Tin trong nước – 24/06/2016

Posted on 24/06/2016

Tin trong nước – 24/06/2016
 Quân ủy TƯ thông báo về 2 máy bay gặp nạn
Thông báo mới nhất của thường vụ Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng về kết quả tìm kiếm cứu nạn máy bay Su30-MK2 số hiệu 8585 và CASA 212 số hiệu 8983 nêu rõ: 9 thành viên tổ bay CASA 212 đã cùng máy bay rơi xuống biển.
Bộ Quốc phòng: 9 quân nhân trên Casa 212 đã hy sinh
1) Đối với máy bay CASA 212 và tổ bay gồm 9 đồng chí:
- Đã xác định máy bay CASA 212 rơi tại vị trí cách đường phân định về phía Tây khoảng 2,7 hải lý, Nam Đông Nam đảo Bạch Long Vĩ khoảng 15 hải lý. Tại khu vực này, ở độ sâu 50 – 60m, đã trục vớt được các bộ phận chủ yếu của máy bay gồm thân, đuôi, cánh quạt, động cơ, các chi tiết kỹ thuật, khí tài, vật dụng cá nhân của các thành viên tổ bay.
- Tại vị trí máy bay gặp nạn, đã vớt được các thi thể rơi cùng máy bay. Qua giám định của cơ quan pháp y Quân đội, đây là những thi thể của thành viên tổ bay.
2) Đối với máy bay Su30-MK2 và các phi công: Đã xác định được máy bay Su30-MK2 rơi tại Đông Bắc Cửa Vạn, Nghệ An khoảng 25 hải lý. Tại khu vực này, đã thu được các mảnh vỡ của phần mũi máy bay Su30-MK2 số hiệu 8585; hiện đang tiếp tục tìm kiếm, trục vớt hộp đen và các bộ phận còn lại của máy bay.
- Đã tìm thấy thi thể phi công Đại tá Trần Quang Khải, đưa vào đất liền, tổ chức Lễ tang trang nghiêm; đồng thời làm tốt công tác chính sách hậu phương gia đình. Cứu được phi công Nguyễn Hữu Cường, hiện đang được chăm sóc, điều trị, sức khỏe hồi phục tốt.
3) Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng có kế hoạch tiếp tục trục vớt, cứu hộ và thực hiện công tác chính sách đối với các đồng chí đã hy sinh:
- Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tổ chức, tìm kiếm thi thể phi hành đoàn, trục vớt các bộ phận còn lại của máy bay Su30-MK2 và máy bay CASA 212; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng trục vớt, cứu hộ, nhất là trong điều kiện thời tiết tiếp tục diễn biến xấu.
- Cơ quan pháp y quân đội và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xác minh, làm rõ danh tính các thi thể đã tìm được, nguồn gốc các vật thể thu được tại hiện trường.
- Tổng cục Chính trị chủ trì chỉ đạo làm tốt công tác chính sách, hậu phương gia đình đối với các quân nhân hy sinh; Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin chính xác, trung thực, kịp thời về quá trình tìm kiếm cứu nạn.
- Sau khi hoàn thành việc trục vớt những bộ phận còn lại của 2 máy bay gặp nạn, các cơ quan chuyên môn kỹ thuật khẩn trương phân tích dữ liệu thu thập được, xác định nguyên nhân gây tai nạn, tổ chức rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ Quốc phòng.
Theo VTV
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/312151/quan-uy-tu-thong-bao-ve-2-may-bay-gap-nan.html

Phó Tổng Tham mưu trưởng trả lời phỏng vấn về 2 vụ tai nạn máy bay quân sự
 (Chinhphu.vn) – Liên quan đến việc tìm kiếm máy bay Su-30 MK2 và CASA 212, chiều 24/6, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã trả lời báo chí và phân tích 5 nguyên nhân của 2 vụ tai nạn vừa qua.
Thưa Thượng tướng, xin đồng chí cho biết khái quát những hoạt động mà Bộ Quốc phòng đã triển khai trong thời gian qua nhằm tìm kiếm và khắc phục hậu quả 2 vụ tai nạn máy bay Su 30 MK2 và CASA 212, cũng như những kế hoạch triển khai trong thời gian tới?
Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Về kết quả tìm kiếm 2 máy bay gặp nạn, thông báo của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng rất cụ thể và chi tiết. Công tác tìm kiếm cứu nạn phải thực hiện qua 3 điều cần làm nhất, đó là khi có tai nạn hàng không, chúng ta phải xác định xem máy bay có rơi không. Thứ hai là xác định danh sách phi hành đoàn và thứ ba là khẩn trương triển khai các biện pháp trục vớt liên quan đến máy bay.
Ở đây, chúng ta đã khẳng định, máy bay Su-30 MK2 số hiệu 8585 của Không quân Việt Nam bị rơi ở Đông Bắc đảo Hòn Mắt thuộc vùng biển của Việt Nam khoảng 40 km và máy bay CASA 212 của Lữ đoàn không quân 918 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân số hiệu 8983 rơi tại vùng biển khoảng 30 km về phía Nam Đông Nam của Đảo Bạch Long Vỹ, cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ khoảng 5 km.
Với máy bay Su-30 MK2, chúng ta đã cứu được phi công Nguyễn Hữu Cường. Phi công Trần Quang Khải hy sinh, đã vớt được thi thể. 9 thành viên phi hành đoàn của máy bay CASA 212 đã hy sinh.
Việc triển khai trục vớt, trong giai đoạn từ ngày 14-24/6, chúng ta đã thực hiện được một số nội dung cơ bản, đó là cứu được phi công Nguyễn Hữu Cường, vớt được thi thể phi công Trần Quang Khải.
Hiện nay, nhiều thi thể của phi hành đoàn CASA 212 đã vớt được, cùng với những bộ phận, vật thể quan trọng liên quan đến hai máy bay CASA 212 và Su-30 MK2.
Công việc tiếp theo mà chúng ta phải làm đó là công tác chính sách cho các đồng chí đã hy sinh, cũng như gia đình các đồng chí.
Việc này đã có các quy định của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đối với các quân nhân hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi đã triển khai rất cụ thể và một ví dụ rất rõ là việc thực hiện công tác chính sách cho đồng chí Trần Quang Khải.
Việc thứ ba, chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm những vật thể có liên quan đến hai máy bay, trong đó có những bộ phận rất quan trọng là hộp đen, để từ đó tiến hành phân tích các nguyên nhân xảy ra tai nạn, từ đó phòng ngừa tai nạn trong tương lai.
Về nguyên nhân tai nạn máy bay Su-30 MK2, qua thông tin của phi công Nguyễn Hữu Cường cung cấp, nguyên nhân ban đầu là có sự cố trong buồng lái, do đó phi công phải nhảy dù thoát hiểm. Ngoài ra, chúng ta còn phải đánh giá tiếp thông qua phương tiện khách quan khác trong thời gian tiếp theo.
Về nguyên nhân của tai nạn máy bay CASA 212, chúng ta đều biết đây là máy bay đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn phi công của máy bay Su-30 MK2. Chúng ta đang tiếp tục tìm kiếm hộp đen và căn cứ vào đó, cùng với các yếu tố khác sẽ xác định cụ thể. Nhưng chúng ta đã biết, khi máy bay làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, thì điều kiện thời tiết thực tế lúc đó biến động bất thường, không ổn định.
Thứ hai là khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, máy bay thường bay ở độ cao thấp. Đây là những yếu tố có thể là những nguyên nhân kết hợp dẫn tới tai nạn này.
Từ ngày 14/6 đến nay, chúng ta đã triển khai đồng loạt nhiều lực lượng, phương tiện trên cả hai khu vực rộng lớn và đã đạt được kết quả ban đầu, như đồng chí vừa thông tin chi tiết. Xin đồng chí cho biết về nguyên nhân đạt được những kết quả như vậy?
Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Việc chúng ta tìm kiếm có hiệu quả đối với 2 máy bay trong vụ tai nạn từ ngày 14, 16/6 đến ngày hôm nay, chỉ trong vòng 10 ngày chúng ta đã đạt được những kết quả của việc tìm kiếm như trên đây là tổng hợp của nhiều nguyên nhân.
Tôi có thể lấy một ví dụ liên quan đến tai nạn hàng không cho thấy, có nhiều năm vẫn chưa tìm được, cụ thể nhất là máy bay MH370. Và vụ gần nhất là máy bay của Ai Cập, hiện nay vẫn chưa tìm được chứng cứ, thi thể nạn nhân, từ đó chưa xác định được nguyên nhân.
Với chúng ta, trong một vùng biển rất rộng lớn, 2 vụ tai nạn, nhưng công tác tìm kiếm đã thu được những kết quả nêu trên, theo chúng tôi có những nguyên nhân sau:
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ hết sức quan tâm, quan tâm sâu sắc và chỉ đạo ngay lập tức. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là đồng chí Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng, các đồng chí Thường vụ Quân ủy Trung ương đã lập tức, kiên quyết, quyết liệt chỉ đạo triển khai những biện pháp đồng bộ, phương tiện, lực lượng để kịp thời làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Nguyên nhân thứ hai, các lực lượng của chúng ta, khi huy động đã được tổ chức một cách khoa học, đồng bộ, triển khai có kế hoạch dưới sự chỉ đạo, thống nhất của Bộ Tổng Tham mưu, trực tiếp là đồng chí Tổng Tham mưu trưởng và các lực lượng liên quan của quân đội như Quân chủng Hải Quân, Phòng không – Không quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Quân khu 3, Quân khu 4, các lực lượng liên quan như Công binh… đã được huy động tổng lực và theo kế hoạch cụ thể để triển khai nội dung này.
Ngoài ra, lực lượng liên quan như Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Giao thông vận tải với các đơn vị trực thuộc như Cục Hàng không dân dụng, Cục Hàng hải, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không và các lực lượng khác cũng đã phối hợp chặt chẽ. Cho nên, việc tìm kiếm cứu nạn đã đạt hiệu quả.
Thứ ba, bên cạnh việc bảo đảm thông tin liên lạc, hậu cần, kỹ thuật, trang bị đặc biệt, đã có sự phối hợp chặt chẽ của UBND các tỉnh, thành phố như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Đồng thời, huy động tổng lực lực lượng ngư dân của chúng ta. Ngư dân của chúng ta rất tốt, nhiệt tình trong công việc, đặc biệt được sự thông báo, thống nhất của các cấp nên đã có sự phối hợp với nhau, thông tin liên lạc kịp thời, đóng góp hết sức quan trọng trong việc tìm kiếm, góp phần trực tiếp tìm được vị trí cần xác định như tìm thi thể của các đồng chí hy sinh, các vị trí máy bay rơi và đặc biệt là cứu được đồng chí Cường sau 20 giờ lênh đênh trên biển.
Nguyên nhân thứ tư, mặc dù trong điều kiện đất nước còn khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước, Quân đội rất quan tâm, trang bị những trang thiết bị hiện đại cho công tác tìm kiếm cứu nạn như hệ thống thiết bị sonar, hệ thống tìm hộp đen của máy bay, robot lặn, các thiết bị dò tìm dưới nước, trang bị cho người nhái, kết hợp với các phương tiện truyền thống như sử dụng có hiệu quả tàu giã cào đã làm cho công việc được tiến hành rất nhanh trong điều kiện khó khăn về thời tiết khắc nghiệt, ban đêm, sóng to, gió lớn. Đây là những điều kiện mà chúng ta tưởng chừng như là phải kéo dài việc tìm kiếm.
