, thẳng thắn nói:
“Thấy mới tin, còn nghe thì hổng tin đâu!”
Giải thích cho sự “mất lòng tin” của mình đối với các lãnh đạo Việt Nam, Diên An cho biết:
“Gần đây xảy ra quá nhiều chuyện, vừa rồi là cái vụ Formosa đó, cá chết quá trời còn chưa xong nữa mà nói gì hòn ngọc chiếu sáng gì. Mình không tin gì hết á”.
Cả Mạnh Tiến và Diên An đều cho rằng ý thức của người dân Việt Nam còn kém và để cải thiện điều này, cần phải có sự thay đổi gốc rễ từ rất nhiều lĩnh vực như giáo dục, môi trường…
“Nói chung Việt Nam mình còn thiếu nhiều lắm, nhưng yếu tố đầu tiên mình quan tâm là vấn đề môi trường và ý thức của người dân”.
“Em không biết là sẽ thay đổi như thế nào. Người dân bây giờ đi ra nước ngoài, ý thức của người ta chưa được bằng các nước châu Âu hay các nước phát triển khác. Cái đó nếu muốn phát triển thì phải đẩy mạnh giáo dục và làm nhiều thứ khác. Bây giờ Việt Nam vẫn còn tụt hậu nhiều”.
Với cái nhìn của một kinh tế gia và nhà báo độc lập, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng hiện đang sinh sống tại TP.HCM, cho rằng việc biến Sài Gòn thành ‘hòn ngọc Viễn Đông’ hiện nay là một ‘ý tưởng ảo’.
“Một hòn ngọc thì phải đúng nghĩa là hòn ngọc saphire, nghĩa là về mặt kinh tế phải bảo đảm đời sống cho người dân. Đứng so sánh GDP (bình quân thu nhập đầu người) trước năm 1975 và hiện nay, mà bây giời phải nhìn vào tỉ lệ nghèo hóa của người dân. Ở Sài Gòn hiện nay còn rất nhiều người nghèo, rất nhiều người lang thang ăn xin. Tất cả những gì mà Sài Gòn thể hiện ra hiện nay là một bộ mặt hoàn toàn không đáp ứng được giống như Đà Nẵng: không có tình trạng ăn xin, cướp giật hay gái điếm, mà Sài Gòn tràn ngập những cái đó. Cho nên tôi nghĩ việc đưa Sài Gòn trở về ‘hòn ngọc viễn Đông’ trước đây là một ý tưởng rất ảo”.
Theo nhà nghiên cứu kinh tế của Việt Nam, những việc cần làm trước mắt đối với thành phố đứng đầu cả nước là phải giảm số lượng hộ nghèo, giảm tình trạng cướp giật mà ông gọi là ‘kinh khủng’ hiện nay, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nạn kẹt xe… và khoan hãy bàn đến những ý tưởng mà ông cho là ‘chẳng bao giờ thực hiện được’.
Đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng biến Sài Gòn trở lại thành ‘hòn ngọc Viễn Đông’ được đưa ra bàn thảo. Trước đó vào cuối năm ngoái, Bí thư Thành ủy mới nhậm chức Đinh La Thăng cũng đã đưa ra ý tưởng này khiến báo chí và dư luận Việt Nam được dịp bàn luận xôn xao cùng với những ý tưởng hiến kế được đưa ra. Tuy nhiên cũng như nhiều phát biểu được cho là thẳng thắn, có tính ‘cải cách’, ‘đột phá’, ông Đinh La Thăng cho tới nay vẫn chưa chứng tỏ được hiệu quả lời nói của mình.
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lặp lại nhưng nhấn mạnh thêm ý tưởng ‘không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường’, mà là ‘hòn ngọc chiếu sáng’, theo nhận xét của TS. Phạm Chí Dũng, không phải là dấu hiệu cho thấy có sự hợp lực giữa hai người đứng đầu Chính phủ và thành phố.
“Tôi không cho rằng có sự hợp lực giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Đinh La Thăng ở đây, mà đây là chuyện của ai người đó làm, gần như là mạnh ai người đó làm. Theo kinh nghiệm ở Việt Nam, những người nói ít thì làm được nhiều hơn, người nói nhiều thì làm được ít hơn. Từ lúc ông Thăng nhậm chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông nói quá nhiều. Nhưng cho tới giờ, hiệu quả đạt được của lời nói của ông thì không bao nhiêu, có thể nói là rất ít. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phúc nói ít hơn hẳn và ít xuất hiện hơn hẳn, thì về phía doanh nghiệp, họ có khen ông Phúc. Họ nói rằng đây là người làm việc thực chất, mặc dù trong tình cảnh ngổn ngang hiện nay còn quá nhiều việc phải làm, nhưng dù sao ông Phúc cũng có làm được một vài việc. Ít nhất là hiện nay ông ấy đang thúc đẩy giải quyết tình trạng giấy phép con, một trong những căn cơ về tham nhũng ở Việt Nam”.
