Tin Khắp Nơi – 26/06/2016

Tin Khắp Nơi  – 26/06/2016
Báo CSVN đưa tin phóng sự của Đài Loan
Hai báo Việt Nam đưa tin về phóng sự cá chết của truyền hình Đài Loan trong lúc một nhà hoạt động nói với BBC “lẽ ra chủ động truyền thông trong vụ này phải là báo Việt Nam”.
Hôm 26/6, báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ cùng đăng bài về phóng sự dài 60 phút ‘Việt Nam – Cái chết của cá’ phát trên kênh truyền hình PTS của Đài Loan.
“Trước việc cá chết hàng loạt, người dân địa phương đã nghi ngờ có liên quan tới Formosa.
Tất cả những người được PTS phỏng vấn đều khẳng định cá chết là do Formosa xả nước thải trực tiếp ra biển.
Tôi có cảm nhận rất rõ về khả năng kiểm soát báo chí nhà nước của Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin – Truyền thông.nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn
PTS cũng nhận định, lý do tảo đỏ được đưa ra là khó chấp nhận và thuyết phục”, Tuổi Trẻ tường thuật.
“Phóng sự của PTS cũng nhắc đến tuyên bố gây sốc “chọn cá hay chọn thép” của đại diện lãnh đạo Formosa khiến dư luận Việt Nam bất bình, phẫn nộ”.
Báo Thanh Niên cùng ngày viết:
“Người xem cũng không thể không thấy nhói lòng trước những hình ảnh tay ngư dân bị lở ngứa bởi chất nhớt màu vàng bám dính vào lưới, biển vắng tanh không ai dám tắm hay những lời ngậm ngùi từ bạn lặn của người thợ lặn xấu số Lê Văn Ngày”.
‘Cải trang thành người địa phương’
Hôm 26/6, trả lời BBC từ Đà Nẵng, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người đã có hơn một tháng điều tra độc lập tại Hà Tĩnh và là một trong các nhân vật được truyền hình Đài Loan phỏng vấn, nói:
“Các báo Việt Nam đã bỏ qua hai chi tiết nổi bật trong phóng sự. Một là chuyện 155 học sinh ở Kỳ Lợi không được phép đến trường vì bố mẹ các em không đồng ý với phương án giải phóng mặt bằng cho dự án Formosa của chính quyền”.
“Hai là những mô tả về việc bố ráp của lực lượng an ninh địa phương, việc bắt giữ các nhà hoạt động về đưa tin trong vùng cũng như việc chính phủ đàn áp biểu tình ở Sài Gòn, Hà Nội”.
Một nhà báo Đài Loan nói với tôi lúc ở Hà Tĩnh: ‘Tôi cũng biết tự do báo chí ở Việt Nam không được tôn trọng, giống Trung Quốc. Nhưng không hề nghĩ tình hình lại tệ đến thế, tới mức mà việc làm tin có thể khiến nhà báo bị đánh đập, bắt giữNhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn
Ông Tuấn cho biết thêm: “Tôi vui vì góp phần giúp đoàn làm phim Đài Loan tác nghiệp, mang được tiếng nói của ngư dân và cư dân miền Trung đến với công chúng Đài Loan. Buồn là vì lẽ ra phần chủ động về truyền thông trong vụ việc này phải thuộc về báo chí Việt Nam, vốn có nhiều lợi thế hơn về thực địa”.
“Dù tôi đã cảnh báo việc tác nghiệp ở Vũng Áng trong thời điểm đó có thể khiến các nhà báo Đài Loan gặp phải rủi ro, kể cả khả năng bị bắt, song cuối cùng họ vẫn quyết định đến Việt Nam thực hiện phóng sự”.
“Trong quá trình tác nghiệp, họ đã phải cải trang thành người địa phương, đi làm tin trong cảnh phập phồng lo sợ, bị các nhân viên an ninh mặc thường phục theo sát và chỉ có thể thoát nạn nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của người dân địa phương”.
“Thật sự tôi tin là những nhà báo Việt Nam cũng có tinh thần dấn thân, trình độ tác nghiệp cũng không thua kém đồng nghiệp Đài Loan, song sản phẩm của họ khó mà đến được với công chúng một cách chính thức, vì bị kiểm duyệt và tự kiểm duyệt”, nhà hoạt động nói với BBC.