Nguyên nhân thứ năm là sự hợp tác quốc tế trong nội dung liên quan đến việc tìm kiếm cứu nạn. Ở đây, ngay sau khi chúng ta có thông tin này, phía Trung Quốc đã lập tức chủ động đề nghị cung cấp thông tin và cùng đề xuất biện pháp, giải pháp. Vì máy bay của chúng ta rơi gần đường phân định Vịnh Bắc Bộ, việc phải mở rộng việc tìm kiếm sang phía Đông, Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện của chúng ta như tàu bay, các tàu sang khu vực bên đó để tìm. Trung Quốc cũng đã cử nhiều tàu, máy bay cùng các phương tiện giúp chúng ta tìm kiếm khu vực phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Ngay sau khi có tin, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng đã gửi thư, thông tin và thông báo Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ, phối hợp để giúp Việt Nam tìm kiếm cứu nạn.
Một số tập đoàn có liên quan như Airbus, tập đoàn cung cấp máy bay CASA 212, tập đoàn của Hoa Kỳ cung cấp thiết bị tìm kiếm hộp đen cho hàng không dân dụng Việt Nam cũng đã lập tức cử chuyên gia cùng chúng ta trao đổi thông tin cho đồng bộ để bảo đảm, phối hợp tìm kiếm, phân tích các kết quả theo thông tin của hộp đen nếu tìm được cho hiệu quả cũng như tìm kiếm nguyên nhân vụ tai nạn.
Tôi cũng nói thêm là việc xác định được vị trí của máy bay CASA 212 một cách kịp thời là do có hoạt động thông báo của tàu mang quốc tịch New Zealand, khi đi qua vùng biển phát hiện ra những vật thể đã có trách nhiệm dừng lại, thông báo và chờ chúng ta ra trục vớt, xác định là của máy bay CASA 212, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm.
Ở đây, chúng ta cũng phải nêu lên rằng, trách nhiệm của Việt Nam chúng ta là tạo ra được sự đồng thuận trong nhiệm vụ này với cộng đồng quốc tế.
Lý do là công việc nhân đạo, đúng luật pháp quốc tế, giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có mối quan hệ láng giềng và vị trí rơi mà tôi đã đề cập ở trên là sát đường phân định.
Ở đây, tôi cũng muốn nêu một việc đó là tình cảm, khi máy bay MH370 bị tai nạn, chúng ta nghi nó nằm trong không phận do chúng ta quản lý, Việt Nam đã cử lực lượng, phương tiện rất đông ra tìm kiếm mà trên máy bay đó đa số là người Trung Quốc. Đồng chí Lê Kim Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, người bị tai nạn lần này, chính là người đã thực hiện nhiều chuyến bay tìm kiếm. Do đó, khi nghe thông báo, phía Trung Quốc rất cảm động và hết sức nhiệt tình, mong muốn hợp tác tìm kiếm. Việc làm này thể hiện trách nhiệm của bạn là có đi có lại.
5 nguyên nhân trên làm cho chúng ta, trong một thời gian rất ngắn với một vùng biển rộng lớn như thế, các điều kiện hết sức khó khăn, thời tiết khác nhau, kinh nghiệm, phương tiện, thông tin như thế nhưng đã thực hiện rất nhiều công việc tìm kiếm này.
Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, với khả năng, năng lực và cách chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chúng ta hy vọng sẽ kết thúc, hoàn thành việc tìm kiếm, cứu nạn và giải quyết hậu quả của 2 vụ việc này trong thời gian tới.
Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo, quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chúng ta sẽ nhanh chóng tìm ra nguyên nhân để phòng ngừa trong giai đoạn tới và tiếp tục củng cố tiềm lực quốc phòng, nâng cao sức chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung và không quân nói riêng để phục vụ, bảo vệ Tổ quốc.
Chúng tôi cũng rất cảm ơn các cơ quan báo chí trong thời gian vừa qua đã phối hợp rất chặt chẽ, tạo ra sự đồng thuận cũng như điều kiện thuận lợi cho việc đưa tin tuyên truyền, tạo dư luận xã hội rất đồng thuận để các lực lượng có liên quan thực hiện có hiệu quả việc tìm kiếm cứu nạn.