Theo thống kê được Bí thư Đinh La Thăng đưa ra hôm 27/6, mức độ tăng trưởng của TP.HCM trong 6 tháng đầu năm nay đạt 7,47%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đưa ra là từ 8% – 8,5%. Cũng theo nhận xét của người đứng đầu thành phố, kinh tế TP.HCM đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Thủ tướng Việt Nam đã đề nghị TP.HCM xây dựng đề án thí điểm cơ chế đặc thù để trình Chính phủ thẩm định. Được biết, TP.HCM đã kiến nghị 7 nhóm vấn đề quan trọng liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền, tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính đặc thù, chủ động tự quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư…Bí thư Thành ủy thành phố cho biết những kiến nghị này căn cứ trên Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, cho phép thành phố thí điểm tất cả những vấn đề luật chưa có, chưa quy định.

Nửa đầu năm 5.500 doanh nghiệp phá sản
Tổng cục Thống kê cho hay trong sáu tháng đầu năm 2016, toàn quốc có 5.500 doanh nghiệp phá sản, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong nửa đầu năm, trên 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 15%.
Báo Dân Trí dẫn nguồn tổng cục này cho biết “tổng số doanh nghiệp phá sản, chờ phá sản trong sáu tháng đầu năm 2016 là 36.600, bình quân mỗi tháng có hơn 6.000 doanh nghiệp phá sản và chờ phá sản”.
Một chi tiết đáng chú ý là có hơn 5.100 doanh nghiệp chờ phá sản có quy mô vốn đăng ký mức 10 tỷ đồng.
Để so sánh, con số doanh nghiệp phá sản, chờ phá sản sáu tháng đầu năm 2015 là 31.700.
Tuy nhiên, con số doanh nghiệp mới đăng ký và thành lập trong nửa đầu năm nay là 54.500, tổng vốn 427.800 tỷ đồng, tăng 20% về số lượng và 51,5% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ tăng trưởng
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2015.
Mục tiêu Quốc hội Việt Nam đề ra cho cả năm là 6,7% và để đạt được chỉ tiêu này, các ngành trong nền kinh tế phải nỗ lực nhiều hơn.
Hãng tin AFP dẫn nguồn thông cáo của Tổng cục Thống kê đưa ra các nguyên nhân gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
“Thương mại và đầu tư chậm lại trên toàn cầu… các biến động khó lường tại các thị trường tài chính tiền tệ trên thế giới đã ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế của chúng ta.”
Các yếu tố khác là nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập niên nay trong khu vực, gây thiệt hại tới 681 triệu đôla cho Việt Nam.
Vụ cá chết ở miền Trung, mà hiện chưa rõ lý do, cũng được coi là một nguyên nhân.
Tổng cục Thống kê viết: “Nạn hạn hán và xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, cũng như vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung đã gây ảnh hưởng trầm trọng tới cuốc sống vàs ản xuất của người dân”.
Được biết chiều thứ Năm 30/6 cơ quan chức năng sẽ họp báo công bố chính thức nguyên nhân cá chết.

Nên công khai về hợp tác biển Việt-Trung
Nhà văn Phạm Viết ĐàoGửi cho BBC từ Hà Nội
Theo thông tin báo chí, sáng ngày 27/6/2016, Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết một số thỏa thuận trong đó có “biên bản ghi nhớ” về hợp tác an ninh biển.
Về phía Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn – Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Thiếu tướng Vương Hồng Quang – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Trung Quốc ký bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam và Cục Cảnh sát biển Trung Quốc.
Như truyền thông đã đưa, tình hình Biển Đông thời gian qua rất căng thẳng vì thường xảy ra những va chạm gây tổn thất về người và tài sản của ngư dân của các quốc gia giáp Biển Đông với lực lượng cảnh sát biển một số nước; sự xuất hiện gần đây của lực lượng hải quân một số nước cùng với những tuyên bố cứng rắn liên quan tới Biển Đông của một số chính khách có trách nhiệm của một số quốc gia trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga và EU…
Không rõ, biên bản ghi nhớ về hợp tác an ninh biển giữa hai lực lượng cảnh sát chức năng của Việt Nam và Trung Quốc bao gồm những nội dung cụ thể gì, có sự thỏa thuận ràng buộc nhau không và bản ghi nhớ này có góp phần làm dịu bớt tình hình căng thẳng trên Biển Đông hay không?Phạm Viết Đào
Với một số nước trong khu vực Biển Đông thì Philippines đã đưa vụ kiện Trung Quốc về chủ quyền lãnh hải ra tòa án quốc tế; Tổng thống Indonezia có mặt trên chiến hạm của nước này những ngày gần đây nhằm khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh hải.