“Một nhà báo Đài Loan nói với tôi lúc ở Hà Tĩnh: ‘Tôi cũng biết tự do báo chí ở Việt Nam không được tôn trọng, giống Trung Quốc. Nhưng không hề nghĩ tình hình lại tệ đến thế, tới mức mà việc làm tin có thể khiến nhà báo bị đánh đập, bắt giữ’.
“Nếu như trước ngày 29/4, các nhà báo tràn ngập ở Kỳ Anh, khai thác mọi khía cạnh của vụ việc, phỏng vấn rất nhiều ngư dân và cư dân địa phương; thì sau ngày đó, Kỳ Anh vắng hẳn bóng nhà báo, đến nổi nhiều người dân phải hỏi tôi là sao nhà báo đi đâu hết rồi”.
“Tôi nghĩ đây là một trở ngại chính khiến báo chí Việt Nam sẽ còn tụt hậu so với báo chí các nước. Và đây cũng là một thiệt thòi lớn cho những nhà báo chân chính ở Việt Nam”.

Vụ xả súng ở Orlando: Người Việt lên tiếng
Vụ thảm sát hàng loạt lớn nhất lịch sử nước Mỹ tại Orlando, Florida, hôm 12/6, khiến công luận bàng hoàng, chấn động khi Omar Mateen, công dân Mỹ gốc Afghanistan, xả súng tại một hộp đêm của người đồng tính, giết chết 49 người và làm bị thương hàng chục người khác với lời tuyên bố trung thành cùng tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Vụ việc đã khơi dậy những tranh cãi về quyền sử dụng súng, vấn đề an ninh nội địa, chính sách di dân, và các mối đe dọa khủng bố đối với Hoa Kỳ, đất nước có đông di dân nhất nhì thế giới.
Ý kiến của cộng đồng người Việt ở đây ra sao? Họ bị ảnh hưởng tác động thế nào sau vụ thảm sát? Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay chia sẻ với các bạn thông điệp và phản hồi của họ qua cuộc trao đổi với 4 cư dân trẻ ở thành phố Orlando sống gần trung tâm xảy ra vụ nổ súng: Kim Tân, MC hoạt động trong ngành âm nhạc-giải trí; Lê Huy, tư vấn tài chánh, Phó Tổng thư ký phụ trách Ngoại vụ trong Ban Chấp hành cộng đồng người Việt tại Orlando; Nguyễn Quốc Hùng, cố vấn công nghệ thông tin, tân Chủ tịch cộng đồng Việt tại Florida; Phúc Đặng hoạt động trong ngành địa ốc.
Kim Tân: Tân sống rất gần hộp đêm Pulse vì mình ở ngay downtown thành phố Orlando, từ nhà đến nightclub đó chỉ 10 phút thôi.
Trà Mi: Sinh hoạt văn nghệ ở địa phương, anh thấy khu vực hộp đêm này có thân quen với cộng đồng người Việt tại đây không?
Kim Tân: Downtown là nơi tập trung nhiều người Mỹ và du khách. Đúng ra hộp đêm này cũng không quen thuộc lắm với cộng đồng người Việt mình.
Trà Mi: Hộp đêm này không phải địa điểm thường lui tới của người Việt, nhưng có nhiều người Việt sinh sống, buôn bán gần đó không?
Kim Tân: Trung tâm của người Việt mình sinh hoạt, sinh sống và làm việc cũng không xa địa điểm xảy ra vụ thảm sát cho lắm, cách khoảng 10 phút thôi. Thành phố Orlando là vùng đất du lịch hiền hòa, tập trung rất nhiều du khách, có rất nhiều địa điểm vui chơi – giải trí nổi tiếng thế giới như Disney World, Universal, Sea World…Người Việt làm việc tại những địa điểm đó rất nhiều, nhất là Disney World. Vì là thành phố du lịch nên người Việt ở đây thường mở nhà hàng và một số rất đông làm trong các khách sạn. Sau này khi ngành nail bật lên, người Việt cũng tham gia vô rất nhiều.
Trà Mi: Vụ thảm sát hàng loạt lớn nhất lịch sử Mỹ vừa xảy ra tại Orlando nơi các anh sinh sống. Các anh, những cư dân gốc Việt, có cảm giác thế nào?