Xuân Tuyến (ghi)
http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Pho-Tong-Tham-muu-truong-tra-loi-phong-van-ve-2-vu-tai-nan-may-bay-quan-su/279766.vgp

Doanh nghiệp không hy vọng nhiều về việc bỏ ‘giấy phép con’
An Tôn
Theo Luật Đầu tư của Việt Nam, từ ngày 1/7 tới, các điều kiện kinh doanh phải nằm trong các nghị định do chính phủ ban hành, thay vì nằm trong các thông tư của các bộ. Trong 2 ngày vừa qua, chính phủ Việt Nam và các nhóm đại diện cho doanh nghiệp đã đối chất về việc có loại bỏ phần lớn các điều kiện đó đi hay không. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp cho rằng thời hạn chót quá cận kề và không hy vọng nhiều về việc loại bỏ.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, có tới hơn 6.500 điều kiện kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp, luật sư cho rằng các điều kiện này là trái luật vì Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rõ rằng “Bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”.
Song trong hơn 10 năm qua, hàng ngàn điều kiện kinh doanh vẫn được ban hành tại các thông tư cấp bộ, các văn bản của chính quyền địa phương. Trong một hệ thống chính trị và tư pháp như ở Việt Nam, hầu như đã không có vụ kiện tụng nào để thách thức tính pháp lý của các thông tư đó.
Lâu nay, các doanh nghiệp vẫn gọi các điều kiện kinh doanh này là các “giấy phép con” gây cản trở việc khởi nghiệp và kinh doanh.
Ông thủ tướng làm sao có thể nghiên cứu hàng chục cái nghị định đó từng chi tiết một, từng điều kiện một. Thực sự mà có thủ tướng chỉ đạo gắt gao và có thông thoáng thì chúng tôi cũng không hy vọng nhiều về cái việc nâng cấp thông tư lên nghị định mà lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Luật sư Trần Vũ Hải.
Ông Trần Vũ Hải, một luật sư đồng thời là chủ một hãng luật, chỉ ra thực trạng:
“Hiện nay người ta đã quy định hàng nghìn điều kiện kinh doanh, như một ma trận. Điều đó có nghĩa rằng rất nhiều người muốn khởi nghiệp hoặc muốn kinh doanh thì họ cũng không biết thế nào là điều kiện phù hợp với mình”.
Bà Dương Thu Hương, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nêu ra ví dụ về một giấy phép con vô lý:
“Bây giờ người ta muốn nhập ô tô, lại bắt có giấy ủy quyền, thì ai người ta ủy quyền? Nói vô lý vô cùng. Trong hệ thống các điều kiện để thành lập doanh nghiệp, không nên để một cái hệ thống nào, một cái điều kiện nào nó vô lý”.
Sau khi Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức, ông đã khơi ra niềm hy vọng trong giới doanh nghiệp về một môi trường thông thoáng hơn khi ra tuyên bố sẽ kiên quyết cắt bỏ các giấy phép con bất hợp lý nhằm mang lại lợi ích cho số đông. Theo đó, từ ngày 1/7/2016, các điều kiện kinh doanh sẽ không còn là những giấy phép con dưới dạng thông tư của các bộ mà phải là các quy định trong nghị định của chính phủ. Cải cách này nhằm hạn chế việc cấp dưới tự đưa ra các điều kiện kinh doanh gây rắc rối, cản trở môi trường kinh doanh, đầu tư.
Giới doanh nghiệp đánh giá nếu điều này trở thành hiện thực sẽ giúp khơi thông nền kinh tế Việt Nam vốn đã bị nghẽn lại trong mấy năm vừa qua. Trong con mắt giới doanh nghiệp, các giấy phép con tạo ra cơ chế xin-cho, là mảnh đất màu mỡ để nhiều quan chức tham nhũng, trục lợi cá nhân nhân danh nhà nước, nhân danh lợi ích cộng đồng.
Nhưng càng đến gần ngày 1/7, càng có nhiều dấu hiệu các nhóm lợi ích cũng ráo riết vận động, gây sức ép để giữ lại các giấy phép con vì họ không dễ gì từ bỏ cái tạo ra quyền lực cho họ.
Trong hệ thống các điều kiện để thành lập doanh nghiệp, không nên để một cái hệ thống nào, một cái điều kiện nào nó vô lý.