Trong khi đó cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN tại Côn Minh, Trung Quốc đã không ra được tuyên bố chung về Biển Đông; Việt Nam lại liên tiếp bị hai vụ tai nạn máy bay trên Biển Đông hiện chưa công bố nguyên nhân.
Trong bối cảnh đó, dư luận hết sức chú ý tới chuyến thăm và các buổi hội đàm, hội kiến của ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc với các quan chức Việt Nam là các ông Nguyễn Phú Trọng- Tổng Bí thư Đảng, Trần Đại Quang- Chủ tịch nước, Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, bên cạnh các văn kiện được ký kết.
Không rõ, biên bản ghi nhớ về hợp tác an ninh biển giữa hai lực lượng cảnh sát chức năng của Việt Nam và Trung Quốc bao gồm những nội dung cụ thể gì, có sự thỏa thuận ràng buộc nhau không và bản ghi nhớ này có góp phần làm dịu bớt tình hình căng thẳng trên Biển Đông hay không?
Cần được bạch hóa
Có một điều quan trọng cần được bạch hóa, đó là biên bản ghi nhớ về hợp tác an ninh biển giữa hai lực lượng cảnh sát chức năng Việt Nam – Trung Quốc, điều được cho là có liên quan tới số phận của hàng ngàn ngư dân miền trung Việt Nam, mà hiện hàng ngày vẫn phải ra khơi bám biển vì cơm áo và họ thường xuyên bị đe dọa bởi cảnh sát biển Trung Quốc.
Như thông tin và tuyên bố của những người có trách nhiệm của hai phía Việt Nam và Trung Quốc, về Biển Đông, giữa hai nước đang tồn tại nhiều khác biệt, bất đồng.
Cắc chắn những thỏa thuận hợp tác giữa hai lực lượng cảnh sát biển Việt-Trung trong bản ghi nhớ vừa ký ngày 27/6/2016 không là những tài liệu tuyệt mật, không thể bạch hóa thông tin vì bản thân thỏa thuận này liên quan tới ngư dân Việt Nam, do vậy ngư dân Việt Nam cần được biếtPhạm Viết Đào
Do vậy, phía Việt Nam nên công khai những nội dung đã ký kết này trong biên bản ghi nhớ hợp tác an ninh biển với lực lương cảnh sát biển Trung Quốc; để thứ nhất ngư dân miền trung Việt Nam trong những ngày sắp tới yên tâm ra khơi đánh cá mà không lo bị những tai nạn thảm khốc trên biển do bởi sự hành hung, chặn húc của tàu hải cảnh Trung Quốc…
Thứ hai, những nội dung công khai trong biên bản ghi nhớ hợp tác an ninh biển Việt-Trung biết đâu giúp cho các nước khác vừa để chứng kiến, tham khảo làm khuôn mẫu, trọng tài cho các tranh chấp thường xảy ra với lực lượng hải cảnh Trung Quốc, tránh những xung đột, va chạm trên biển gây mất an ninh Biển Đông…
Vì chắc chắn những thỏa thuận hợp tác giữa hai lực lượng cảnh sát biển Việt-Trung trong bản ghi nhớ vừa ký ngày 27/6/2016 không là những tài liệu tuyệt mật, không thể bạch hóa thông tin vì bản thân thỏa thuận này liên quan tới ngư dân Việt Nam, do vậy ngư dân Việt Nam cần được biết, nhất là khi Quốc hội Việt Nam gần đây đã thông qua luật về Quyền tiếp cận thông tin của công dân, một bước đi được cho là tiệm tiến đảm bảo quyền tự do về thông tin của người dân.
Ngoài ra, thiết nghĩ sự công khai bạch hóa các thỏa thuận được ký kết cũng là cơ sở để xác nhận sự thiện chí, tầm, thế và trách nhiệm giải quyết tranh chấp của các bên liên quan, trong cuộc tham gia ký kết và với ngư dân của nước mình.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà văn, blogger và nhà quan sát thời sự Việt Nam đang sinh sống tại Hà Nội.

Những sai sót đã được báo trước
GS TS Luật Nguyễn Vân Namgửi cho BBC từ Sài Gòn
Nói chung, một bộ luật không được phép có sai sót. Vì ngoài những ý nghĩa và mục đích quan trọng mà nó theo đuổi, một bộ luật còn là sản phẩm thể hiện một cách cô đọng nhất trí tuệ của một dân tộc.
Bộ Luật Hình sự 2015 có tới 90 sai sót chắc chắn là điều không thể chấp nhận, nhưng không bất ngờ.
Bất ngờ là, lẽ ra, nếu có sai sót thì phải là ở các bộ luật khác, chứ không thể là chính bộ Luật Hình sự 2015. Cho đến trước 1975, ở miền Bắc, khi nói đến ra Tòa, nói đến luật pháp, người ta hầu như nghĩ ngay đến tội hình sự, luật hình sự. Có thể nói, Luật Hình sự cũng là một trong số rất ít bộ luật quen thuộc và được áp dụng thành thạo trong thực tế ở Việt Nam.