Phúc Đặng: Mình thấy có ảnh hưởng ngắn hạn. Mọi người đều sợ hãi.
Trà Mi: Vụ này ảnh hưởng ra sao đến đời sống sinh hoạt của cư dân thành phố, đặc biệt là cộng đồng người Mỹ gốc Việt?
Lê Huy: Thoạt đầu đây là sự việc rất kinh hãi vì thành phố này là vùng nắng ấm, hiền hòa, hiếu khách. Việc này xảy ra gây chấn động cộng đồng người Việt ở đây, cảm thấy rất hoang mang. Các gia đình về đây sinh sống cảm nhận đây là nơi con cái họ sẽ có một tuổi thơ vui tươi với những hình ảnh của Disney World, nhưng bây giờ họ cảm thấy giống như không an toàn nữa. Buổi tối con cái mà đi hộp đêm cũng là một vấn đề lo ngại đối với các bậc phụ huynh ở đây. Không bao giờ có thể nghĩ là có thể xảy ra khủng bố tại thành phố hiền hòa như thế này.
Trà Mi: Mảnh đất hiền hòa nay bỗng xảy ra thảm sát làm rúng động nước Mỹ và công luận thế giới như vậy, từ vụ việc này cộng đồng người Việt nghĩ ngay tới vấn đề gì?
Lê Huy: Sau vụ này em cảm thấy rất sợ, cũng lo cho các con. Đây cũng là kinh nghiệm cho Orlando và cho FBI. Đáng lẽ thủ phạm đã phải nằm dưới sự theo dõi điều tra của FBI. Vậy mà không biết vì lý do gì để anh ấy tự do mới xảy ra vụ việc. Hy vọng mọi việc sau này sẽ khắt khe hơn nhiều.
Trà Mi: Làm việc trong ngành truyền thông Việt ngữ ở địa phương, anh Kim Tân ghi nhận phản ứng dư luận ở đó ra sao?
Kim Tân: Mình có cơ hội làm việc, tiếp xúc với rất nhiều người Việt trong cộng đồng ở đây. Sau vụ thảm sát, người Việt đi đến đâu cũng nhắc tới vụ này. Tuy có kinh hoàng, lo lắng nhưng người Việt không biểu lộ sự sợ hãi. Ví dụ, sau vụ việc, người Mỹ tổ chức các buổi hiến máu. Người Việt mình cũng đứng xếp hàng hiến máu để giúp các nạn nhân đang được cứu chữa trong bệnh viện, chứng tỏ sự đồng lòng. Hơn thế, ngày 17/6 vừa qua, tôi có tham dự buổi thắp nến của cộng đồng Việt Nam vùng trung tâm Florida, tưởng niệm, cầu nguyện và chia sẻ nỗi đau thương của nước Mỹ nói chung và gia đình các nạn nhân nói riêng.
Trà Mi: Ngoài mặt tâm lý, vụ này cũng ảnh hưởng nhiều mặt khác như giáo dục con cái và nhận thức của giới trẻ liên quan đến bạo lực súng ống hay sở hữu súng. Các anh ghi nhận thế nào?
Phúc Đặng: Nên cảnh giác, tìm hiểu những nơi con cái mình đến. Về sự an toàn, bây giờ khủng bố xảy ra gần như khắp mọi nơi, một cách dễ dàng, kể cả trường học.
Trà Mi: Nổ súng bừa bãi đã lan tới những môi trường mà người ta không hề ngờ tới, kể cả trường học hay nhà thờ. Sau vụ này, anh Huy có thấy vấn đề an toàn, an ninh của nước Mỹ khiến anh lo lắng?
Lê Huy: Bạo lực và súng đạn là vấn đề người dân Mỹ tranh luận rất sôi nổi. Bảo vệ, tự vệ, hay lợi dụng súng ống như con dao hai mặt? Florida cũng như toàn nước Mỹ cũng đang suy nghĩ làm sao giảm bớt đi những vụ thảm sát kinh hoàng như vậy. Về vấn đề giáo dục con cái, những bậc cha mẹ phải dạy con cái tránh lối sống cực đoan , hướng con cái nhìn mọi người với ánh mắt vị tha, yêu thương hơn để những việc đó không xảy ra.