Bà Dương Thu Hương.
Từ góc độ của một doanh nhân, Luật sư Trần Vũ Hải nhận định với VOA rằng “cuộc chiến” của giới doanh nghiệp nhằm loại bỏ giấy phép con không có nhiều hy vọng:
“Trong thực tế các bộ ngành luôn luôn tạo quyền và lợi cho họ, nên họ cũng không dễ dàng nghe theo chỉ thị của thủ tướng đâu. Ông thủ tướng làm sao có thể nghiên cứu hàng chục cái nghị định đó từng chi tiết một, từng điều kiện một. Thực sự mà có thủ tướng chỉ đạo gắt gao và có thông thoáng thì chúng tôi cũng không hy vọng nhiều về cái việc nâng cấp thông tư lên nghị định mà lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.
Ông Hải cho rằng do từ nay đến ngày 1/7 không còn nhiều, có phần chắc đa số các giấy phép con cũ sẽ được hợp thức hóa trong các nghị định mới. Ông nêu đề xuất rằng thủ tướng Việt Nam cần tiếp tục việc rà soát, loại bỏ các giấy phép con trong thời gian tới chứ không nên dừng lại:
“Chúng tôi cho rằng cái việc này thủ tướng cần kiên nhẫn hơn, và cần phải tuyên bố rằng các nghị định này, cho dù có lên nghị định, nhưng mà trong một năm nữa vẫn kiểm soát gắt gao, và các doanh nghiệp phải có dịp phản biện lại. Thủ tướng đã hứa là hàng năm phải rà soát hết. Vậy năm nay, ông tạm thời ban hành các nghị định. Các bộ ngành vẫn tìm cách nhét các điều kiện vào có lợi cho họ. Nhưng đến năm sau vẫn phải có chương trình nghị sự, phải sửa lại, và dịp đó là để ông phải nhắc nhở, thậm chí là kỷ luật các bộ trưởng đã không chịu nghe các doanh nghiệp, các phản biện của các chuyên gia từ trước”.
Trong con mắt các doanh nhân và giới quan sát, nếu các giấy phép con vẫn tiếp tục tồn tại, nỗ lực của thủ tướng Phúc nhằm cải cách môi trường kinh doanh sẽ khựng lại, sự phát triển của các doanh nghiệp Việt cũng như nền kinh tế nói chung sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
http://www.voatiengviet.com/a/doanh-nghiep-khong-hy-vong-nhieu-ve-viec-bo-hang-nghin-giay-phep-con/3390594.html

Tác động của Brexit tới Việt Nam?
Một số chuyên gia kinh tế Việt Nam bình luận rằng việc Anh Quốc rời EU sẽ ảnh hưởng đến chuyện đầu tư vào Việt Nam và việc xuất khẩu hàng hóa qua Anh.
Hôm 24/6, trả lời BBC, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, từ Hà Nội, nói: “Có thể thấy ngay tác động đầu tiên là các nhà đầu tư ở Anh cần thời gian ứng phó với tình hình ở nước họ trước khi tính đến chuyện đầu tư ở Việt Nam”.
“Bên cạnh đó, việc đồng bảng Anh mất giá sẽ khiến tăng trưởng GDP của Anh giảm, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó do giá tăng, sức mua hàng hóa tại Anh theo chiều hướng kém đi”.
Kinh tế gia này bày tỏ hy vọng “nước Anh vẫn giữ quan hệ tốt với Việt Nam và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có những chọn lựa nhằm giảm tác động tiêu cực trong việc Anh Quốc rời EU”.
Theo ông, qua sự kiện này, Việt Nam cần học bài học nhất thể hóa trong liên kết kinh tế khi tham gia cộng đồng kinh tế Asean.
‘Ảnh hưởng mậu dịch EU – Việt Nam’
Cùng ngày, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói với BBC: “Anh Quốc không phải là đối tác lớn của Việt Nam nhưng việc EU suy yếu do mất đi một đồng minh quan trọng như Anh có thể khiến quan hệ mậu dịch giữa khối này và Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực, trong lúc EU là thị trường xuất khẩu số hai”.