Ngày nay, bộ luật này vẫn ảnh hưởng rất quan trọng đến cách xây dựng các bộ luật; đến thủ tục tố tụng cho các bộ luật khác (Trong tố tụng dân sự chẳng hạn, đã có đơn khởi kiện mà nhất định vẫn phải làm tờ khai, v…v.) ; thậm chí đến cả thái độ của thẩm phán đối với luật sư, với nguyên đơn, bị đơn trong vụ kiện dân sự, hành chính, cũng bị ảnh hưởng nặng bởi thái độ của thẩm phán đối với bị cáo trong vụ hình sự.
Thêm vào đó, Luật Hình sự không phải là một bộ luật mang tính khái quát, trừu tượng cao và vì vậy đòi hỏi phải lý giải áp dụng, mà là một bộ luật có thể hiểu trực tiếp để áp dụng.
Liệu các luật khác có sai?
Nhưng, do Luật Hình sự phải dễ hiểu, không trừu tượng, nên ai cũng có thể dễ dàng phát hiện ra những sai sót của bộ luật này. Vì thế, câu hỏi quan trọng hơn sẽ là, liệu các sai sót của Luật Hình sự 2015 chỉ là đặc thù của Luật hình sự, hay cũng có thể là của các bộ luật khác?
Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, mới chỉ bắt đầu làm quen với việc xây dựng luật theo các chuẩn mực quốc tế vẫn còn khá mới mẻ.
Về cơ bản, những sai sót đang được phát hiện của Luật Hình sự 2015 nằm trong các nhóm các sơ sót thường thấy và dễ thấy nhất của một bộ luật là: a) Sử dụng ngôn ngữ chưa chuẩn xác; b) Chưa có sự thống nhất, nhất quán cả về hình thức lẫn nội dung, giữa các điều luật; và c) Chưa có sự liên kết chặt chẽ và chính xác với các bộ luật khác để là một bộ luật trong một hệ thống các bộ luật quốc gia thống nhất.
Tất nhiên, một bộ luật bất kỳ nào cũng còn phải được đánh giá theo những chuẩn mực khác cao hơn, quan trọng hơn (chẳng hạn, các qui định của nó có hiệu quả để đạt được mục đích mà các nhà làm luật kỳ vọng hay không?). Thêm vào đó, trong thời đại Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, một bộ luật quốc gia còn phải được đánh giá theo mức độ phù hợp với những chuẩn mực quốc tế mà nó bắt buộc phải tuân thủ.
Nhìn dưới một góc độ như vậy, có thể tìm thấy những sơ sót tương tự như sơ sót hiện nay của Luật Hình sự 2015 ở rất nhiều các bộ luật hiện hành khác, đặc biệt là ở các bộ luật cho các lĩnh vực mà Việt nam chưa có kinh nghiệm như: Luật Sở hữu Trí tuệ, Luật Cạnh tranh, Luật quảng cáo, Luật bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp, Luật Vệ sinh An toàn thực phẩm; Luật Bảo hiểm xã hội.
Chẳng hạn: Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, là thành viên Công ước Berne bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nhưng Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 hiện hành vẫn định nghĩa „ tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học…“, trong khi theo chuẩn mực của Công ước Berne thì „Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo tinh thần trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học…“
Có vẻ nghịch lý khi nói rằng, các sai sót đó là không thể tránh khỏi. Nhưng, quả đúng vậy. Người ta không thể giỏi chỉ sau một đêm. Không thể hy vọng một lập trình viên máy tính có thể nhanh chóng lập đúng, viết tốt một qui trình trồng lúa.
Xây dựng chuẩn mực
Về khách quan, Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, mới chỉ bắt đầu làm quen với việc xây dựng luật theo các chuẩn mực quốc tế vẫn còn khá mới mẻ với ta. Ngoài các chuẩn mực phổ cập quốc tế tối thiểu cho việc xây dựng và thực thi các bộ luật quốc gia, hiện nay cũng có không ít các quốc gia là mẫu mực cho việc xây dựng các bộ luật. Nhưng, do hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam vẫn còn thiếu các chuyên gia luật học đủ khả năng đánh giá đâu là mẫu mực tốt nhất có thể áp dụng cho Việt Nam.
Dù gặp hoàn cảnh khách quan khó khăn, ta vẫn có thể nhanh chóng vượt qua và trưởng thành nhanh hơn, nếu cương quyết tự thay đổi nhận thức và các thói quen cũ. Nguyên nhân gây ra những sai sót trong các bộ luật hiện nay, về cơ bản là do các nguyên nhân chủ quan, chẳng hạn như:
- Chưa thật sự thấy và coi trọng vai trò đặc biệt quan trọng của các bộ luật trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng một xã hội văn minh, ổn định và phát triển. Chính tư tưởng này dẫn đến những qui định qui trình và các biện pháp xây dựng luật không thích hợp và có khả năng dẫn đến sai sót, sơ suất rất cao.