Trà Mi: Đó là về khía cạnh giáo dục, còn về khía cạnh xã hội anh Hùng thấy thế nào? Nhiều khi mình dạy con như thế, nhưng ra xã hội với đầy rẫy những điều kiện dễ xảy ra bạo lực thì làm thế nào?
Quốc Hùng: Câu hỏi rất hay. Vấn đề an ninh quốc gia, ai cũng phải lo lắng. Florida còn đang muốn ra luật cho phép ai cũng có thể cầm súng để tự vệ. Điều này như con dao hai lưỡi. Nếu biết điều khiển súng tỉnh táo thì không sao, nhưng nếu cực đoan hay bị stress nổi đóa thì có thể làm những chuyện nguy hiểm cho cộng đồng. Cho nên, em nghĩ không nên thông qua luật để mọi người có thể tự cầm súng muốn đi đâu thì đi, rất nguy hiểm.
Trà Mi: Nhiều người cũng cùng quan điểm như anh cho rằng xảy ra thảm sát là do thiếu kiểm soát súng ống. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu cho mỗi người quyền có súng tự vệ thì đã không xảy ra những vụ thảm sát như thế, vì khi kẻ chủ mưu ra tay thì những người khác đã có thể ngăn chặn vì có võ khí phòng thân. Giữa hai luồng ý kiến như vậy, anh Tân thấy thế nào?
Kim Tân: Chuyện thiện-ác trên đời này chắc chắn không bao giờ hết được. Từ trước đây, nước Mỹ đã ra chính sách cho dân mang súng, nhưng không phải tất cả đều được, phải đi học để được mua súng tự bảo vệ mình. Thế nhưng kẻ gian, một khi đã rắp tâm, thì bằng mọi cách họ cũng làm sao cho có được võ khí để giết người. Cho nên, việc sử dụng súng sai là do suy nghĩ của từng cá nhân con người. Bản thân Tân trước đây cũng từng bị cướp có súng. Sau đó, cảnh sát khuyên Tân đi học để mua súng thủ trong nhà. Từ đó về sau, Tân có đời sống bình yên hơn. Cho nên, mình cũng không biết đâu là đúng, đâu là sai. Nhưng cần thiết nhất bây giờ là kêu gọi những người có trách nhiệm như ngành an ninh hãy kiểm soát kỹ lưỡng, chọn lọc những người nào nên mang súng và chuẩn bị những hàng rào lá chắn để bạo lực khó thể xảy ra.
Trà Mi: Anh nói sử dụng súng đúng hay sai tùy lý trí mỗi người. Nhưng khi người ta muốn dùng sai mà có luật pháp ngăn chặn thì cũng đỡ phần nào. Cho nên, vấn đề luật pháp cũng quan trọng phải không? Ý kiến anh Huy thế nào?
Lê Huy: Ở đây cho dân dùng súng quá dễ dãi đi. Trước khi cho mua súng, nên có thẩm định về tâm thần coi họ có phải là người bình thường hay không. Mình phải có sự lựa chọn, chọn lọc chặt chẽ hơn đối với các đối tượng được mang súng. Như vậy mới có thể giảm bớt những sơ sót có thể xảy ra.
Quốc Hùng: Nếu đại trà, ai xin phép cũng có thể mang súng thì sẽ rất loạn chứ không phải là bảo vệ gì được đâu. Phải có luật pháp chế tài về vấn đề ai được quyền cầm súng. Phải giới hạn thôi. Nên hạn chế vấn đề cho phép dùng súng càng nhiều càng tốt, như chỉ có an ninh mới được có súng hoặc chỉ được để súng ở nhà..vv…
Trà Mi: Nước Mỹ có nhiều mặt tốt hơn rất nhiều nước khác từ đời sống, kinh tế, văn minh, tiến bộ, đến nhân quyền. Duy chỉ có vấn đề súng ống là đáng lo ngại nhất nhì thế giới. Nguyên nhân vì sao? Đề xuất và những đóng góp của cộng đồng người Việt tại Mỹ liên quan vấn đề kiểm soát súng ống như thế nào? Mời các bạn đón theo dõi phần thảo luận tiếp theo của Tạp chí Thanh Niên VOA trong buổi phát thanh trực tuyến từ 10h đến 11h tối thứ sáu 1/7/2016 trên voatiengviet.com.