“Việc đồng bảng Anh cũng như đồng euro đang trong chiều hướng mất giá có thể đem lại lợi ích cho những người Việt đi du lịch hoặc du học ở Anh, nhưng ngược lại, khiến hàng xuất khẩu Việt Nam đắt đỏ và kém cạnh tranh hơn khi vào thị trường Anh”.
“Ngoài ra, cũng nên tính đến tác động dây chuyền, đồng bảng Anh khiến nhân dân tệ tăng giá, tạo áp lực lên VND và hàng xuất khẩu của Việt Nam”.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh liên tục tăng những năm qua.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt tăng trưởng kép (CAGR) gần 17% trong giai đoạn 2008-15, đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU.
Tính riêng 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại với Anh ở mức 3,9 tỷ USD trong năm 2015 và 1,7 tỷ USD
Gần 47% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh là điện thoại, máy tính, các linh kiện và thiết bị điện tử khác.
Quan hệ đầu tư và thương mại giữa Anh và Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ kể từ khi hai nước ký Hiệp định quan hệ Đối tác Chiến lược hồi tháng 9/2010.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/06/160624_brexit_impact_vietnam_comment

Nhà Trắng trả lời thỉnh nguyện thư cá chết
Nhà Trắng vừa có phản hồi thỉnh nguyện thư được hơn 142.000 người ký trên website của họ về thảm họa cá chết hàng loạt tại miền Trung Việt Nam.
Thư phản hồi viết: “Chúng tôi bày tỏ sự cảm thông sâu sắc tới người dân các tỉnh ven biển miền Trung trong lúc người dân nỗ lực vượt qua thiệt hại về hải sản ảnh hưởng đến sinh kế của họ.
Khi Việt Nam đối phó cuộc khủng hoảng môi trường này, Chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã tiếp cận các quan chức chính phủ cấp cao ở Hà Nội để ngỏ lời trợ giúp của chúng tôi, và hai chính phủ đang thảo luận về các lĩnh vực có thể hợp tác.
Sự tham gia của công chúng là một phần quan trọng trong việc giải quyết những thách thức về môi trường. Tương tự như kinh nghiệm tại Hoa Kỳ, chúng tôi khuyến khích Chính phủ Việt Nam tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ về môi trường, những nới có thể giúp các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết, đảm bảo trách nhiệm và tính minh bạch trong các nỗ lực làm sạch vùng biển, và giúp xây dựng chính sách để ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai.”
‘Thành tố quan trọng’
Thư phản hồi viết tiếp rằng khi thăm Việt Nam tháng 5/2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã trao đổi với chính phủ Việt Nam, giới doanh nhân, và các đại diện xã hội dân sự, cũng như sinh viên.
Lá thư dẫn lại lời Tổng thống Obama phát biểu khi đó: “Một khi người dân được quyền tự do tổ chức trong xã hội dân sự, quốc gia có thể giải quyết tốt hơn những vấn nạn mà chính quyền đôi khi không thể tự giải quyết”.
Thư của Nhà Trắng viết tiếp: “Việc hợp tác về môi trường là một thành tố quan trọng trong mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ – Việt. Trong chuyến thăm Việt Nam của ông Obama, hai nước đã khởi động Quan hệ Đối tác Khí hậu Mỹ – Việt, nhằm giúp hai nước thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”.
“Chúng tôi đang trợ giúp các nỗ lực bảo tồn môi trường giúp đưa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự lại gần nhau, chẳng hạn như Sáng kiến Liên minh Hạ Long – Cát Bà nhằm bảo vệ những kho báu quốc gia của Việt Nam”.
“Chúng tôi cũng đồng thời tăng cường mối cam kết chung đối với cuộc sống biển thế giới qua những chuẩn mực môi trường cao được định ra trong TPP, một hiệp ước cam kết bảo vệ môi trường thiết thực nhất trong các hiệp ước giao thương trong lịch sử.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/06/160624_response_petition_fish_death

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?