- Quan niệm phải có Nghị định hướng dẫn thi hành luật – bên cạnh rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác – cũng góp phần khiến người soạn thảo luật, cũng như các đại biểu Quốc hội chủ quan, vì vẫn hy vọng Nghị định có thể sửa lại cho đúng một số sai sót của bộ luật đã được thông qua.
- Qui trình xây dựng luật của Việt Nam ngược với qui trình tại các nước phát triển, cũng là qui trình được WTO khuyến nghị thực hiện. Có thể do quan niệm Quốc hội là cơ quan lập pháp, làm luật, nên Quốc hội cũng là người làm (soạn thảo) các bộ luật. Vì vậy, Quốc hội giao nhiệm vụ cho các cơ quan nhà nước, chính phủ soạn thảo luật sau đó lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến nhân dân trước khi đại biểu quốc hội thảo luận và bỏ phiếu thông qua. Ngược lại, theo WTO, cơ quan lập pháp, chính phủ hay từng nghị sĩ quốc hội giao cho (ký hợp đồng) với các nhóm Giáo sư luật học giỏi nhất trong lĩnh vực luật mà họ quan tâm, để nhóm này soạn thảo luật.
Nhiệm vụ của Quốc hội là tạo điều kiện cho mỗi một đại biểu có điều kiện tốt nhất để tiếp cận thông tin cần thiết, có được các chuyên gia tư vấn giỏi trong từng lĩnh vực đang được Quốc hội thảo luận.
Với qui trình xây dựng luật hiện nay, người soạn thảo luật là cơ quan công quyền, ý kiến của các chuyên gia luật (nếu có) chỉ mang tính tham khảo. Các bộ, liên bộ được giao soạn thảo thường có xu hướng viết điều luật sao cho nó thuận tiện khi mình áp dụng và bảo vệ quyền lợi của mình.
Trường hợp do liên bộ soạn thảo thì điều này trước hết sẽ là sự thỏa hiệp quyền lợi giữa họ và trong không ít trường hợp, sự thỏa hiệp này đi trệch với mục đích ban đầu của cơ quan lập pháp. Cuối cùng, các điều luật không do một mà nhiều cơ quan công quyền khác nhau soạn thảo, cũng dẫn đến tình trạng một điều luật do bộ này đề xuất không kết hợp được một cách hữu cơ với các điều luật liên quan đến nó, nhưng do các bộ khác đề nghị. Đây cũng là một trong các nguyên nhân chính gây ra tình trạng mà chúng ta thường nói một cách rất lịch sự là: tính không đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Hạn chế sai sót
Ngăn ngừa hay hạn chế sai sót, sơ suất của một bộ luật là một quá trình dài và phải thay đổi hàng loạt điều kiện. Tuy nhiên, có thể bắt đầu ngay bằng cách loại bỏ các nguyên nhân chính gây ra tình trạng này:
- Qui trình xây dựng luật có thể như sau: (1) Việc soạn thảo luật nên giao cho các nhóm giáo sư luật học giỏi nhất thực hiện; (2) Quốc hội, Chính phủ hay các cơ quan nhà nước không phải là người chủ biên, mà sẽ là người kiểm tra, thẩm định một sản phẩm dịch vụ xem nó có đạt yêu cầu để tiếp nhận hay chưa mà thôi; (3) Sau khi được tiếp nhận, dự thảo luật sẽ được đưa ra thảo luận rộng rãi, kể cả lấy ý kiến người dân nếu cần thiết; (4) Dự thảo luật được đưa ra thảo luật tại Quốc hội, các ý kiến của đại biểu quốc hội được chuyển đến nhóm giáo sư viết dự thảo; (5) Nhóm giáo sư viết dự thảo viết báo cáo chi tiết về các ý kiến đóng góp cho dự thảo và nêu ý kiến kết luận của mình gửi quốc hội; (6) Báo cáo của nhóm giáo sư được gửi cho từng đại biểu quốc hội, họ có thể gửi ý kiến của mình đến nhóm giáo sư soạn thảo: (7) Nếu không còn đại biểu quốc hội nào có ý kiến thêm, Quốc hội sẽ cho thảo luận công khai và bỏ phiếu thông qua dự thảo luật.
- Từ bỏ quan niệm phải có Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành thì một bộ luật mới được áp dụng trong thực tiễn. Từ bỏ quan niệm Quốc hội làm luật cũng là soạn thảo luật. Thẩm quyền lập pháp của Quốc hội là ở chỗ làm cho một dự thảo luật trở thành bộ luật có hiệu lực bắt buộc phải thi hành, chứ không phải là viết dự thảo luật.
Cuối cùng, dù các vị đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự 2015 có tới ít nhất 90 sơ suất, thì họ cũng không đáng trách lắm đâu.