Gần 50 nước ủng hộ Trung Quốc về biển Đông
Bắc Kinh tuyên bố rằng ít nhất 47 quốc gia đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh công bố con số này trong cuộc họp báo hôm 23/6.
Bà Hoa nói: “Số ủng hộ Trung Quốc tăng lên mỗi ngày, cho nên tôi không thể cung cấp con số cụ thể”.
Nữ phát ngôn viên này nói thêm rằng con số thực tế “không phải là điều quan trọng nhất”.
“Chừng nào ai đó có quan điểm khách quan, bất thiên vị, hiểu các điểm chính về lịch sử của biển Nam Trung Hoa [biển Đông] cũng như hiểu bản chất của cái gọi là ‘vụ phân xử’ [vụ kiện của Philippines], bất kỳ quốc gia, tổ chức và cá nhân không thiên vị nào đều sẽ không do dự ủng hộ quan điểm công bằng của Trung Quốc,” bà Hoa nói.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Mỹ, Trung Quốc đang “ráo riết vận động sự hậu thuẫn” đối với Bắc Kinh trước khi Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ ra phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh trong tháng tới.
Hồi tháng Tư, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ủng hộ lập trường của Trung Quốc về việc giải quyết song phương tranh chấp biển Đông.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng kêu gọi “các quốc gia ngoài cuộc ngừng can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan”.
Trong khi đó, hôm 24/6, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã lên tiếng về việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình ở quần đảo Trường Sa, , cũng như về thông tin Tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc COSCO có kế hoạch tổ chức các tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa.
Ông Bình tuyên bố rằng Hà Nội “kiên quyết phản đối”, và rằng “những hành động phi pháp như vậy không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này”.
Theo Reuters, MOFA, VOA

Tại sao cứ dây dưa giấc mơ ‘bùn đỏ’?
Sau thời gian lo lắng, rốt cuộc cũng xảy ra việc hồ chứa bùn đỏ gặp sự cố. Theo đó, hồ chứa nước khai thác titan của Công ty Tân Quang Cường (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) bất ngờ vỡ khiến một lượng lớn bùn đỏ tràn ra ngoài.
Theo mô tả của báo chí Việt Nam, cụ thể là báo Tuổi Trẻ, thì “do lượng bùn đỏ quá lớn, dòng nước vỡ ra mạnh nên đã xé thành một đường rãnh lớn trên đồi cát chạy dài xuống khu dân cư. Nước bùn đỏ theo các đường rãnh tràn vào nhà dân, băng qua tuyến đường nhựa ven biển Tân Thành – Thuận Quý chạy luôn ra biển. Tại các khu vực có dân cư sinh sống, bùn đỏ tràn vào trong nhà, vườn, ao cá nhà dân. Các quán ăn nằm ven biển cũng bị bùn đỏ tràn vào.” Đọc mà thấy nổi hết da gà vì kinh hãi. Lược xem lại lịch sử về vấn nạn bùn đỏ tràn hồ ở Việt Nam sẽ thấy từ năm 2013, hồ chứa khai thác titan ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, cũng bị vỡ, gây thiệt hại không nhỏ về môi trường lẫn tài sản của người dân. Năm 2013 không xảy ra một vụ, mà nhiều vụ, khiến thiệt hại ước tính lên đến con số tỷ đồng.
Nhìn lại nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn và sự cố tràn bùn đỏ độc hại ra môi trường sẽ thấy dường như chỉ cùng một vấn đề, đó là quy chuẩn môi trường của các doanh nghiệp và nhà đầu tư khai thác đều có vấn đề. Trong biên bản thanh tra của Bộ Tài nguyên – Môi trường năm 2013 cho thấy Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam) đã xả thải vượt quy chuẩn môi trường; tổng hoạt độ phóng xạ anpha vượt 1,5 lần QCVN 24: 2009/BTNMT với lưu lượng nước thải 500m3/ngày. Còn trong kết luận sơ bộ ban đầu mới đây do đoàn kiểm tra thực hiện đối với Công ty TNHH Tân Quang Cường tại mỏ Suối Nhum, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, về sự cố vỡ hồ chứa nước tuyển quặng titan được công bố trên báo chí cho thấy việc khai thác titan của công ty tại khu vực này còn một số tồn tại, thiếu sót như chưa hoàn thành việc ký hợp đồng thuê đất để khai thác khoáng sản, chưa đăng ký ngày bắt đầu khai thác theo quy định, chưa báo cáo để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã duyệt. Thậm chí công ty này còn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng nước mặt, chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước theo quy định.