Đại biểu Quốc hội không nhất thiết phải là những chuyên gia luật học giỏi để có thể nắm vững và đánh giá đúng đắn từng dự thảo luật mà họ sẽ biểu quyết. Cũng không thể có một vị đại biểu nào nắm vững tất cả các vấn đề mà Quốc hội thảo luận. Nhưng, tất nhiên mỗi vị đại biểu phải có ý thức trách nhiệm với lá phiếu của mình tại Quốc hội. Muốn vậy, họ phải có nghĩa vụ tìm hiểu kỹ lưỡng về từng vấn đề mà mình phải quyết định.
Nhiệm vụ của Quốc hội là tạo điều kiện cho mỗi một đại biểu có điều kiện tốt nhất để tiếp cận thông tin cần thiết, có được các chuyên gia tư vấn giỏi trong từng lĩnh vực đang được Quốc hội thảo luận. Chỉ khi đã được tạo đủ điều kiện mà vị đại biểu Quốc hội nào vẫn không sử dụng, thì lúc đó họ mới đáng trách.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm của người viết, tiến sỹ luật hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam.

Bộ trưởng Thông tin kiêm ghế tuyên giáo
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam phân công Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông kiêm nhiệm ghế Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Quyết định phân công về nhân sự trung ương được Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh ký.
Ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, đã từng là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trong giai đoạn 2011-2014.
Ông được báo chí trong nước mô tả là người có nhiều kinh nghiệm về công tác tuyên giáo và thông tin và từng giữ chức Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (2007-2011).
Ông Tuấn cũng là trưởng phòng Tuyên truyền, báo chí – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình trong 10 năm (1988-1998).
Ông sinh năm 1960 tại Đồng Hới, Quảng Bình và được bầu vào Ban chấp hành TƯ Đảng tại Đại hội Đảng 12.
Vào đầu tháng Tư năm nay, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu tán thành phê chuẩn ông vào ghế Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, kế nhiệm ông Nguyễn Bắc Son.
‘Tập trung quyền lực’
Nói với BBC Tiếng Việt từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định đây là “một quyết định hi hữu”.
“Không có việc bốc thẳng một quan chức hành chính bên chính phủ đưa về kiêm nhiệm một chức vụ bên đảng cho nên đây là quyết định hết sức bất thường, rất hi hữu, thường chỉ xảy ra trong thời chiến thôi, thời bình không có,” ông Dũng nói.
Rút thẻ nhà báo của nhà báo Đỗ Hùng hay gần đây là nhà báo Mai Phan Lợi. Về mặt luật pháp rõ ràng không ổnNhà báo ẩn danh từ Tp HCM
Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập phân tích: “Ông Trương Minh Tuấn là về làm phó cho ông Võ Văn Thưởng. Có lẽ trong thời gian gần đây Đảng lo lắng về tình trạng tản quyến và phân quyền về một số địa phương các bộ ngành, và phát sinh tình trạng cát cứ quyền lực với một số bộ ngành và địa phương. Có thể nói là trong thời gian qua và sau Đại hội 12, thì nguy cơ về cát cứ được đặt lên cao không kém gì nguy cơ về tham nhũng trong Đảng”.
Ông Dũng nhận định động thái phân công kiêm nhiệm này là “”Đảng muốn tập quyền, và chọn một lãnh vực rất quan trọng là mặt trận tư tưởng, thông tin, quản ly hơn 800 tờ báo. Đây là một ý tưởng Đảng hóa chính phủ, để Đảng dễ quản lý hơn về con người, công việc.”
“Hệ quả là “một cổ hai tròng” cho ông Trương Minh Tuấn, vừa chạy đi chạy lại Bộ thông tin Truyền thông và Ban Tuyên Giáo. Ông sẽ nhận chỉ đạo từ cả hai cấp trên, một bên là Võ Văn Thưởng hay cao hơn là ông Đinh Thế Huynh và Nguyễn Phú Trọng, một cấp trên trực tiếp là ông Nguyễn Xuân Phúc.”
Tuy nhiên, ông Phạm Chí Dũng nhận định việc này “không ảnh hưởng gì” đến thông tin báo chí.
“Khi ông Tuấn làm thứ trưởng bộ thông tin truyền thông thì đã nổi tiếng là có bàn tay sắt rồi, nên nếu ông có kiêm thêm một chức vụ bên ban tuyên giáo Trung ương thì mức độ vẫn vậy thôi, không hơn và cũng không kém hơn,” ông Dũng cho biết.
Một nhà báo muốn ẩn danh từ Sài Gòn cũng nói với BBC đây là biểu hiện mà ông gọi là “tập trung quyền lực”.
Người này nói: “Tập trung quyền lực thì dễ giải quyết công việc hơn, nhưng mặt xấu là quyền lực thì có thể tha hóa, như chúng ta có thể thấy xếp hạng tự do báo chí ở Việt Nam”.
Nhà báo này cho biết: “Ta có thể thấy qua những việc làm của ông Trương Minh Tuấn như rút thẻ nhà báo của nhà báo Đỗ Hùng hay gần đây là nhà báo Mai Phan Lợi. Về mặt luật pháp rõ ràng không ổn, ông Tuấn đã căn cứ vào luật gì để thu thẻ các nhà báo này, như với nhà báo Đỗ Hùng thì là một nội dung trên Facebook, nhà báo Phan Lợi là vì từ “tan xác”.”
“Tôi thấy các hành xử quyền lực này còn cảm tính, và không hành xử dựa trên pháp luật, và dễ dẫn đến thể hiện quyền lực theo hướng tha hóa,” phóng viên này nhận định.
‘Phép thử’
Vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển miền trung đang được dư luận và truyền thông quan tâm nhiều và có thể là phép thử về tự do thông tin tại Việt Nam.
Truyền thông tại Việt Nam khá kín tiếng về vụ cá chết sau một giai đoạn đầu đưa tin khá rầm rộ.
Tuy nhiên vào tuần này báo chí trong nước đồng loạt chạy tin phóng sự củatruyền thông Đài Loan, theo đó tập trung vào cáo buộc đối với công ty Formosa.
Theo dự kiến nhà chức trách Việt Nam sẽ công bố kết quả điều tra về nguyên nhân gây cá chết vào cuối tháng Sáu.
Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Thông tin – truyền thông Trương Minh Tuấn, được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói tại cuộc họp báo của Chính phủ rằng chưa thể công bố nguyên nhân cá chết.
“Các cơ quan phải điều tra đầy đủ các bằng chứng pháp lý về môi trường xem các tổ chức, cá nhân có vi phạm không. Quan điểm của Chính phủ là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Cho nên, cần phải có thời gian kỹ lưỡng để có kết luận xác thực.
“Vụ cá chết là một sự cố môi trường nghiêm trọng. Dư luận quan tâm là hoàn toàn chính đáng. Chính phủ cầu thị lắng nghe ý kiến và có trách nhiệm minh bạch thông tin”, Bộ trưởng Tuấn nói thêm.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC hồi tháng Tư, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group) nói “bản chất của hệ thống Việt Nam vẫn nhấn mạnh vai trò quản lý của nhà nước, của bộ máy chính trị với báo chí”.
Đại Sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever mới đây bàn về quyền được tiệp cận thông tin, những thách thức và khó khăn trong khi tác nghiệp.
“Tiếp cận Thông tin và các Quyền Tự do Cơ bản: Quyền của bạn!” là chủ đề được ông Lever đề cấp tới vào Ngày Quốc tế về Tự do Báo chí.

Lao động VN ở Đài Loan ‘khó vì Điều 52’
Đại diện tổ chức tổ chức phi chính phủ nói với BBC về chuyện lao động Việt Nam tại Đài Loan nhiều khả năng được gỡ bỏ vướng mắc vì quy định ‘sau ba năm phải rời khỏi Đài Loan một ngày’.
Điều 52, Luật Dịch vụ Việc làm quy định “người lao động nước ngoài bị buộc phải rời khỏi Đài Loan một ngày sau khi hoàn tất hợp đồng ba năm làm việc”.
Lao động Việt Nam đến Đài Loan thường làm các ngành nghề điện tử, dệt may, xây dựng, giúp việc nhà, đánh cá… và phải trả phí môi giới từ 2.800 đến 6.800 đôla, tùy công việc.
Ủy ban Phúc lợi Xã hội và Vệ sinh môi trường của cơ quan lập pháp Đài Loan đang nỗ lực sửa đổi Điều 52, theo China Post, báo Đài Loan hôm 23/6.
Văn phòng của chúng tôi luôn tích cực giúp và bảo vệ những người lao động Việt Nam tại Đài Loan nhưng không ủng hộ, hoan nghênh các tổ chức phi chính phủ lợi dụng việc giúp người lao động để chống phá nhà nước Việt NamTrần Duy Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế – Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc
“Người lao động và các nhóm trợ giúp luật cho người lao động nước ngoài từ lâu đã xem Điều 52 như kẽ hở cho bên thứ ba bắt chẹt người lao động với những khoản phí tính thêm”.
“Bộ Lao động ước tính việc sửa đổi Điều 52 có thể giúp lao động nước ngoài tiết kiệm được 44 triệu đôla/năm do không phải đóng phí của công ty môi giới”, báo này viết.
“Dân biểu Lâm Thục Phương, nhà lập pháp Dân Tiến Đảng (DPP) nói rằng việc sửa đổi là một bước tiến tới việc chấm dứt tình trạng “nô lệ hiện đại” và bước tích cực cho quyền lao động của Đài Loan”.
China Post cũng cho hay, bà Lâm tiết lộ vì ủng hộ sửa đổi luật này mà bà bị đe dọa giết nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu.