Như vậy có thể thấy, hoặc là công ty có giấy phép nhưng không làm theo cam kết, hoặc là… chưa có gì, mặc cho an nguy của hàng trăm, hàng ngàn hộ dân ở những vùng sinh sống lân cận. Thực ra chuyên doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, qua mặt chính quyền không phải là hiếm. Ở châu Âu, năm 2015 có vụ tập đoàn Volkswagen sử dụng các con chíp công nghệ cao để qua mặt nhà kiểm tra về vấn đề phát thải của xe ô tô. Tương tự ở Mỹ cũng có những vụ ô nhiễm môi trường mà phía sau là sự tính toán của doanh nghiệp rất công phu. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là việc ô nhiễm bùn đỏ tại Việt Nam là bình thường, mà trái lại là bất thường.
Không bất thường sao được khi một công ty khai thác quặng hoạt động ngày đêm lại gần như không có mãnh giấy phép vắt vai nào, mà không một cơ quan ban ngành nào biết, để cho đến khi mọi thứ đổ vỡ, tràn ngập bùn đỏ không thể chối cãi thì mới vào cuộc. Cả một công ty khai khoáng chứ không phải một con chíp công nghệ cao mà có thể giấu giếm, qua mắt sự quan sát và kiểm tra của cơ quan chức năng, trừ khi ngành chức năng có vấn đề.
Người ta dùng công nghệ cao, tinh vi để qua mắt người hành pháp đã đành, đằng này việc diễn ra như ban ngày cũng qua mặt được nhà chức trách. Cái hồ bùn đỏ ấy, vốn rất nhạy cảm với môi trường, lẽ ra phải được kiểm tra thường xuyên hơn bao giờ hết. Thậm chí các kịch bản xử lý sự cố tràn hồ, vỡ hồ (tương tự vỡ hồ thủy điện) đều phải được ngành chức trách yêu cầu kiểm tra một cách rất nghiêm ngặt đối với đơn vị đầu tư khai thác.
Không bất thường sao được khi cũng tại cùng một tỉnh, một địa phương mà sự cố cứ xảy ra hết lần này đến lần khác. Hai chữ bùn đỏ suốt những năm gần đây luôn là ám ảnh đối với người dân, không chỉ những khi nhà cửa bị tràn bùn, đường sá ngập bùn, biển ô nhiễm vì bùn, doanh nghiệp kinh doanh đóng cửa vì bùn, người dân thiệt hại hoa màu và tài sản vì bùn… mà ngay bất kỳ khi nào người ta nằm và nhớ lại những giấc mơ tràn bùn đỏ.
Việc không có giấy phép mà vẫn cứ hoạt động công khai, ngang nhiên, qua mắt ngành chức năng như vậy đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, phải kiểm tra quy trình cấp phép đối với các doanh nghiệp thuộc ngành vốn nhiều tai tiếng như vầy. Đừng trả lời với dân là quy trình chuẩn khi suốt nhiều năm ngành liên tục xảy ra tai nạn. Ai được cấp, quy chuẩn và tiêu chuẩn ra sao, báo cáo đánh giá tác động môi trường như thế nào, kiểm tra thực tế cụ thể cần gì và như thế nào… Tất cả phải minh bạch, rõ ràng, cụ thể và đạt tiêu chuẩn tối đa. Không ngoại trừ trường hợp quy trình không có vấn đề nhưng người thực hiện quy trình thì lại có vấn đề. Nạn bôi trơn, hối lộ vẫn còn âm ĩ, không khỏi khiến dân chúng hoài nghi: cán bộ nhận tiền và nhắm mắt làm ngơ? Ngành chức năng giản bỏ nhiều giai đoạn quan trọng khi cấp phép vì những lý do không rõ? Dù chỉ là hoài nghi, nhưng đó là những hoài nghi mà không ai có thể bác bỏ 100%, thế nên nhất thiết ngành chức năng phải kiểm tra xem liệu có tiêu cực trong vấn đề cấp phép, quản lý hay không.