‘Cái nhìn thù nghịch’
Hôm 29/6, trả lời BBC, ông Trần Duy Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế – Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, cho hay: “Việc Điều 52 sửa đổi hay hủy bỏ thế nào thì chưa rõ ràng đâu, vì phải trình Quốc hội họ thông qua”.
“Văn phòng của chúng tôi luôn tích cực giúp và bảo vệ những người lao động Việt Nam tại Đài Loan nhưng không ủng hộ, hoan nghênh các tổ chức phi chính phủ lợi dụng việc giúp người lao động để chống phá nhà nước Việt Nam”.
“Gần đây có một tổ chức phi chính phủ kêu gọi cộng đồng người Việt tại Đài Loan biểu tình phản đối công ty Formosa. Họ làm như thế là lôi kéo, lợi dụng người Việt chống phá. Đến bây giờ chính phủ Việt Nam vẫn chưa công bố nguyên nhân cá chết thì sao họ lại tổ chức như vậy?”.
Cũng vào hôm 29/6, trả lời BBC từ Đài Bắc, linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng, trưởng Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt ở Đài Loan, nói: “Xác suất hủy bỏ quy định ‘sau ba năm phải rời khỏi Đài Loan một ngày’ rất cao, vì hiện tại Dân Tiến Đảng đang cầm quyền. Tuy nhiên hiện chưa rõ thời điểm chính thức hủy bỏ”.
“Điều 52 khiến những người lao động Việt Nam tại Đài Loan thường phải chấp nhận chi trả số tiền rất lớn cho môi giới hoặc bỏ trốn. Hiện lao động người Việt tại Đài Loan trốn ra ngoài làm việc chỉ xếp sau người Indonesia”, ông cho biết thêm.
Tôi nhận thấy những lao động Việt Nam khi gặp rắc rối thì thay vì tìm cách giải quyết vấn đề, họ chọn cách bỏ trốn.Linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng
Một nữ lao động Việt Nam giấu tên làm tại một công ty điện tử tại Đào Viên cho BBC biết trước khi qua Đài Loan, bà đã trả cho công ty môi giới Việt Nam 6.700 đôla nhưng công ty môi giới yêu cầu viết thư cam kết chỉ nộp 4.300 đôla.
Sau khi hết hợp đồng ba năm, môi giới nói bà phải trả thêm 5.500 đôla làm thủ tục qua lại Đài Loan làm cho chủ cũ. Bà không đồng ý và cầu cứu chủ nhưng công ty này nói là đã giao cho môi giới nên không can thiệp. Vì không kiếm được số tiền này, bà quyết định bỏ trốn ra ngoài sau khi hết hợp đồng.
“Tôi nghĩ Văn phòng Kinh tế – Văn hóa Việt Nam ở Đài Bắc (VECO) có thể giúp nhiều những người lao động Việt Nam bị bóc lột tại Đài Loan. Tuy nhiên, họ cần thay đổi cái nhìn thù nghịch với các tổ chức phi chính phủ như chúng tôi”.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là giám sát và thách thức những chính sách bất công, hành vi quan liêu của quan chức các bộ ngành liên quan đến lao động trong chính phủ Đài Loan. Mục tiêu chính của chúng tôi là giảm thiểu và nếu có thể là chấm dứt bất công với lao động nước ngoài làm tại Đài Loan”, linh mục Hùng nói với BBC.

Việt Nam : Tăng trưởng chậm lại do khủng hoảng thế giới và hạn hán
Tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm nay 2016 đã bị chậm lại, chủ yếu do nạn hạn hán nghiêm trọng, khủng hoảng tài chính thế giới và nạn ô nhiễm khủng khiếp làm hàng loạt cá chết tại nhiều tỉnh miền Trung.
Theo con số thống kê chính thức được công bố hôm nay 29/06/2016, tổng sản phẩm nội địa chỉ tăng 5,52% so với tỉ lệ 6,32% trong cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tăng lên và làn sóng đầu tư nước ngoài đã giúp Việt Nam trong năm có được tỉ lệ tăng trưởng cao nhất từ 5 năm qua.
Nạn hạn hán tệ hại nhất từ nhiều thập kỷ qua gây ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng lúa và cà phê của cả nước, đã làm thiệt hại 613 triệu đô la, theo Tổng Cục Thống Kê.
Ngoài ra lãnh vực ngư nghiệp đã bị giáng một đòn nặng nề do tình trạng tôm cá chết bị hàng loạt do ô nhiễm ở miền Trung, mà nguyên nhân cho đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Các nhà đấu tranh bảo vệ môi trường tố cáo vai trò của tập đoàn Đài Loan Formosa, đang khai thác một nhà máy thép ở Hà Tĩnh, nơi xảy ra thảm họa sinh thái trên. Nhiều tuần lễ sau khi bắt đầu cuộc điều tra, chính quyền Việt Nam hứa ngày mai sẽ mở một cuộc họp báo để thông báo kết quả.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?