Cuối cùng, phải nhấn mạnh lại việc xử lý các doanh nghiệp phải mạnh tay. Tôi biết gánh nặng về nhân công, người lao động luôn là bài toán khó cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên phải có cách giải quyết tốt hơn để dân vừa có việc làm, doanh nghiệp làm ăn phải tử tế. Nếu không làm được việc này thì mạnh dạn xin rời ghế để người khác đủ năng lực lên làm, bởi dân cần những người lãnh đạo như vậy. Với doanh nghiệp phải cứng rắn ngay từ khi cấp phép, không phải làm khó, mà là làm đúng. Với các doanh nghiệp hứa một đằng làm một nẻo thì phải phạt nặng, thật nặng, không chỉ về tài chính mà còn cả về danh tiếng. Phải làm sao sự đánh đổi giữa vi phạm và không vi phạm là vô cùng lớn, tránh trường hợp phạt không nặng bằng lợi nhuận họ thu về. Những kẻ kinh doanh đơn thuần là duy lợi nhuận đôi khi không bàn đến đạo đức kinh doanh, cần phải triệt tiêu, thậm chí cấm khai thác vĩnh viễn.
Xin nhấn mạnh lại rằng, một doanh nghiệp to đùng chứ không phải một con tôm, con cá mà ngành chức năng bảo là không quản lý xuể; hay cứ để tai nạn cứ diễn ra hoài. Dân mệt mỏi!
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Euro 2016 : Bồ Đào Nha gặp may, Thụy Sĩ ngậm ngùi ra về
Sau vòng đấu bảng khá cân tài cân sức, hôm qua Euro 2016 bước vào loạt trận loại trực tiếp đầu tiên diễn.Mức độ căng thẳng và quyết liệt được đẩy thêm nấc mới : 2 trận kéo dài hiệp phụ và một trận thắng chỉ được phân định vào những phút cuối của trận đấu.
Ba Lan đã loại Thụy Sĩ bằng loạt đá luân lưu 11 mét bằng tỷ số 5-4, sau khi hết hai hiệp phụ hai đội hòa nhau 1-1.
Ba Lan mở tỉ số trước từ phút thứ 39 do công của cầu thủ Blaszczykowski. Đến phút thứ 82, tiền vệ Xherdan Shaquiri của Thụy Sĩ san bằng tỉ số bằng một cú bay người sút bóng cắt kéo tuyệt đẹp. Có thể coi đó là bàn thắng đẹp nhất giải cho đến giờ. Đáng tiếc là bàn thắng ngoạn mục cuối cùng cũng trở nên vô ích. Trong màn thi đá 11 mét luân lưu, cầu thủ Granit Xhaka vì quá căng thẳng đã sút bóng ra ngoài cách khung thành đến cả mét. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1982, Ba Lan có được thành tích vào tới tứ kết ở đấu trường lớn.
Trong trận đấu thứ hai, Xứ Wales đã loại Bắc Ailen bằng tỉ số 1-0 nhờ cú phá bóng phản lưới nhà của hậu vệ Ailen, Gareth Mc Auley, sau cú tạt bóng căng và hiểm hóc của ngôi sao Xứ Wales Gareth Bale. Xứ Wales đã lập chiến tích lịch sử : Lần đầu tham dự Euro vào luôn tới tứ kết một cách xứng đáng.
Trận cầu Bồ Đào Nha và Croatia được người hâm mộ mong chờ. Cả hai đội đều chơi phòng ngự rất kín kẽ, tranh giành quyết liệt nhưng không tạo được nhiều cơ hội tiếp cận hoặc sút bóng về khung thành của nhau. Trận đấu phải kéo dài thêm hiệp phụ. Đến phút thứ 117, từ một đợt phản công, đón đường bóng thủ môn Croatia Danijel Subasic đẩy ra sau cú sút căng của Ronaldo, tiền đạo vừa vào sân ở hiệp hai Quaresma đã ghi bàn bằng cú đánh đầu đơn giản. Bàn thắng vàng đó đã đưa Bồ Đào Nha – dù họ chơi không xuất sắc và vẫn phụ thuộc vào Ronaldo – vào tứ kết gặp Ba Lan, còn Croatia vỡ mộng làm nên bất ngờ lớn ở giải.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?